Bản đồ nhiệt của đợt nóng kỷ lục đang xảy ra tại Pháp. (Ảnh: BFMTV)
Nhiều nước châu Âu ghi nhận mức nhiệt kỷ lục, cháy rừng gia tăng: Ngày 29/6, Cơ quan Xử lý tình trạng khẩn cấp ở Pháp cho biết mức nhiệt cao kỷ lục ở nước này đã được ghi nhận tại vùng Gard, với nhiệt độ 45,9 độ C. Tại đây đã xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng, thiêu rụi hơn 600 héc-ta rừng, phá hủy nhiều ngôi nhà và xe cộ, và khiến nhiều tuyến đường cao tốc phải tạm thời đóng cửa. Hơn 700 lính cứu hỏa và 10 máy bay cứu hỏa đã được huy động để dập tắt các đám cháy.
Ngoài Pháp, 7 nước châu Âu khác cũng ghi nhận mức nhiệt vượt quá 45 độ C là Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và CH Bắc Macedonia.
Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Tây Ban Nha, 40 trong tổng số 50 vùng ở nước này đã được đặt trong tình trạng báo động về khí hậu, trong đó có 7 vùng bị coi là có "nguy cơ cao".
Tại Italy, nền nhiệt cao ở miền Trung và miền Bắc nước này đã khiến 3 người tử vong, trong khi các bệnh viện ở thành phố Milan ghi nhận số bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng 35% do thời tiết nắng nóng. Trong khi đó, người dân Anh cũng đang khổ sở chống chọi với những ngày nóng nhất trong năm, với nhiệt độ có thể lên tới 35 độ C.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) chụp ảnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Nhật Bản ngày 29/6/2019. (Ảnh: Seattle PI)
Tổng thống Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị G20: Ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã có cuộc gặp ‘tuyệt vời’ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Nhật Bản.
Các phương tiện truyền thông dẫn lời Tổng thống Trump cho biết ông đánh giá cao cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh “mọi thứ giữa hai nước đang quay trở lại quỹ đạo”.
Trả lời câu hỏi của báo giới, nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá đó là một cuộc gặp vô cùng tốt đẹp, hơn nhiều so với dự kiến. Ông cũng cho hay hai bên sẽ sớm ra tuyên bố. Tổng thống Trump cho biết ông muốn mối quan hệ thương mại "mật thiết hơn" với Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đưa tin phía Mỹ thông báo sẽ không tiến hành áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa Trung Quốc sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước ở Osaka, đồng thời cho biết hai nước sẽ nối lại đàm phán thương mại và các nhóm chuyên gia đàm phán của Mỹ và Trung Quốc sẽ xúc tiến các cuộc gặp để thảo luận về từng vấn đề cụ thể.
Tổng thống Trump tuyên bố Washington để ngỏ một thỏa thuận thương mại "lịch sử" với Trung Quốc. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi "hợp tác và đối thoại".
Người tị nạn Palestine nhận lương thực cứu trợ tại Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza ngày 28/1/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nước cam kết viện trợ hơn 110 triệu USD cho người tị nạn Palestine: Ngày 25/6, hơn 110 triệu USD đã được cam kết gửi tới Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) tại một hội nghị tổ chức ở trụ sở Liên hợp quốc nhằm thảo luận các biện pháp hỗ trợ UNRWA - vốn đang lâm vào khó khăn sau khi Mỹ cắt toàn bộ tài trợ hồi năm ngoái.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 35 nước, trong đó đa số là các quốc gia châu Âu và Arab, với những khoản cam kết đóng góp lớn nhất đến từ Liên minh châu Âu (EU) (23,7 triệu USD), Đức và Anh.
Giám đốc UNRWA Pierre Kraehenbuehl đã hoan nghênh cam kết viện trợ 110 triệu USD nêu trên, đồng thời nhấn mạnh rằng "một khoản tiền quan trọng" này sẽ giúp UNRWA trang trải chi phí hoạt động cho những tháng tới và tránh được khủng hoảng ngân sách.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết cơ quan này vẫn sẽ phải tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ để bù đắp thiếu hụt trong tổng số ngân sách cam kết tài trợ 1,2 tỷ USD vào tháng 9 tới. Hồi năm ngoái, UNRWA cũng đã phải dựa vào các khoản tiền bổ sung từ các nước thành viên và các khoản tiết kiệm nội bộ để bù đắp lỗ hổng trị giá 446 triệu USD trong tổng ngân sách 1,2 tỷ USD.
Tổng thống Trump sau khi ký lệnh trừng phạt lãnh tụ tối cao Iran. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Trump công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ đối với Iran, trong đó mục tiêu chính là nhằm vào Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei.
Ông chủ Nhà Trắng cho rằng lãnh tụ Khamenei phải chịu trách nhiệm vì các hoạt động gây bất ổn của Tehran. "Chúng tôi không theo đuổi xung đột. Phản ứng của Iran sẽ quyết định thời điểm chấm dứt cấm vận, nó có thể diễn ra ngay ngày mai hoặc kéo dài thêm nhiều năm", Trump nói thêm.
Tổng thống Mỹ ban đầu cho biết lệnh cấm vận nhằm đáp trả vụ Tehran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái (UAV) trị giá 200 triệu USD của Washington hôm 20/6. Tuy nhiên, Trump sau đó khẳng định những biện pháp trừng phạt vẫn được áp đặt dù vụ bắn hạ UAV có xảy ra hay không.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo 8 chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Xe phóng đạn thuộc tổ hợp Iskander-M với tên lửa 9M728 (trái) và 9M723 cạnh radar 1L261 của tổ hợp Zoopark-1M. (Ảnh: RIA Novosti)
Thượng viện Nga thông qua dự luật đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ: Thượng viện Nga trong phiên họp ngày 26/6 đã thông qua dự luật về việc ngừng tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ. Dự luật này sẽ được trình lên Tổng thống Vladimir Putin xem xét ký thành luật.
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cho biết lý do của việc Nga thúc đẩy việc đình chỉ INF là nhằm đáp trả động thái tương tự của Washington.
Mỹ hồi tháng 2 tuyên bố sẽ chấm dứt hiệp ước INF trong vòng 6 tháng nếu Nga không phá hủy 9M729, loại tên lửa bị Washington cáo buộc vi phạm quy định về tầm bắn của INF. Nga phủ nhận điều này và tuyên bố Mỹ vi phạm hiệp ước INF khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu với ống phóng đa năng Mk.41 có khả năng phóng tên lửa hành trình.
Tổng thống Putin ngày 4/3 ký sắc lệnh cho phép Moskva ngừng tuân thủ các điều khoản của hiệp ước INF và bật đèn xanh cho việc phát triển tên lửa hành trình tầm trung.
Hiệp ước INF được Washington và Moskva ký từ năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại việc hiệp ước INF bị hủy bỏ sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt châu Âu vào tầm ngắm của nhiều loại tên lửa hạt nhân.
Bà Stephanie Grisham. (Ảnh: AP)
Người phát ngôn của bà Melania trở thành Thư ký báo chí Nhà Trắng: Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump ngày 25/6 thông báo bà Stephanie Grisham, người phát ngôn hàng đầu của bà, đã được bổ nhiệm vào vị trí Thư ký báo chí Nhà Trắng.
Trên trang Twitter, Đệ nhất phu nhân Melania Trump cho biết: "Tôi rất vui mừng được thông báo bà Stephanie Grisham sẽ là Giám đốc Báo chí và Truyền thông." "Bà ấy đã làm việc cùng chúng tôi từ năm 2015 và tôi có thể cho rằng không có ai phục vụ chính quyền và đất nước chúng ta tốt hơn bà ấy. Thật vui khi bà Stephanie làm việc cho cả hai bên của Nhà Trắng."
Bà Grisham, người đã làm việc tại Nhà Trắng từ năm 2017, sẽ thay thế thay thế vị trí của Sarah Sanders, người đã từ chức và sẽ rời Nhà Trắng vào cuối tháng Sáu. Là cố vấn cấp cao trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Trump năm 2016, bà Sanders đã được bổ nhiệm vào vị trí Trợ lý Thư ký báo chí Nhà Trắng sau khi ông Trump đắc cử.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph của Nga tại Elektrostal. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400 của Nga trong tháng 7: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 25/6 tuyên bố nước này sẽ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trong tháng Bảy, một hợp đồng đã gây căng thẳng với Mỹ.
Phát biểu truyền hình quốc gia, ông Erdogan nói: "Vấn đề hệ thống tên lửa S-400 liên quan trực tiếp đến chủ quyền của chúng tôi và chúng tôi không rút khỏi hợp đồng này. Để đáp ứng các nhu cầu an ninh của mình, Thổ Nhĩ Kỳ không cần phải xin phép."
Tổng thống Erdogan cam kết sử dụng quan hệ tốt của mình với người đồng cấp Mỹ Donald Trump để giảm căng thẳng khi hai bên gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 tại Osaka, Nhật Bản cuối tuần này.
Trước đó, Mỹ đã đưa ra hạn chót cho Thổ Nhĩ Kỳ là 31/7 để từ bỏ kế hoạch mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga hoặc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt và rút khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ trong cuộc tranh luận đầu tiên tại Miami, Florida, ngày 26/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
20 ứng cử viên đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020: Sáng 28/6 (giờ Việt Nam), tại thành phố Miami, bang Florida, 10 ứng cử viên còn lại cạnh tranh tấm vé đại diện của đảng Dân chủ cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã bước vào buổi tranh luận thứ hai được phát sóng trực tiếp trên truyền hình.
Trong cuộc tranh luận thứ hai này, các ứng cử viên đã đồng loạt "tấn công" các chính sách của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong các vấn đề thuế quan, chăm sóc y tế và bất bình đẳng thu nhập.
Trước đó, sáng 27/6 (giờ Việt Nam), tại thành phố Miami, bang Florida, 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ đã tham gia cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình.
Đây là bước chạy đà cho cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này để giành tấm vé đề cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Các ứng cử viên đã đưa ra quan điểm riêng về các vấn đề nổi cộm của nước Mỹ như chăm sóc sức khỏe, kinh tế, biến đổi khí hậu, bạo lực súng đạn, hồ sơ hạt nhân Iran và tình trạng di cư bất hợp pháp.
Cổng vào Tòa án Hiến pháp được tăng cường lực lượng an ninh và rào dây thép gai. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Tòa án Hiến pháp Indonesia bác bỏ khiếu nại ở cuộc bầu cử tổng thống: Ngày 27/6, Tòa án Hiến pháp Indonesia đã đưa ra phán quyết về khiếu nại kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 4 vừa qua.
Chánh án Tòa án Hiến pháp Anwar Usman chủ trì phiên tòa, đã công bố phán quyết cuối cùng vào cuối giờ chiều. Theo đó, hội đồng xét xử bác bỏ tất cả các khiếu nại của cặp ứng cử viên số hai Prabowo Subianto và Sandiaga Uno.
Với kết quả này, cặp ứng cử viên số 1 gồm đương kim Tổng thống Joko Widodo và người liên danh tranh cử Ma"ruf Amin sẽ lãnh đạo Indonesia trong giai đoạn 2019-2024.
Sau khi phán quyết cuối cùng được công bố, Hội đồng Hồi giáo Ulama Indonesia (MUI) đã kêu gọi công chúng chấm dứt sự chia rẽ trong đời sống xã hội do sự khác biệt trong lựa chọn quan điểm chính trị.
Ảnh: statsbomb.com
Các nước ASEAN nhất trí cùng ứng cử đăng cai World Cup 2034: Phát biểu sau cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 22/6, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết các quốc gia Đông Nam Á đều nhất trí cùng ứng cử làm đồng chủ nhà của World Cup 2034.
Đây là đề xuất của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và được trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra tại Bangkok từ ngày 22-23/6. Ý tưởng về việc các nước Đông Nam Á đồng đăng cai World Cup được nêu ra từ lâu nay, nhưng đây là lần đầu tiên có một động thái chính thức.
Tuy nhiên, một trong những trở ngại của kế hoạch này là việc có quá nhiều nước đồng đăng cai trong khi trình độ các đội chủ nhà vẫn còn thấp so với các đội bóng hàng đầu trên thế giới.
Ý tưởng này xuất phát từ Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan Somyot Poompunmuang. Người đứng đầu Liên đoàn của Thái Lan đưa ra ý tưởng cùng với Indonesia đồng chạy đua làm chủ nhà của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2034.
Một trong những đối thủ cạnh tranh cho ý tưởng này là Ai Cập, nước cũng đã lên kế hoạch để vận động đăng cai.