EU nhất trí gia hạn trừng phạt Nga đến giữa năm 2017: Lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/12 nhất trí gia hạn trừng phạt Nga về quốc phòng, năng lượng và tài chính, liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đến giữa năm 2017. Quy trình chính thức để gia hạn sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.
Quyết định này của EU cũng được đánh giá là một thông điệp gửi tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc cần phải tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga.
EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. EU cũng cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai ở miền Đông Ukraine. Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đến nay đã làm gần 10.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, Nga luôn bác bỏ các cáo buộc này. (Ảnh minh họa: Tass).
Ông Trump chính thức chọn trùm dầu khí làm ăn với Nga làm Ngoại trưởng Mỹ: Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 13/12 tuyên bố chính thức lựa chọn Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia của Mỹ (Exxon Mobil), ông Rex Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ.
Rex Tillerson, 64 tuổi, là người giám sát hoạt động kinh doanh của Exxon Mobil tại hơn 50 quốc gia. Ông phản đối các lệnh trừng phạt Nga và được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao Huân chương Tình bạn năm 2013, vài năm sau khi Exxon Mobil hoạt động tại Nga.
Do được cho là có mối quan hệ thân thiết với Nga, việc lựa chọn ông Rex Tillerson vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ của ông Trump đã gây ra không ít tranh cãi. Thêm nữa, do chưa có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, ông Tillerson chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa khi điều trần trước Thượng viện. (Ảnh: Ông Rex Tillerson. Nguồn: AP)
Tổng thống Nga Putin là nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2016: Đây cũng là lần thứ tư liên tiếp tạp chí Forbes của Mỹ chọn ông Putin là người quyền lực nhất thế giới, theo sau là Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong bảng xếp hạng hàng năm công bố ngày 14/12, Forbes nhận xét Tổng thống Nga đã biết cách sử dụng ảnh hưởng của đất nước mình để tham gia hiệu quả vào gần như tất cả vấn đề trên thế giới, không bị giới hạn bởi các chuẩn mực toàn cầu thông thường. Chính vì thế, vị thế của ông Putin ngày được củng cố vươn xa ngoài xứ sở bạch dương.
Đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng của Forbes là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama xếp thứ 2 năm ngoái, năm nay rớt xuống vị trí thứ 48. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng ở vị trí thứ tư, theo sau là Đức giáo hoàng Francis. (Ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nguồn: AP).
EU và Cuba chính thức ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ: EU và Cuba ngày 12/12 đã chính thức ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ trong một sự kiện được xem là dấu mốc đánh dấu kết thúc cho nhiều năm đàm phán khó khăn giữa hai bên.
Thỏa thuận được Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla và Đại diện cấp cao chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cùng đại diện 28 quốc gia thành viên EU ký kết ở thủ đô Brussels, Bỉ.
Trước đó, EU và Cuba bắt đầu đàm phán khôi phục quan hệ từ tháng 4/2014. Hai bên tăng tốc đàm phán sau khi Mỹ và Cuba tuyên bố nối lại quan hệ và tái mở cửa đại sứ quán hồi tháng 7/2015. (Ảnh: Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại EU Federica Mogherini và Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez trong cuộc họp báo chung ở La Habana hôm 11/3. Nguồn: AFP)
Ông Guterres tuyên thệ nhậm chức Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc: Ngày 12/12, tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thư ký cho cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres.
Ông Antonio Guterres, 67 tuổi, chính thức trở thành Tổng thư ký thứ 9 của Liên Hợp Quốc, thay thế ông Ban Ki-moon, với nhiệm kỳ kéo dài từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2022. (Ảnh: Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Nguồn: Reuters)
Ông Ban Ki-moon “bóng gió” sẽ tranh cử Tổng thống Hàn Quốc: Ngày 17/12, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã có những lời nói “bóng gió” về việc ông sẽ chạy đua vị trí Tổng thống Hàn Quốc sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Trong cuộc họp báo cuối cùng tại trụ sở Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon nói rằng, sau khi nghỉ ngơi một thời gian, ông sẽ trở lại Hàn Quốc và cân nhắc phương án tốt nhất để có thể giúp đất nước.
Tuy chưa rõ “phương án tốt nhất” mà ông Ban nói đến là gì, nhưng nhiều người nhận định, nhà ngoại giao này đang đề cập đến ý định tranh cử chức Tổng thống Hàn Quốc. Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12/2017. (Ảnh: Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Nguồn: AFP)
Quân đội chính phủ Syria chính thức giải phóng Aleppo: Hãng tin Mehr của Iran sáng 12/12 đưa tin, quân đội chính phủ Syria đã chính thức giải phóng thành phố Aleppo sau 3 tuần giao chiến với phe đối lập.
Chiến thắng tại Aleppo được cho là một bước ngoặt lớn, định đoạt các điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Ngày 16/12, chiến dịch sơ tán dân thường và các tay súng ra khỏi phía đông Aleppo được thực hiện theo thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa các bên tại Syria.
Giới quan sát nhận định rằng, tương lai thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo sẽ đi đến đâu chưa rõ nhưng cuộc chiến ở Syria chắc chắn sẽ chưa thể chấm dứt. Trong khi đó, Mỹ cảnh báo ngừng bắn tại Aleppo không đồng nghĩa với chấm dứt đổ máu. (Ảnh: Người dân Aleppo đổ ra đường ăn mừng sau khi quân đội chính phủ tuyên bố giành chiến thắng. Nguồn: Reuters)
Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ: NBCNews dẫn lời 2 quan chức của Mỹ cho biết, những thông tin tình báo mới nhất mà họ có được cho thấy, ông Putin đích thân chỉ đạo việc xâm nhập và lấy các thông tin từ Đảng Dân chủ và sử dụng các thông tin này như thế nào.
Phản ứng trước thông tin này, ngày 15/12, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, Mỹ sẽ đáp trả vụ Tổng thống Nga Putin chỉ đạo can thiệp vào cuộc bầu cử của nước này.
Đáp lại những cáo buộc, ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên của ông Putin, ngày 16/12 cho biết: “Lúc này, chúng ta cần hoặc dừng nói về chuyện này hoặc cuối cùng trình bằng chứng. Nếu không, điều này có vẻ là sự vu khống hết sức”. (Ảnh: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Nguồn: presstv.ir)
Putin, Abe nhất trí cùng phát triển ở nhóm đảo tranh chấp: Quan hệ giữa Nga và Nhật Bản ngày càng phát triển theo hướng tích cực, thực chất, tiến tới ký kết Hiệp ước Hòa bình. Đây có thể là kết quả đáng kể nhất trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Tổng thống Nga Putin. Trong chuyến thăm này, hai bên đã bắt đầu đề cập tới việc thực hiện hoạt động kinh tế chung tại các hòn đảo đang tranh chấp tại quần đảo Kuril mà Nhật Bản gọi là quần đảo Phương Bắc.
Chuyến đi của ông Putin tới Nhật hôm 15/12 cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Nga trong khoảng 11 năm. (Ảnh: Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe trong cuộc gặp ngày 15/12 tại Yamaguchi, Nhật Bản. Nguồn: AFP/Getty Images)
Ai Cập phát hiện có chất nổ trên máy bay MS804 rơi: Dấu vết các chất nổ đã được phát hiện ở phần thi thể còn sót lại của các nạn nhân trong vụ máy bay mang số hiệu MS804 của hãng EgyptAir bị rơi hồi tháng 5/2016, AFP dẫn thông cáo ra ngày 15/12 của Bộ Hàng không Ai Cập, cho biết.
Trong thông cáo, Bộ Hàng không cho hay một ủy ban điều tra chính thức - cơ quan phát hiện ra thông tin trên, đã chuyển trường hợp này cho cơ quan công tố nhà nước Ai Cập.
Máy bay MS804 gặp nạn trên Địa Trung Hải ngày 19/5 khi đang trên hành trình từ Paris đến Cairo, khiến toàn bộ 66 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. (Ảnh: Mảnh vỡ máy bay MS804 được phát hiện. Nguồn: EPA)