Nhà báo Jamal Khashoggi tại cuộc họp báo ở Bahrain tháng 12/2014. (Ảnh: AFP)
Saudi Arabia bị nghi đứng sau vụ nhà báo mất tích: Jamal Khashoggi, nhà báo viết bài cho Washington Post sống lưu vong tại Mỹ từ cuối năm 2017, biến mất vào ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Hoàng tử Khaled al-Faisal của Saudi Arabia hôm 11/10 đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về sự việc với tư cách cố vấn đặc biệt của nhà vua Salman. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó tuyên bố hai nước nhất trí lập một nhóm làm việc chung để điều tra về sự mất tích của nhà báo Khashoggi theo đề nghị của phía Saudi Arabia.
Washington Post ngày 12/10 dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara có đoạn ghi âm và video chứng minh nhà báo Khashoggi, người đã chỉ trích một số chính sách của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, bị giết bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul hôm 2/10. Đoạn ghi âm này được cho là ghi lại giọng Khashoggi "bị thẩm vấn, tra tấn và sát hại" bên trong cơ sở ngoại giao này.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tại Nhà Trắng ngày 9/10. (Ảnh: AFP)
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ chức: Trong buổi gặp gỡ đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley ngày 9/10 ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi "sự nghiệp tuyệt vời" của bà và tuyên bố bà sẽ rời khỏi vị trí này vào cuối năm nay.
"Bà ấy nói với tôi khoảng 6 tháng trước rằng muốn nghỉ ngơi một thời gian", AFP dẫn lời ông Trump cho biết. Tổng thống nói thêm rằng người kế nhiệm sẽ được công bố "trong hai hoặc ba tuần tới".
Bà Haley đảm nhiệm vị trí đại sứ tại LHQ từ khi ông Trump chính thức nhậm chức hồi tháng 1/2017. Kể từ đó, bà luôn là người đại diện bày tỏ quan điểm cứng rắn của chính quyền Mỹ đối với các vấn đề tại LHQ. Nữ đại sứ 46 tuổi không tiết lộ lý do từ chức, chỉ nói rằng điều quan trọng là "nhận thức được thời điểm cần đứng sang một bên" sau một chuỗi nhiệm vụ đầy thử thách.
Ông William Nordhaus (trái) và ông Paul Romer - hai chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2018.
Hai người Mỹ cùng nhận Nobel kinh tế 2018: William Nordhaus và Paul Romer, hai nhà kinh tế học người Mỹ, ngày 8/10 đã được trao giải Nobel Kinh tế 2018 danh giá.
William Nordhaus, sinh năm 1941, hiện là giảng viên Đại học Yale (Mỹ), được tôn vinh với công trình của ông về những thiệt hại do biến đổi khí hậu. Paul Romer, sinh năm 1955, đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York (Mỹ), thì xem xét cách thức mà giới kinh tế học có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế lành mạnh.
Ủy ban Nobel cho hay, hai ông Nordhaus và Romer đã đưa kinh tế vĩ mô lên quy mô toàn cầu để giải quyết một số vấn đề lớn nhất thế giới.
Ông Mạnh Hoành Vĩ tham dự hội nghị an ninh mạng ở Moskva, Nga hồi tháng 7. (Ảnh: Tass)
Chủ tịch Interpol xin từ chức giữa lúc bị Trung Quốc điều tra: Interpol ngày 7/10 đăng Twitter cho biết đã nhận được đơn xin từ chức "có hiệu lực lập tức" của Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ vào cuối ngày 7/10.
Ông Kim Jong-yang, người Hàn Quốc, phó chủ tịch đại diện châu Á trong ủy ban điều hành của Interpol, sẽ đảm nhận quyền chủ tịch cho đến khi đại hội đồng Interpol chỉ định tân chủ tịch vào tháng tới.
Rạng sáng ngày 8/10, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Trí đã triệu tập cuộc họp khẩn liên quan tới việc Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc tiến hành điều tra đối với ông Mạnh Hoành Vĩ, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, Chủ tịch tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) do cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã nhất trí ủng hộ việc Trung ương tiến hành quản chế, điều tra đối với ông Mạnh Hoành Vĩ; cho rằng việc quản chế, điều tra ông Mạnh Hoành Vĩ là hoàn toàn kịp thời, thể hiện tính nghiêm minh trong Đảng cũng như quyết tâm đấu tranh, trừng trị tội phạm tham nhũng cho dù là bất kỳ ai và ở bất cứ cương vị nào đều không phải là ngoại lệ.
Ảnh được Bellingcat tung ra để chứng minh bác sĩ quân y Alexander Yevgenyevich Mishkin và nghi phạm đầu độc cựu điệp viên Nga ở Anh Alexander Petrov là cùng một người.
Anh công bố nghi phạm thứ 2 vụ ám sát cựu điệp viên Skripal là một bác sĩ quân y: Trang mạng điều tra của Anh Bellingcat ngày 9/10 cho biết đã xác định được nghi phạm thứ 2 mà nước này cáo buộc tham gia vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal hồi tháng 3 vừa qua.
Theo Bellingcat, người đàn ông tới nay mới được chính quyền Anh xác định dưới cái tên giả Alexandre Petrov là một bác sĩ quân y thuộc cơ quan tình báo Nga và tên thật là Alexandre Evguenevitch Michkine.
Trang mạng điều tra của Anh cũng cho biết, phương pháp xác định của Bellingcat dựa trên nhiều nguồn như lời khai của những người có quan hệ gần gũi với nghi phạm, cũng như bản sao các giấy chứng minh, đặc biệt là bản sao hộ chiếu.
Bellingcat hồi tháng trước cũng thông báo xác định được danh tính nghi phạm đầu tiên mà chính quyền Anh bắt giữ, đồng thời khẳng định đây là một đại tá tình báo quân đội Nga.
Tổng thống Trump trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng trước. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump dọa tiếp tục áp thuế với 267 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/10 tiếp tục đe dọa áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD nếu Bắc Kinh có hành động trả đũa những biện pháp mới đây của Washington trong cuộc chiến thương mại đang căng thẳng giữa hai quốc gia, Reuters đưa tin.
"Trung Quốc muốn thỏa thuận nhưng tôi nói họ chưa sẵn sàng", Trump phát biểu trước báo giới tại Phòng Bầu dục. "Chúng ta đã hủy bỏ nhiều cuộc gặp bởi họ chưa sẵn sàng để đi đến thỏa thuận".
Khi được hỏi ông có ý định áp đặt thêm các biện pháp thuế mới không trong trường hợp Trung Quốc trả đũa, Trump đáp: "Hoàn toàn chắc chắn".
Tổng thống Mỹ tháng trước áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá gần 200 tỷ USD. Đáp lại, Trung Quốc lập tức áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 60 tỷ USD.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. (Ảnh: AFP)
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kháng cáo mức án 15 năm tù: Luật sư của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 12/10 cho biết ông sẽ kháng cáo bản án được tuyên hồi tuần trước với mức phạt 15 năm tù giam vì tội tham nhũng. Ngoài mức án tù trên, Tòa án Quận Trung tâm Seoul còn tuyên phạt ông Lee Myung-bak 13 tỷ won (tương đương 11,5 triệu USD).
Ông Lee Myung-bak không phải là vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị kết án tù sau khi rời nhiệm sở. Cả 3 vị cựu tổng thống còn đang sống của Hàn Quốc, là ông Chun Doo-hwan, ông Roh Tae-woo và Park Geun-hye đều đã bị kết án tù.
Đội tìm kiếm cứu hộ đưa một nạn nhân mắc kẹt sau khi động đất và sóng thần tấn công thành phố Palu, tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia, ngày 28/9. (Ảnh: Reuters)
Indonesia dừng tìm kiếm nạn nhân động đất, sóng thần: Giới chức Indonesia ngày 12/10 dừng chiến dịch tìm kiếm người sống sót trong trận động đất, sóng thần xảy ra ở tỉnh Trung Sulawesi tối 28/9, trong khi số nạn nhân thiệt mạng đã tăng lên 2.073 người.
Phát ngôn viên cơ quan ứng phó thiên tai quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho kêu gọi người dân dừng việc tìm kiếm thân nhân vì lo ngại họ có thể đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh từ thi thể bị phân hủy.
Trận động đất mạnh 7,5 độ Richer dẫn đến sóng thần tối 28/9 còn khiến hơn 2.500 người bị thương nặng, 8.130 người bị thương nhẹ và trên 5.000 người mất tích. Đợt thiên tai kép này cũng đã buộc tổng cộng 87.000 người bỏ nhà cửa, trong đó có gần 79.000 người đang sống trong những trại sơ tán của Trung Sulawesi và những người còn lại di cư đến các tỉnh lân cận.
Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trong video tuyên truyền của IS hồi tháng 7/2014. (Ảnh: AFP)
Thủ lĩnh tối cao IS ra lệnh hành quyết 320 thuộc hạ: Thủ lĩnh tối cao của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi vừa ra lệnh hành quyết 320 tay súng tại Syria và Iraq vì đã phản bội hoặc có hành động bất cẩn gây thiệt hại nặng cho nhóm, Almasdar News ngày 10/10 đưa tin.
Theo các nguồn tin tình báo, một số chỉ huy cấp cao của phiến quân như Abu al-Baraa al-Ansari, Sief al-Din al-Iraq, Abu Otham al-Tal Afari, Abu Iman al-Mowahed và Marawan Hadid al-Suri cũng được cho là nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Lệnh hành quyết được đưa ra chỉ một tuần sau khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phát động cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu của nhóm này tại thành phố biên giới Albukamal.
Một công dân cầm hộ chiếu Nhật Bản. (Ảnh: CNN)
Nhật Bản là nước có "hộ chiếu quyền lực nhất thế giới": Sau khi Myanmar quyết định miễn thị thực cho công dân Nhật Bản hồi đầu tháng này, Nhật Bản tiếp tục đứng đầu trong số những quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất hành tinh, theo đánh giá Chỉ số Hộ chiếu Henley của công ty tư vấn và cư trú toàn cầu Henley&PartnersCitizens.
Hiện người có hộ chiếu Nhật Bản được miễn thị thực tới 190 quốc gia và điểm đến trên thế giới.
Theo CNN, Singapore hiện đứng thứ hai với 189 điểm đến, vượt qua Đức, Pháp và Hàn Quốc ở vị trí thứ tư với 188 điểm đến. Mỹ và Anh được miễn thị thực ở 186 điểm đến, xếp vị trí thứ 5.