Những thiếu niên trong đội bóng Lợn Hoang vẫy tay chào trong lần đầu tiên xuất hiện hôm 11/7 sau khi được giải cứu.
Toàn bộ đội bóng nhí Thái Lan đã được cứu: Hôm 10/7, các thợ lặn đã vào hang sâu ngập nước Tham Luang để đưa những cầu thủ cuối cùng của đội bóng nhí “Lợn Rừng” cùng huấn luyện viên ra ngoài. Giới chức y tế Thái Lan ngày 14/7 cho biết, 12 cầu thủ và huấn luyện viên của đội bóng thiếu niên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ở phía Bắc Thái Lan, sẽ được xuất viện vào ngày 19/7 tới.
Đội bóng Lợn Rừng và huấn luyện viên của các em bị kẹt trong hang Tham Luang vào ngày 23/6 khi họ tham quan khu vực hang động này sau buổi tập bóng đá và xảy ra cơn mưa lớn gây ngập úng đường hầm trong hang.
Hôm 2/7, các thợ lặn người Anh phát hiện ra 13 nạn nhân trong tình trạng đói khát đang tụ tập trong bóng tối bên trên một bờ vách nhiều bùn đất phía trong một khoang của hang đã ngập nước một phần.
Thế giới vui mừng trước nỗ lực giải cứu thành công nhưng cũng đau lòng trước sự hy sinh của một thợ lặn từng thuộc hải quân Thái Lan, người đã qua đời vào ngày 6/7 sau khi đi đặt thêm các bình oxy dọc hành lang của hang.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới: AFP đưa tin ngày 9/7, ông Recep Tayyip Erdogan đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhiệm kỳ thứ 2, trở thành người nắm giữ nhiều quyền lực hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nào trong nhiều thập kỷ qua theo thể chế mới bị phe đối lập lên án là chính quyền do một người lãnh đạo.
Tổng thống Erdogan tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới kéo dài 5 năm tại một phiên họp Quốc hội đặc biệt, sau đó ông tham dự buổi lễ quan trọng tại Dinh Tổng thống, đánh dấu sự chuyển giao sang một chính quyền Tổng thống mới với nhiều quyền lực hơn.
Đây là trận mưa lũ nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua. (Ảnh: Twitter)
Hơn 200 người chết vì mưa lũ nghiêm trọng tại Nhật Bản: Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 13/7 thông báo: “Số người chết hiện là 204 người, 28 người được thông báo mất tích. Chúng tôi cũng không thể tiếp cận và xác định vị trí của 54 người khác chủ yếu là tại tỉnh Hiroshima”.
Nội các Nhật Bản cũng nhất trí khoản hỗ trợ tài chính trị giá 350 triệu USD cho 58 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì thiên tai thuộc 10 tỉnh của Nhật Bản.
Theo thống kê, 5.000 người dân Nhật Bản đã bị mất nhà cửa vì mưa lũ nghiêm trọng ở miền Trung và phía Tây nước này. Tổng cộng 73.000 lính cứu hỏa, cảnh sát và binh sĩ quân đội đã được huy động cho nỗ lực cứu hộ thiên tai.
Cựu lãnh đạo ly khai Catalonia, ông Puigdemont. (Ảnh: Sputnik)
Đức cho phép dẫn độ cựu lãnh đạo ly khai Catalonia về Tây Ban Nha: Toà án vùng Schleswig-Holstein tại Đức ngày 12/7 đã bật đèn xanh cho việc dẫn độ ông Carles Puigdemont, cựu thủ lĩnh ly khai của vùng Catalonia, về Tây Ban Nha theo lệnh truy nã của nước này phát đi từ tháng 10/2017. Việc dẫn độ sẽ do các công tố viên Đức tổ chức và thực hiện.
Hồi tháng 4 năm nay, chính toà án này đã ra phán quyết rằng ông Carles Puigdemont sẽ không thể bị dẫn độ về Tây Ban Nha vì tội danh “nổi loạn” mà chỉ có thể bị dẫn độ vì tội danh tham ô công quỹ.
Đây được xem là thắng lợi pháp lý quan trọng của ông Puigdemont bởi nếu bị kết án với tội danh nổi loạn, ông Puigdemont có thể sẽ phải ngồi tù đến 30 năm, trong khi tội danh tham ô chỉ từ 5 đến 7 năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimia Putin vào ngày 16/7. (Ảnh: Sputnik)
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra vào ngày 16/7: Nhật báo Helsingin Sanomat của Phần Lan ngày 14/7 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump dự kiến sẽ tới Thủ đô Helsinki, Phần Lan vào lúc 1 giờ sáng ngày 16/7 (theo giờ Việt Nam).
Theo kế hoạch, Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Mỹ sẽ nghỉ ở khách sạn Hilton, tại Helsinki.
Ngày 16/7 (theo giờ Phần Lan), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimia Putin. Tháp tùng hai nhà lãnh đạo tham dự thượng đỉnh lần này có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cùng một số quan chức cấp cao 2 nước.
Theo Văn phòng Tổng thống Nga, thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ hướng tới mục tiêu về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai cường quốc thế giới này.
Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein ngày 13/7 phát biểu trước báo chí. (Ảnh: AFP)
12 nhân viên tình báo Nga bị buộc tội can thiệp bầu cử Mỹ: Ngày 13/7, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố kết quả điều tra và chính thức kết tội 12 nhân viên tình báo Nga tấn công cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Nguồn tin trên nêu rõ 12 bị cáo này đều là thành viên Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU). Cáo trạng cho rằng nhóm nhân viên tình báo Nga đã tấn công hệ thống máy tính của đảng Dân chủ và John Podesta, Chủ tịch chiến dịch tranh cử tổng thống của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, rồi sau đó có ý làm rò rỉ thông tin qua các trang như WikiLeaks.
Những cáo buộc này được đưa ra bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu giám đốc FBI, người đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Moskva nhiều lần bác bỏ vấn đề này.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AP)
Anh công bố Sách Trắng về quan hệ với EU thời hậu Brexit: Sau nhiều tháng trì hoãn, chiều 12/7 theo giờ địa phương, Chính phủ Anh đã chính thức công bố “Sách Trắng Brexit.” Văn bản dài 98 trang này được đánh giá là tài liệu “có ý nghĩa nhất” về Brexit kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý của Anh năm 2016 về quyết định rời khỏi châu Âu.
Sách Trắng Brexit tập hợp những đề xuất được Chính phủ Anh đưa ra với kỳ vọng thiết lập nền tảng cho mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU trong mọi lĩnh vực, trong đó tập trung vào quan hệ thương mại và hợp tác với EU trong những năm tới, với đề xuất trọng tâm là kế hoạch xây dựng một khu vực thương mại tự do về hàng hóa cùng EU, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh.
Ông Boris Johnson vừa từ chức Ngoại trưởng Anh. (Ảnh: AFP)
Ba bộ trưởng Anh từ chức trong một ngày: Ngày 9/7, Thủ tướng Anh Theresa May đã bổ nhiệm ông Jeremy Hunt làm Ngoại trưởng mới của nước này, thay thế cho ông Boris Johnson, người vừa quyết định từ chức sau những tranh cãi với Thủ tướng May liên quan đến vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Ông trở thành bộ trưởng thứ ba thôi chức trong vòng 24 giờ, thay vì ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng Theresa May về Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).
Ông Johnson từ chức, nối gót Bộ trưởng Brexit David Davis và người giữ vị trí số hai tại Bộ rời Liên minh châu Âu Steve Baker.
Nhiều người Việt ở Phnom Penh mất hết tài sản sau đám cháy sáng 10/7. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia)
Hơn 60 căn nhà của người Việt ở Campuchia bị thiêu rụi: Đám cháy lớn bùng phát từ 3h sáng 10/7 đã thiêu hủy hoàn toàn nhà cửa và tài sản của hơn 60 gia đình gốc Việt ở quận Russey Keo, Phnom Penh, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết.
Cảnh sát Campuchia xác định nguyên nhân ban đầu là có thể do chập điện.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam và Tổng hội Khmer-Việt (KVA) đã đến hiện trường và phối hợp với cảnh sát để xác minh nguyên nhân sự cố. Đoàn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cũng đã đến thăm hỏi và trao quà hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại trong vụ cháy tại Phnom Penh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty Images)
Nga gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây: Ngày 12/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây thêm 18 tháng, sau khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt liên quan tới các hành động của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm trên đến ngày 31/12/2019. Trước đó, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga cho tới cuối năm nay.