Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 25/1. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ ký thông qua dự luật giúp chính phủ vận hành đầy đủ trở lại: Ngày 25/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động đầy đủ trở lại trong 3 tuần, qua đó chấm dứt tình trạng một phần chính phủ bị "đóng băng" trong hơn một tháng qua.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Trump và phe Dân chủ đã đạt được một thỏa thuận pháp lý không bao gồm khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Tuy nhiên, dự luật này đặt ra thời hạn 3 tuần, tức là đến ngày 15/2 tới, để các nghị sỹ và Nhà Trắng thảo luận về an ninh biên giới.
Dự luật trên đã được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo và cũng được Hạ viện Mỹ phê chuẩn ngay sau đó. Đợt đóng cửa chính phủ một phần này là dài nhất trong lịch sử Mỹ và đã ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương.
Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido. (Ảnh: Reuters)
Bất ổn leo thang tại Venezuela: Lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido ngày 23/1 tự phong làm "tổng thống lâm thời" và Mỹ đã lên tiếng ủng hộ.
Đáp trả điều đó, Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, đồng thời kêu gọi nhân dân Venezuela đoàn kết vì hòa bình và ổn định của đất nước trước những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Nhà lãnh đạo này đặt thời hạn trong vòng 72 giờ, tất cả các nhân viên ngoại giao và lãnh sự Mỹ tại Caracas phải rời khỏi quốc gia Nam Mỹ. Tổng thống Maduro đã có những tuyên bố cứng rắn khi cáo buộc Mỹ can thiệp công việc nội bộ và âm mưu phát động một cuộc đảo chính tại Venezuela.
Quân đội Venezuela ngay lập tức lên tiếng ủng hộ ông Nicolas Maduro. Tòa án Tối cao Venezuela cũng nhấn mạnh sự trung thành của họ đối với "quyền lực hợp pháp" của ông Maduro.
Hành động của Mỹ đã kéo theo sự phản đối của nhiều nước. Nga, Trung Quốc, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ủng hộ Chính phủ dân cử Venezuela, phản đối sự can thiệp của Mỹ và các nước khác.
Tiểu vương Abdullah Sultan Ahmad Shah. (Ảnh: AP)
Tiểu vương Abdullah được bầu làm Quốc vương thứ 16 của Malaysia: THX đưa tin, ngày 24/1, hãng thông tấn nhà nước Bernama của Malaysia cho biết, Hội đồng Quân chủ đã bầu Tiểu vương Abdullah Sultan Ahmad Shah làm Quốc vương thứ 16 của nước này, người sẽ đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia.
Theo thông báo từ Người trông giữ Ấn chỉ Nhà vua, ông Syed Danial Syed Ahmad, Tiểu vương Abdullah sẽ chính thức đăng quang hay còn gọi là Yang di-Pertuan Agong vào ngày 31/1, thay thế cho người tiền nhiệm là Tiểu vương Sultan Muhammad V của bang Kelantan vừa thoái vị hôm 6/1.
Ông Abdullah, 59 tuổi, đã trở thành Tiểu vương của bang Pahang, kế nhiệm cha mình là Tiểu vương Ahmad Shah, 88 tuổi, người đã thoái vị từ hôm 11/1 vì lý do sức khỏe.
Bà Mạnh Vãn Chu, quan chức của tập đoàn Huawei. (Ảnh: Shanghaiist)
Mỹ tuyên bố sẽ theo đuổi việc dẫn độ Giám đốc Tài chính Huawei: Bộ Tư pháp Mỹ ngày 22/1 cho biết, sẽ theo đuổi việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính tập đoàn viễn thông Huawei, Trung Quốc, bị bắt giữ tại Canada vào tháng 12/2018.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Marc Raimondi cho biết, phía Mỹ tiếp tục theo đuổi việc dẫn độ nhân vật này sang Mỹ và sẽ đáp ứng tất cả thời hạn được đề ra theo Hiệp định Dẫn độ Mỹ - Canada.
Phía Mỹ đánh giá cao sự hỗ trợ của Canada đối với nỗ lực song phương nhằm thực thi quy định pháp luật. Theo đó, Mỹ sẽ chính thức đưa ra yêu cầu dẫn độ với Canada vào hạn chót là ngày 30/1 tới. Ngay khi có yêu cầu chính thức, tòa án Canada sẽ có 30 ngày để quyết định là liệu có đủ bằng chứng pháp lý để hỗ trợ tiến trình dẫn độ hay không.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan thông báo nước này sẽ tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 24/3/2019. (Ảnh: Benar News)
Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn sắc lệnh về tổng tuyển cử: Ngày 23/1/2019, Nhà Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã phê chuẩn sắc lệnh Hoàng gia đề nghị tổng tuyển cử.
Sắc lệnh được ủy quyền cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ký và công bố trên Công báo Hoàng gia, có hiệu lực ngay lập tức.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan sau đó đã công bố, cuộc tổng tuyển cử ở nước này sẽ được tổ chức vào ngày 24/3 tới. Các ứng cử viên tham gia tranh cử vào Hạ viện có thể nộp đơn đăng ký từ ngày 4-8/2 và danh sách các ứng viên sẽ được công bố vào ngày 15/2/2019. Các cử tri ở nước ngoài có thể bỏ phiếu từ ngày 4-16/3.
Như vậy, sau nhiều lần trì hoãn, Thái Lan đã ấn định được cuộc tổng tuyển cử nhằm bầu ra Hạ viện và thành lập chính phủ mới. Đây là cuộc bầu cử dân sự đầu tiên ở Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần trước để mở đường cho cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận đổi tên nước Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. (Ảnh: AP)
Quốc hội Hy Lạp thông qua Hiệp ước về tên gọi của Macedonia: Reuters, ngày 25/1, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua một Hiệp ước về thay đổi tên gọi của quốc gia láng giềng Macedonia, qua đó giải tỏa nguyện vọng nhiều thập kỷ qua của nước Cộng hòa Nam Tư cũ muốn gia nhập Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hiệp ước này đã chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài 28 năm giữa Athens và Skopje về việc sử dụng từ "Macedonia," theo đó đổi tên cho quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này thành "Cộng hòa Bắc Macedonia." Macedonia trước đó cũng đã thông qua thỏa thuận này.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang California Kamala Harris. (Ảnh: Getty)
Lộ diện người phụ nữ gốc Phi đầu tiên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020: CNN đưa tin, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang California Kamala Harris hôm 21/1 tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống vào năm 2020, với lập luận rằng đã đến lúc phải đấu tranh chống lại những gì mà bà gọi là sự bất công trong 2 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Bà Harris lớn lên ở Oakland, California. Bà là con gái của một cặp vợ chồng người nhập cư từ Jamaica và Ấn Độ.
Bà Harris là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 2020 và là người phụ nữ thứ 4 tuyên bố tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau. Trước đó, Hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand đã công khai ý định tương tự.
Cụ ông cao tuổi nhất thế giới, Masazo Nonaka. (Ảnh: guinnessworldrecords.com)
Cụ ông cao tuổi nhất thế giới qua đời: Sinh ngày 25/7/1905 tại thành phố Ashoro, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản, ngày 10/4/2018, cụ Nonaka được ghi danh vào sách Kỷ lục thế giới Guiness là người cao tuổi nhất thế giới ở tuổi 113.
Cho đến phút cuối đời, ông vẫn sống ở Ashoro cùng với gia đình, nơi ông làm chủ một nhà nghỉ suối nước nóng hơn 100 năm tuổi. Gia đình cụ chia sẻ trước khi qua đời, sức khỏe và mọi sinh hoạt ăn, ngủ của cụ vẫn bình thường dù di chuyển nhờ xe lăn. Cụ vẫn cố gắng tự làm những việc trong khả năng, xem tivi, đọc báo và tắm suối nước nóng 1 lần/tuần. Cụ có 2 con trai và 3 con gái. Vợ của cụ đã qua đời từ năm 1992.
Kỷ lục Guinness từng ghi danh người sống lâu nhất thế giới là cụ bà Jeanne Calment, người Pháp. Cụ qua đời năm 1997, thọ 122 tuổi và 164 ngày.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái ở Singapore. (Ảnh: Reuters)
Mỹ chốt địa điểm tổ chức thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ 2: AFP đưa tin, ngày 19/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này đã chọn được địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào khoảng cuối tháng 2 tới.
Phát biểu với báo giới, ông Trump nói: "Chúng tôi đã chọn một quốc gia". Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm chi tiết.
Hôm 18/1, Nhà Trắng đã xác nhận rằng cuộc gặp thượng đỉnh nêu trên sẽ diễn ra vào cuối tháng 2 tới, sau chuyến thăm hiếm thấy của Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tới Washington.
Bùn tràn vào khu dân cư thị trấn Brumadinho sau vụ vỡ đập. (Ảnh: Reuters)
Vỡ đập ở Brazil, hơn 300 người chết và mất tích: Tính đến tối 26/1 (giờ địa phương), ít nhất 34 người đã thiệt mạng trong vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt tại Corrego de Feijao tại bang Minas Gerais. Ngoài ra, vẫn còn khoảng 300 người khác mất tích sau vụ tai nạn.
Lực lượng cứu hộ cho biết, họ đã cứu được 46 người, trong đó có 23 người đã được đưa đến bệnh viện. Lực lượng cứu hộ hy vọng sẽ tìm thấy thêm những người sống sót tại khu vực xảy ra thảm họa.
Trước đó, ngày 25/1, vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt tại Corrego de Feijao tại bang Minas Gerais đã làm tràn hàng nghìn mét khối bùn và nước xuống khu vực dân cư xung quanh. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, hồ chứa có khoảng 1 triệu m3 chất thải khoáng sản. Bùn và nước từ hồ chứa đã tràn qua khu vực nhà làm việc của công ty quản lý mỏ, nơi các nhân viên và công nhân đang nghỉ trưa, sau đó tiếp tục đổ xuống khu vực dân cư.