Khai mạc Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022
Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 đã chính thức khai mạc vào tối 4/2 tại Sân vận động quốc gia Tổ chim tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Bắc Kinh là thành phố duy nhất từng được tổ chức cả 2 kỳ Thế vận hội mùa hè và mùa đông.
Pháo hoa thắp sáng sân vận động Tổ chim trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2022. Ảnh: AFP |
Khẩu hiệu của kỳ Olympic lần này, một trong những sự kiện thể thao lớn nhất trong năm là “Cùng nhau vì một tương lai chung”. Dù nhiều khó khăn do quản lý dịch bệnh nhưng lễ khai mạc đã được nước chủ nhà tổ chức hoành tráng và ấn tượng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng hơn 20 nhà lãnh đạo trên thế giới đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022.
Đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu, người chỉ đạo nghệ thuật Olympic 2008, tiếp tục chỉ đạo nghệ thuật lễ khai mạc kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. 3.000 người biểu diễn gồm 15 nội dung, trong đó có lễ diễu hành của các đoàn vận động viên và nghi lễ thắp ngọn đuốc Olympic.
Theo đó, từ ngày 2/2 đến ngày 20/2, 2.900 vận động viên từ 91 đoàn thể thao tranh tài ở 109 nội dung của 7 môn thi đấu như trượt tuyết đổ đèo, trượt tuyết băng đồng, khúc côn cầu trên băng, trượt băng nghệ thuật, xe trượt lòng máng…
Do đại dịch COVID-19, kỳ Olympic năm nay không có môn thi đấu nào diễn ra tại sân vận động Tổ chim. Toàn bộ các môn thi đấu đều được tổ chức trong những khu vực “vòng tròn khép kín”, chủ yếu ở một số khu vực thuộc tỉnh Hà Bắc, ngay sát thủ đô Bắc Kinh. Người hâm mộ sẽ không được phép vào trong “vòng tròn” để đảm bảo an toàn cho các vận động viên và những người khác, trong khi những người trong khu vực này cũng không được phép ra ngoài trong thời gian diễn ra sự kiện, đồng thời phải sẽ phải xét nghiệm hằng ngày và đeo khẩu trang mọi lúc
Chủ tịch Olympic Quốc tế Thomas Bach đánh giá cao việc nước chủ nhà khắc phục khó khăn để tổ chức kỳ Olympic an toàn. Trong khi đó, Trung Quốc kỳ vọng Thế vận hội này nâng cao thành tích các môn thể thao mùa đông cũng như góp phần truyền cảm hứng để thế giới có thêm sức mạnh chiến thắng đại dịch COVID-19.
Tiếp diễn căng thẳng giữa phương Tây và Nga xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine
Quan hệ Nga với Ukraine và phương Tây đã leo thang căng thẳng thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Moskva cũng cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh minh họa - cờ Nga và NATO (nguồn ảnh: nato.int) |
Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/2, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông Emmanuel Macron sẽ thăm Nga và Ukraine và hội đàm với lãnh đạo hai nước vào đầu tuần tới, trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa Moskva và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz chuẩn bị có một loạt chuyến công du nước ngoài nhằm giải quyết căng thẳng giữa phương Tây và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo đó, Thủ tướng Scholz dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 7/2 tại Washington D.C khi hai nhà lãnh đạo tham dự hội nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. Trong tuần tiếp đó, ông Scholz sẽ công du Ukraine ngày 14/2 và tới Nga ngày 15/2. Các cuộc thảo luận giữa ông Scholz và lãnh đạo các nước đều tập trung vào căng thẳng hiện nay giữa phương Tây và Nga xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ đã đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động cao độ để điều động đến châu Âu hỗ trợ NATO nếu cần. Liên minh đã bắt đầu tăng cường phòng thủ với một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu và tàu chiến, cũng như đang chuẩn bị tăng cường lực lượng dọc theo sườn phía đông nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine. Mỹ và một số đồng minh đang thảo luận để đưa thêm hàng nghìn nhân viên tới các nước NATO ở Đông Âu.
Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS trong chiến dịch truy quét lớn ở Tây Bắc Syria
Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các lực lượng tác chiến đặc biệt của nước này đã tiêu diệt Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi - thủ lĩnh của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng - trong một chiến dịch truy quét khủng bố lớn nhất ở Tây Bắc Syria kể từ năm 2019. Tất cả thành viên lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ đã kết thúc chiến dịch an toàn.
Chân dung Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi - thủ lĩnh của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng trong một thông báo treo thưởng cho người cung cấp thông tin về đối tượng này (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trước đó cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết các lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ đã thực hiện thành công một chiến dịch truy quét khủng bố ở Tây Bắc Syria. Chiến dịch do Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động không kích ở Syria, đứng đầu.
Tổ chức “Mũ bảo hiểm trắng” ở Syria cho hay ít nhất 13 người đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong các vụ đụng độ xảy ra sau khi Mỹ triển khai cuộc đột kích.
Trong nhiều năm qua, các lực lượng Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc không kích bằng máy bay không người lái để tiêu diệt các phần tử khủng bố ẩn náu ở Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, chuyên gia Charles Lister tại Viện Nghiên cứu Trung Đông có trụ sở ở Washington cho biết chiến dịch mới nhất này có quy mô lớn nhất kể từ khi thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của IS bị tiêu diệt trong các chiến dịch đặc biệt của quân đội Mỹ vào năm 2019.
Khu vực Tây Bắc Syria là “đại bản doanh” cuối cùng của lực lượng nổi dậy chống Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài một thập kỷ qua ở nước này. Một số nhóm thánh chiến có quan hệ với al Qaeda đang gia tăng hoạt động ở khu vực. Đây cũng được cho là nơi ẩn náu của các thủ lĩnh IS.
Các nước châu Phi yêu cầu HĐBA LHQ họp bàn về cuộc đảo chính ở Burkina Faso
Ba quốc gia thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) của châu Phi (gồm Ghana, Kenya và Gabon) đã yêu cầu tổ chức cuộc họp kín của cơ quan này trong tuần tới về cuộc đảo chính ở Burkina Faso hôm 24/1 vừa qua. Ghana, nước giữ chức cương vị Chủ tịch luân phiên của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), cho rằng có thể nhân dịp này, cuộc họp sẽ đề xuất việc thông qua tuyên bố chung của HĐBA nhằm lên án cuộc đảo chính ở Burkina Faso.
Kể từ khi bị quân đội lật đổ, Tổng thống Burkina Faso, ông Roch Marc Christian Kaboré vẫn bị quản thúc tại gia. HĐBA vẫn chưa có tuyên bố chính thức hoặc tổ chức cuộc họp nào về vụ đảo chính trên.
Liên minh châu Phi (AU) hôm 31/1 đã đình chỉ các hoạt động của Burkina Faso. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã chỉ trích cuộc đảo chính ở Burkina Faso là hành động “không thể chấp nhận được,” đồng thời kêu gọi lực lượng nay tại các nước Tây Phi phải bảo vệ dân thường thay vì tiếm quyền.
Trung tá Paul-Henri Damiba, người đứng đầu nhóm binh sĩ đảo chính và lên nắm quyền ở Burkina Faso phát biểu ngày 27/2/2022 (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong khi đó, Trung tá Paul-Henri Damiba, người đứng đầu nhóm binh sĩ đảo chính và lên nắm quyền ở Burkina Faso hồi tuần trước, cam kết sẽ làm việc với ECOWAS để đưa đất nước trở lại trật tự hiến pháp. Hồi đầu tuần, một phái đoàn của ECOWAS đã gặp gỡ ông Damiba và kêu gọi chính quyền Burkina Faso nhanh chóng đề xuất lịch trình cho các cuộc bầu cử.
Trước đó, ngày 25/1, một nhóm binh sĩ cấp cao của quân đội Burkina Faso tuyên bố đã lật đổ Tổng thống Roch Kabore, đình chỉ Hiến pháp, giải án chính phủ và quốc hội, đóng cửa biên giới của quốc gia Tây Phi này. Đến ngày 2/2, chính quyền quân sự Burkina Faso thông báo dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.
Những người lãnh đạo cuộc đảo chính, tự xưng là Phong trào Bảo vệ và Phục hưng yêu nước (MPSR), nói rằng chính phủ mà họ lật đổ không có khả năng ngăn chặn những cuộc nổi dậy bạo lực có liên quan đến các nhóm khủng bố Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản khắp vùng Sahel trong những năm gần đây.
WHO dự báo tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu tạm lắng dịu trong thời gian dài
Sau hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, châu Âu có thể sẽ sớm bước vào một “giai đoạn yên ổn kéo dài” nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và mùa Đông lạnh giá sắp kết thúc. Đây là dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 3/2.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết diễn biến dịch COVID-19 hiện nay ở châu Âu đang mở ra hy vọng về một giai đoạn lắng dịu trong một thời gian dài. Giai đoạn này có thể được coi như một “lệnh ngừng bắn” mang lại một sự yên ổn về lâu dài cho khu vực. Ông Kluge cũng cho rằng “Lục địa Già” sẽ ứng phó tốt hơn với nguy cơ bùng phát các làn sóng lây nhiễm mới, kể cả với những biến thể có khả năng lây truyền nhanh hơn biến thể Omicron, mà không cần tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.
Châu Âu có thể sẽ sớm bước vào một “giai đoạn yên ổn kéo dài” nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cao (Ảnh: AFP) |
Tuy nhiên, quan chức WHO cảnh báo viễn cảnh tươi sáng nêu trên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và tăng cường theo dõi, phát hiện các biến thể mới. Ông đồng thời kêu gọi giới chức y tế các nước tăng cường bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương vì dịch COVID-19.
Với sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, số ca mắc mới COVID-19 đang tăng mạnh ở khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia Âu theo phân cấp của WHO, trong đó có một số nước Trung Á. Theo WHO, tuần trước, khu vực này ghi nhận hơn 12 triệu ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến cuối ngày 5/2 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là hơn 392,6 triệu ca, trong đó có hơn 5,7 triệu ca đã tử vong và hơn 311,2 triệu ca đã được chữa khỏi. Hiện có gần 60 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron.