Sáng sớm, tại kè biển thuộc bến Cồn Gò đã nghe tiếng í ới gọi nhau. Tiếng cào rong biển “ken két” hòa với tiếng sóng biển rì rào vỗ bờ tạo ra khung cảnh làm việc rất đỗi yên bình. Một ngày làm việc mới lại bắt đầu với người dân ở ngôi làng cổ nơi Cửa Nhượng.
Mùa rong biển năm nay bắt đầu từ tháng 12 đến giữa tháng 3. Người dân nơi đây thường phải dậy từ rất sớm, mỗi buổi cào rong biển, người ít nhất cũng được từ 1 kg, người nhanh tay có thể 2 kg.
Để có những lá rong biển ngon nhất, người dân thường cào rong biển ngay từ lúc vừa mọc để giữ nguyên vị vì để khi lá già sẽ dai và mất vị ngọt. Rong biển chủ yếu mọc ở các khe đá, mép nước.
Năm nay đã gần 70 tuổi, ông Nguyễn Văn Nam (thôn Xuân Nam) vẫn đều đặn công việc hái rong biển gần 3 tháng nay. Ông chia sẻ: “Mỗi ngày tôi thu được gần 1 kg, công việc này mang lại nguồn thu nhập khá cao cho những người đã luống tuổi như tôi. Để có được rong biển tươi ngon, bán được giá, tôi thường dậy từ 5h sáng và kết thúc công việc của mình vào lúc 11h trưa”.
Rong biển thường bám sát nền đá...
... để tách được rong ra khỏi đá, đòi hỏi người dân phải tỉ mẩn, nhặt từng cây một. Dụng cụ để cào rong biển là chiếc rổ, một cái thìa nhỏ. Theo nhiều người dân chia sẻ, việc dùng tay sẽ giữ cho rong được sạch hơn.
“Tranh thủ thời gian nông nhàn, tôi cùng chị em trong xóm lên bến Cồn Gò cào rong, kiếm thêm thu nhập. Làm nghề này tuy vất vả nhưng mỗi khi nhìn lại thành quả của mình lại cảm thấy ấm lòng...”, bà Lại Thị Hà (60 tuổi, trú thôn Xuân Nam) vui vẻ cho biết.
Theo bà con làng chài Cửa Nhượng, rong biển sau khi cào xong được rửa qua nước biển và thêm nhiều lần nước ngọt cho sạch cát, sau đó để ráo. Vì là “đặc sản” nên loại rong biển này bán rất được giá, mỗi cân rong biển tươi được bán được gần nửa triệu đồng.