Đêm trăng rằm đầu tiên của năm cũng là ngày lễ được nhiều người chờ đợi. Ảnh: Internet.
Không biết tự bao giờ, Tết Nguyên tiêu hay còn gọi là rằm tháng Giêng đã trở thành một ngày lễ hành hương về nhà thờ dòng tộc của con cháu mỗi dòng họ. Đối với người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng, đây là ngày những người chung dòng tộc hội ngộ, tề tựu bên nhau cùng dâng lên bàn thờ tổ họ những vật phẩm quý giá để bày tỏ lòng thành kính với các bậc tổ tiên khai sinh ra dòng tộc của mình.
Trước ngày rằm, con cháu nhiều dòng họ dành thời gian tảo mộ và thắp hương ở mộ tổ của dòng họ
Có nhiều giai thoại về nguồn gốc của ngày Tết Nguyên tiêu nhưng tôi ấn tượng mãi với câu chuyện về lòng hiếu thảo của một người con dành cho đấng sinh thành của mình. Chuyện kể rằng, vào thời Tây Hán (206 TCN - 9), có một cung nữ tên là Nguyên Tiêu, sau khi vào cung thì vướng quy định của cung cấm không được trở về nhà thăm cha mẹ. Nhớ nhà mà bất lực, nàng nghĩ chỉ có cái chết mới có thể trở về gặp mặt cha mẹ nên có ý định quyên sinh.
Khi nàng quyên sinh, một vị quan đã kịp thời phát hiện và cứu nàng. Người này biết được tấm lòng hiếu thảo của Nguyên Tiêu mới hiến kế giúp nàng có cơ hội đoàn tụ với người thân. Ngày đó nhằm vào ngày có đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới… Vì vậy, sau này người ta lấy ngày 15 tháng Giêng làm ngày tết, gọi là Tết Nguyên tiêu, cũng là ngày tết đoàn tụ.
Có thể câu chuyện về nàng Nguyên Tiêu là một cái cớ, nhưng lấy “nhất hiếu vi tiên” - truyền thống xem chữ “hiếu” đặt lên đầu tiên để làm thước đo phẩm hạnh một con người và là nền móng của đạo đức xã hội, dường như đã ăn sâu vào ý niệm, tâm hồn người Việt. Vì thế, rằm tháng Giêng trở thành ngày lễ hướng về nguồn cội, dòng tộc của người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng.
Nói về sự thiêng liêng của ngày lễ này, tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi và các bác, các mợ trong làng chuẩn bị cỗ xôi cúng tổ vào dịp rằm tháng Giêng từ cách đây gần 20 năm. Thuở ấy, việc làm cỗ xôi đẹp, dẻo ngon… cúng tổ đã trở thành một phong trào thi đua đối với các bà, các mẹ.
Tại nhà thờ họ tộc trong ngày rằm tháng Giêng, nhiều lễ vật được chuẩn bị cầu kỳ và nhiều tâm huyết của con cháu (Trong ảnh: Lễ tế rằm tháng Giêng (2020) ở nhà thờ họ Phan Đình (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà).
Với sự thành tâm, mẹ tôi muốn mâm xôi cúng tổ trong rằm tháng Giêng là “nhất phẩm” nên dành rất nhiều tâm huyết. Để làm được một mâm xôi cúng tổ với 5 cân nếp trắng, mẹ tôi đã phải thức nhiều đêm và mất nhiều ngày tỉ mẩn giã lúa nếp và nhặt những hạt mẩy tròn, trắng nhất. Để đồ xôi, mẹ dùng nước lấy từ giếng Trúc - giếng nước trong và ngon nhất làng, được “sương” (gánh) về từ sáng tinh mơ để ngâm.
Phần chuẩn bị mâm cỗ đã vậy, thời khắc tế tổ rằm tháng Giêng diễn ra ở nhà thờ càng đặc biệt hơn. Những vị cao niên với vai vế cao, thấp khác nhau, mặc áo làm lễ sặc sỡ đủ màu, quỳ lạy trước các bàn thờ khói hương nghi ngút. Phía dưới sân nhà thờ, các thế hệ con cháu trang nghiêm làm theo những nghi lễ được hô tế bằng giọng điệu cổ xưa của người chủ tế.
Rằm tháng Giêng cũng là dịp nhiều dòng họ lớn có con cháu phát đạt sẽ tổ chức hội với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí chiêu đãi toàn dân, như: Tổ chức trò chơi dân gian có thưởng hay thuê đoàn ca kịch, đoàn chiếu bóng màn ảnh rộng về biểu diễn… Ngày rằm vì thế cũng trở thành một ngày hội.
Các chủ tế làm nghi thức “tẩy trần” trước khi hành lễ
Ngày nay, đời sống đổi thay, việc cúng tế ngày rằm tháng Giêng cũng đã thay đổi. Với nhiều dòng họ thì đây là dịp để các chi họ trổ tài bày biện mâm lễ hoặc là dịp để tuyên dương con cháu hiếu học, có thành tích tốt. Dù với hình thức nào thì đây cũng là dịp để con cháu hoặc là nấn ná chưa đi hoặc là hò hẹn nhau trở về để hướng lòng mình về cội nguồn, tổ tiên.
Là một người xa quê đến vùng đất khác lập nghiệp, đối với bà Phan Thị Huệ, 72 tuổi, ở thị trấn Nghèn (Can Lộc), rằm tháng Giêng vẫn luôn là sự kiện trọng đại trong năm. Bà Huệ cho biết: “Ông bà ta có câu “Nhân sinh do Tổ” (Người sinh ra nhờ tổ tông), vì thế, rằm tháng Giêng tôi nhắc con cháu nhất định phải sắp xếp thời gian để về nhà thờ dòng họ. Đây là dịp để các con ghi nhớ cội nguồn, đồng thời, thắt chặt hơn tình cảm anh em trong dòng họ”.
Rằm tháng Giêng còn là dịp vô cùng thiêng liêng đối với cuộc đời mỗi con người khi mới sinh ra - đó là việc nhập họ. Bất kỳ gia đình nào có con, cháu mới sinh cũng hồi hộp chờ đợi dịp này để bày biện mâm cỗ cúng tổ họ và làm lễ nhập họ cho con/ cháu của gia đình. Bởi vậy, dù đi đâu, làm gì, dù định cư ở xứ người, mỗi gia đình cũng sẽ có ít nhất 1 đại diện để thực hiện nghi lễ này.
Trước đó, người đảm nhận chức trách ông câu trong các nhà thờ dòng họ phải sắm sửa chu đáo lễ vật để chuẩn bị buổi tế tổ ngày rằm.
Ông Trần Đức Sỹ, 65 tuổi, hiện đang sống ở Thuận An (Bình Dương) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng về quê (xã Tùng Châu - Đức Thọ) ăn tết. Nếu như bình thường, hết tết là đi thì năm nay, tôi nấn ná ở lại đến rằm để làm lễ vào họ cho đứa cháu vừa sinh. Dẫu đã nhiều lần thực hiện nghi lễ này nhưng lần nào tôi cũng có cảm giác hồi hộp, thiêng liêng và mong ngóng đợi chờ khoảnh khắc người tộc trưởng ghi tên cháu tôi vào gia phả dòng tộc”.
Dù có nguồn gốc từ Trung Hoa và có sự tiếp biến, biểu hiện khác nhau trên mọi miền đất Việt, nhưng Tết Nguyên tiêu khi hòa vào đời sống văn hóa người Hà Tĩnh đã trở thành một ngày lễ trọng đại, thiêng liêng. Ngày nay, hầu hết các dòng họ, gia đình đều đang có những cách thức riêng để gìn giữ và phát huy ý nghĩa của ngày rằm trong đời sống. Đó cũng là dịp để mỗi người ghi nhớ công ơn của tổ tiên, nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.