Dự án bắt đầu được đầu tư xây dựng năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nguyên liệu giấy. Thời gian qua, do khó khăn về nguyên liệu đầu vào nên công suất nhà máy giảm sút mạnh. Nếu như trước đây, có 9 đầu mối cung cấp khoảng 800 tấn gỗ băm dăm/ngày cho công ty thì nay chỉ còn 3 đối tác ở Quảng Bình, Quảng Trị với 300 tấn/ngày. Vì vậy, trước đây, mỗi năm, công ty xuất khẩu 15 tàu nguyên liệu giấy sang Nhật Bản thì nay giảm xuống còn 7 - 8 tàu.
Thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, 30 công nhân của Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật đã phải nghỉ việc
Khan hiếm nguyên liệu đầu vào, công suất nhà máy buộc phải cắt giảm, dẫn đến dư thừa lao động. Công ty đã phải cho 30 người trong tổng số 124 lao động thôi việc.
Anh Nguyễn Trung Thành (xã Cẩm Trung - Cẩm Xuyên) đã có gần 17 năm làm việc tại bộ phận cơ khí của công ty, 16 năm đóng bảo hiểm tại đây. Từ tháng 3/2019, anh bị cho thôi việc. Anh Thành cho biết: “Khi nhận quyết định thôi việc, công ty có hứa sẽ thanh toán chế độ cho chúng tôi là 45 ngày lương; đối với những người làm việc trong khoảng thời gian từ năm 2002 - 2009 thì mỗi năm được thanh toán 1 tháng lương. Nhưng hiện chúng tôi chưa nhận được khoản tiền đó”.
Anh Thành và rất nhiều lao động phải nghỉ việc vừa qua hiện rất khó tìm việc làm mới vì tuổi đã cao, trong khi số năm đóng bảo hiểm lại chưa đủ để được hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định. “Mất việc làm, cuộc sống khá chật vật. Tôi cũng đang tìm việc nhưng để có công việc phù hợp với ngành nghề, thu nhập ổn định với chúng tôi là không dễ.” - anh Thành chia sẻ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng lớn khi lượng gỗ làm nguyên liệu sản xuất sụt giảm mạnh
Không chỉ khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu, thời hạn công ty được cấp phép hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đang đến gần. Theo giấy phép, đến cuối năm 2021, khi dự án kết thúc, công ty sẽ phải bàn giao lại mặt bằng cho chính quyền địa phương, đóng cửa nhà máy. Thời hạn chỉ còn chưa đầy 2 năm, gần 100 công nhân lao động hiện đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Có 14 năm làm việc và đóng bảo hiểm tại công ty, anh Nguyễn Tiến Quỳnh (công nhân tổ lái máy) đang hết sức lo lắng. Anh Quỳnh chia sẻ: “Nếu nghỉ việc sau khi kết thúc dự án, chúng tôi sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới. Chúng tôi rất mong mong muốn công ty tiếp tục hoạt động và có phương án giải quyết hợp lý cho người lao động.”
Thời hạn cấp phép 20 năm của dự án sắp kết thúc vào năm 2021, gần 100 công nhân lao động của công ty đang đứng trước băn khoăn, lo lắng về việc làm
Trước tình hình đó, Công đoàn công ty đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động và tham mưu doanh nghiệp những giải pháp ổn định tư tưởng. Chủ tịch công đoàn công ty Hoàng Thanh Sỹ cho biết: “Hiện Công ty đang nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất. Chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo công ty giải quyết chế độ cho những người đã nghỉ việc. Đồng thời, động viên những lao động còn lại để họ yên tâm làm việc và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.”