Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh đang lâm vào cảnh “ăn đong” từng ngày.
Giám đốc Công ty cổ phần XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh Trần Đình Nam lo lắng: “Ở thời điểm hiện tại, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế chỉ còn 2/10 doanh nghiệp chế biến thủy sản đang lay lắt hoạt động, số còn lại ngừng hẳn. Sản lượng của công ty đến thời điểm này chưa đạt 40% (khoảng 250 tấn) so với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,4 triệu USD, giảm 1 triệu USD so với cùng thời điểm năm 2015”.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhà máy chỉ sản xuất hơn 5 tháng. Nguyên nhân là do không có nguyên liệu. Hàng năm, công ty chế biến trên 650 tấn sản phẩm (mực tươi). Trong đó, trên 70% nguyên liệu được thu mua tại 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển, nguyên liệu khan hiếm trầm trọng. Từ chỗ liên tục 3 năm gần đây, doanh thu năm sau cao hơn năm trước và đạt ngưỡng trên 5 triệu USD vào năm 2015, đến nay, công ty lâm vào cảnh “ăn đong” từng ngày. Từ hơn 500 lao động, nay chỉ còn 220 người làm việc nhưng “bữa đực bữa cái”.
Ở thời điểm hiện tại, nguồn nguyên liệu cạn kiệt. Nếu không có nguyên liệu và có khả năng sẽ phải dừng hẳn mọi hoạt động vào cuối năm nay. Với những khó khăn trên, ước tính tổng thiệt hại của nhà máy hiện nay lên đến gần 8,3 tỷ đồng, gồm: chi phí điện bảo quản hàng tồn kho, hỗ trợ tiền lương cho công nhân…
Không chỉ vậy, cuối năm 2015, công ty ký kết được hợp đồng cung cấp cá thu ngựa qua chế biến với đối tác Nhật Bản. Tưởng rằng, với nguồn nguyên liệu dồi dào nhập khẩu từ Scotland và không hạn chế đầu ra, công ty sẽ tăng nhanh doanh thu và tạo được thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhưng sau khi xuất 100 tấn hàng, công ty phải ngừng hẳn vì chi phí vận chuyển ra cảng Hải Phòng quá lớn.
Sự thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu và kéo dài không chỉ khiến doanh thu giảm sút, lao động mất việc làm, mà quan trọng hơn là rất dễ mất bạn hàng. Ý thức được nguy cơ này, ngay khi sự cố dồn dập xảy ra, công ty đã lặn lội khắp nơi tìm kiếm nguồn hàng để khỏa lấp sản lượng thiếu hụt. Nỗ lực đó được đền đáp khi công ty mua được 100 tấn mực tươi từ Indonesia với giá “chát” 3,77 USD/kg (thay vì 2,77 USD như trước đây). Đối tác truyền thống Nhật Bản cũng chia sẻ khó khăn bằng cách tăng đơn giá nhập khẩu trong năm 2016.
Để duy trì hoạt động, công ty cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên liệu khắp nơi trong nước nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu nào sáng lên. Một phương án khác cũng được tính đến là xâm nhập và tìm kiếm nguyên liệu tại thị trường Myanmar. Tuy nhiên, vấn đề khó trong sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là với đối tác có yêu cầu khắt khe như Nhật Bản, theo Giám đốc Nam: “Ngoài giá cả hợp lý, chất lượng sản phẩm phải đảm bảo đạt yêu cầu mới mua và đặt hàng”.
Bên cạnh phối hợp với các ngành chức năng, động viên bà con ngư dân bám biển, tận thu các sản phẩm mực để có nguyên liệu sản xuất, công ty còn đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động để có thêm chi phí trang trải. Bên cạnh các giải pháp triển khai, công ty còn gửi công văn kiến nghị đến Hiệp hội Chế biến hải sản đề xuất Bộ Công thương xem xét hỗ trợ những thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra. Đồng thời, mong muốn các cấp, ngành, đặc biệt là UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.