Làm hương trầm chuẩn bị đón tết. Ảnh internet
Trước tết mấy tháng, ông ngoại tôi đã lên núi Hồng Lĩnh tìm đào rễ trầm đem về phơi cho được nắng. Rễ hương được giã nhỏ trộn với mật mía và mạt cưa. Thẻ hương làm bằng tre chẻ nhỏ vớt từ dưới ao lên, đã ngâm cho mục mềm từ mấy tháng. Công việc quấn hương làm bằng thủ công, ông tôi học được từ khi còn nhỏ, trở nên điêu luyện. Hương trầm "chính hãng" là đây. Năm làm được nhiều thì đem đi chợ tết bán kiếm ít tiền, năm làm được ít thì chỉ đủ dùng trong nhà ba ngày tết. Từ hai lăm, hai sáu tết, hương trầm đã được thắp lên. Mùi hương thơm lừng hoà quyện trong làn gió se lạnh cuối mùa đông toả khắp trong nhà ngoài ngõ, mang hương vị tết đến sớm với mọi người.
Ở làng tôi, những nhà khá giả đều có ao đìa. Khoảng 23 tháng Chạp, ngày ông Táo lên trời, mấy cậu dì và chúng tôi đi tát đìa đồng Phạm. Đìa được đào từ thời cụ kị, cách đã trăm năm, khá sâu và có nhiều hang chuôm cho các loại cá đồng trú ngụ, nhiều nhất là tràu, rô, hẻn, diếc... Hồi ấy cá nhiều vô kể, ruộng nhiều tôm tép thức ăn hơn bây giờ nên cá đìa con nào con nấy béo vàng hươm.
Bà ngoại và mẹ tôi chọn những con cá tràu đẹp nhất, kho để dành cúng tết. Nồi cá được chế biến công phu với niềm thành kính hướng về tổ tiên. Cá được đánh vảy sạch, cuộn tròn qua một cái trụi bằng tre, nướng trên lửa than nồng đượm, mỡ cá cháy xèo xèo bốc mùi thơm lừng. Những con cá nướng được xếp vào một nồi đất đun hàng tiếng đồng hồ. Nồi cá được đem treo bằng gióng ở trên cao, đôi ngày lại đem hâm lại một lần. Chỉ đến trưa ba mươi thì mới đưa xuống để cúng tổ tiên, ông bà.
Kho cá trong nồi đất. Ảnh internet
Cá tràu kho quê tôi thơm ngon hương vị tết: có chút ngọt của mật, chút thơm cay của vỏ quýt, chút mặn mòi của nước mắm Cửa Sót Thạch Kim, thịt cá tràu vàng thơm mùi khói. Hương vị nồi cá tràu đã làm nên thứ tinh hoa ẩm thực đồng quê tuy mộc mạc nhưng có một không hai... Mâm cơm cúng tết ngoài đĩa cá tràu không thể thiếu chả đúc, giò lụa, bát thịt lợn hay thịt gà nấu với củ kiệu vàng màu nghệ, một đĩa thịt bò rim... Một thứ một tý, không có nhiều để bày soạn xô bồ như bây giờ, nhưng món nào cũng mang hương vị tết, được bày biện rất thành kính. Chả đúc, giò lụa thơm lừng hương lá chanh và hương gạo đồng quê, thịt bò rim vị mặn ngọt thơm cay mùi gừng...
Gần trưa ba mươi, ngược xuôi đường làng lối xóm, con trai, con gái gánh mâm đi nội, đi ngoại cúng ông bà. Nhà sang giàu thì mâm đồng, bát ngọc, đũa mun; nhà thanh bần thì mâm gỗ, bát đất, đũa tre... nhưng niềm thành kính thì cũng như nhau! Hồi trước, nghe ông bà kể cũng "có những người nghèo không biết tết" ở đợ làm thuê, khố rách áo ôm, ăn không đủ, mặc không lành thì đành tìm đến hương vị tết qua cửa nhà giàu và đành ôm tủi nhục chịu thất lễ với ông bà, tổ tiên... Nhưng đến thời tôi lớn lên, cuộc sống mới đã đem hương vị tết đến khắp mọi nhà, ít nhiều, thưa nhặt nhưng ai cũng có tết, vui từ xóm dưới đến làng trên... Chiều ba mươi, bên giếng làng, các cô thiếu nữ thi nhau chùi lá dong, mọi nhà chuẩn bị gói bánh tết. Nguyên liệu để gói bánh chưng, bánh tày là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, hành tây và hạt tiêu xay. Nồi bánh được đặt lên bếp từ cuối buổi chiều...
Mọi người trong gia đình quây quần bên bếp lửa hồng, nước sôi reo trong nồi bánh, toả mùi thơm ấm nồng. Thi thoảng đã nghe tiếng pháo tép, pháo đại trẻ con đốt canh chừng chờ năm mới. Phường sắc bùa, tầm vinh huyên náo đi hát chúc phúc, mừng thọ vừa đến nhà cuối cùng trong làng thì cũng là lúc nồi bánh chưng được vớt ra. Những chiếc bánh được đặt lên bàn thờ mang triết lý thanh cao về trời tròn đất vuông có từ thuở Vua Hùng dựng nước, dâng lên trời đất, tổ tiên đúng thời khắc giao thừa.
Quây quầ bên nồi bánh chưng. Ảnh internet
Ngày tết, người dân quê tôi thường mời nhau thưởng thức miếng bánh chưng chấm mật. Tất cả hoà quyện, dẻo thơm trong hương vị nếp, hương vị đỗ xanh, hương vị dưa hành và thịt mỡ và hương vị ngọt thơm của mật mía đồng quê. Người tha hương bao năm không dễ gì quên được hương vị của bánh chưng, bánh tày. Bánh còn được đem đi chúc tết, mừng thọ, mừng tuổi thầy như một sản vật quý giá, gần gụi và chân tình...
Rượu tết quê tôi lừng danh tự bao đời. Đồng làng tôi đón phù sa sông La, dòng nước hương tuyền từ khe suối Trà Sơn, từ bàn tay cày cấy của mẹ cha sương nắng mà làm nên thứ gạo nếp đặc sản. Cơm rượu được nấu, xuống nước ngâm ủ từ đầu tháng Chạp. Gần tết mới đem ra nấu ba nồi. Bên bếp lửa hồng, những giọt rượu tinh khiết, cay nồng chảy vào hũ nghe tí tách. Rượu quê thơm mùi nếp, uống một vài chén hạt cau đã thấy lâng lâng... Đôi ba nhà còn tự tay làm chè kê, chè đậu, nem, cốm, mứt gừng và không quên sắm mấy bó chè xanh, trầu cau đón khách. Quanh năm tằn tiện, nhưng tết chỉ mấy ngày, thanh bần thật, nhà tranh vách đất, nhưng hương vị tết thì ít nhà để thiếu...
Bây giờ cuộc sống đã đủ đầy, nhà nhà no ấm, vui tết đón xuân trong bao đổi thay của thời cuộc mới. Nhưng hương vị tết quê xưa thì vẫn còn mãi, thơm lừng trong kí ức bao người, để khi tết đến xuân về, lòng dạ ai ai cũng lại thổn thức, nhung nhớ khôn nguôi... Trong hoài niệm, nhớ thương, tôi lại bùi ngùi tự hỏi "Bao giờ cho đến tết xưa?".