Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng điều hành phiên thảo luận tại tổ.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh đã tham gia thảo luận tại tổ (cùng các tỉnh Cao Bằng, Đồng Nai) về dự án Luật Căn cước (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tại tổ. |
Các đại biểu đã đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi dự án Luật Căn cước (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Cao Bằng - Bế Minh Đức phát biểu thảo luận
Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Luật Căn cước và Luật Viễn thông để khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế của luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội và quản lý dân cư, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.
Cho ý kiến nội dung Luật Căn cước (sửa đổi), các đại biểu thảo luận về: thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi; việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; cấp, quản lý căn cước điện tử.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu thảo luận
Bên cạnh đó, các đại biểu thống nhất với bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch và cho rằng, việc quy định như vậy sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân khi chưa xác định được quốc tịch, giúp họ ổn định cuộc sống; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cập nhật, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước.
Đối với Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu thảo luận về tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Quy định kinh doanh viễn thông; Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; tài nguyên, công trình viễn thông.
Đồng thời, nhiều đại biểu cho rằng cần rà soát các luật liên quan (Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công) để thống nhất các quy định, khái niệm liên quan như đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công; nên giao cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương là chủ đầu tư các công trình viễn thông và quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động dùng chung.
Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham gia thảo luận
Phát biểu thảo luận tại tổ, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị sửa đổi dự thảo Luật Căn cước lần này cần nghiên cứu kỹ từng loại thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước để bảo đảm hiệu quả, theo nguyên tắc chỉ cập nhật, quản lý những thông tin thật sự cần thiết, được sử dụng phổ biến trong các hoạt động hành chính, dân sự, có sự ổn định tương đối, có tính khả thi để phù hợp yêu cầu “đúng, đủ, sống, sạch” trong quản lý dữ liệu dân cư, tránh lãng phí.
Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thống nhất với việc tích hợp một số thông tin về công dân vào thẻ căn cước nhằm góp phần giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong các giao dịch cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời đề nghị việc tích hợp thông tin phải đi đôi với việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và quản lý, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền công dân, bí mật đời tư của công dân.
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn và các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đề xuất sửa đổi Luật Viễn thông cần rà soát theo hướng việc quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT viễn thông và gắn với quy định về quyền lợi của các doanh nghiệp này. Quy định chi tiết duy trì, đảm bảo hiệu quả hoạt động Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Nhà nước hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.