Thông thạo tiếng nước bạn góp phần bảo vệ biên giới tốt hơn

(Baohatinh.vn) - Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh luôn xem việc học tập ngôn ngữ nước bạn Lào là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần hỗ trợ thực hiện công tác bảo vệ biên giới và thắt chặt tình bang giao.

5.JPG
Đội BĐBP Hà Tĩnh tham gia hội thi tiếng Lào năm 2024 (cấp Bộ Tư lệnh) và xuất sắc giành giải Nhất cả 2 nội dung.

Cách đây hơn 10 ngày, Hà Tĩnh đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam chọn làm địa điểm tổ chức hội thi tiếng Lào trong toàn lực lượng. Sân chơi quy tụ 50 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng BĐBP của tất cả 10 tỉnh có chung tuyến biên giới với nước bạn Lào tham gia. Kết thúc hội thi, BĐBP Hà Tĩnh đã xuất sắc giành giải nhất cả về tập thể lẫn cá nhân.

Đạt giải nhất cá nhân, Thiếu tá Lê Xuân Trường - Đội Trinh sát ngoại biên (BĐBP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi rất vui khi đã hoàn thành xuất sắc các bài thi. Có được kết quả này là nhờ đơn vị thường xuyên tạo điều kiện cho tham gia học tập và bản thân luôn tự học hỏi, có ý thức tích lũy “vốn” ngoại ngữ. Ngoài giao lưu, học hỏi thì hội thi còn là động lực cho chúng tôi tiếp tục trau dồi, rèn luyện để ngày càng thông thạo ngôn ngữ của nước bạn hơn. Qua đó, góp phần phục vụ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới”.

3 - Copy.jpg
Việc học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ tiếng Lào luôn được CBCS trong lực lượng biên phòng 10 tỉnh có chung đường biên giới Việt - Lào quan tâm, thực hiện thường xuyên.

Trung tá Trình Văn Hảo – Chủ nhiệm bộ môn tiếng Lào, Học viện Khoa học quân sự (thành viên Ban Giám khảo hội thi) nhận xét: "Qua hội thi cho thấy, các thành viên đội Hà Tĩnh sử dụng tiếng nước bạn rất tốt. Đây là yếu tố rất quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, dân vận, phối hợp tuần tra biên giới, bảo vệ cửa khẩu, phòng chống các loại tội phạm và cùng nhau xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Thực hiện nhiệm vụ, BĐBP Hà Tĩnh đã luôn chú trọng trau dồi, học hỏi, bồi dưỡng tiếng Lào cho CBCS, nhất là ở 6 đồn biên phòng tuyến rừng. Với tinh thần ham học hỏi, thích khám phá và yêu cầu thực tiễn của công tác, những người lính biên phòng đã thường xuyên học tập để nâng cao trình độ tiếng Lào của mình. Tùy vào điều kiện và yêu cầu công tác mà những người lính tự trang bị kiến thức ở các mức độ khác nhau; cá biệt, có nhiều cá nhân, nhiều vị trí công tác, nhiều thời điểm... tiếng Lào đã trở thành yêu cầu bức thiết, nhu cầu tự thân hàng ngày.

1.jpg
Học tiếng Lào không chỉ giúp CBCS biên phòng thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ mà còn góp phần thể hiện sự trân trọng, mối quan hệ thân thiết với các lực lượng chức năng và người dân nước bạn.

Trung tá, bác sỹ Nguyễn Viết Đức - Trạm trưởng Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ (huyện Khăm Cợt, tỉnh Bolikhămxay, Lào) cho hay: “Năm 2013, ngay khi sang nhận công tác trên nước bạn Lào, bản thân tôi đã xác định phải thông thạo tiếng bản địa và hiểu rõ các phong tục tập quán của bạn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, tôi từng bước học tiếng Lào.

Nhờ vốn ngoại ngữ thông thạo nên tôi cùng đồng đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn, vun đắp thêm tình đoàn kết Việt – Lào và vận động cư dân vùng biên chung tay bảo vệ biên giới, bảo vệ cửa khẩu, phòng chống tội phạm”.

Nhờ thông thạo ngoại ngữ, am hiểu phong tục tập quán nước bạn nên Trung tá, bác sỹ Nguyễn Việt Đức cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Nhờ thông thạo ngoại ngữ, am hiểu phong tục tập quán nước bạn nên Trung tá, bác sỹ Nguyễn Việt Đức cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Việc trang bị tiếng Lào cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới của các đồn biên phòng đóng quân trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Theo Trung tá Trần Văn Sông – Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo: “Chúng tôi và các lực lượng chức năng của nước bạn thường xuyên trao đổi thông tin để phối hợp tuần tra biên giới song phương, đảm bảo xuất nhập cảnh, phối hợp đấu tranh phòng chống các loại tội phạm... Vì vậy, chúng tôi luôn động viên, khuyến khích CBCS chú trọng học tập nâng cao trình độ tiếng Lào để công tác phối hợp đạt kết quả tốt nhất”.

3-6581.jpg
CBCS trong lực lượng BĐBP tham gia học lớp tiếng Lào (vào tháng 6/2024) cùng cán bộ, công chức, viên chức một số sở ngành.

Thượng tá Bùi Viết Dũng - Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết: “Thực hiện chủ trương về tổ chức học tập tiếng nước láng giềng của Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam, những năm qua, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã cụ thể hóa bằng nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo các đơn vị tổ chức học tập tiếng Lào. Theo đó, từ cơ quan bộ chỉ huy đến các đơn vị cơ sở đều mở lớp dạy tiếng Lào, do những đồng chí giỏi tiếng Lào trong lực lượng lên lớp.

Cùng với đó, CBCS cũng tự hướng dẫn, tự học hỏi lẫn nhau theo phương thức người biết nhiều bày cho người biết ít, người biết rồi bày cho người chưa biết. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã điều động, phân công các đồng chí đã được học tiếng Lào, biết tiếng Lào đến công tác tại các đơn vị tuyến rừng, ưu tiên những vị trí phù hợp. Nhờ vậy, phong trào học tiếng Lào đã được duy trì, khả năng sử dụng và vận dụng ngoại ngữ trong lực lượng BĐBP từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới".

Chủ đề Vì chủ quyền An ninh biên giới

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.