“Trải thảm” thu hút đầu tư
Những năm gần đây, cùng với những chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước của tỉnh, các huyện đã chủ động triển khai xúc tiến đầu tư bằng những cách làm riêng như: thông qua gặp mặt đồng hương, con em xa quê đầu năm hay tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại địa phương. Cuối năm 2015, đầu 2016, một số địa phương như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thu hút đông đảo nhà đầu tư tham dự. Tại hội nghị, đã có hàng chục biên bản ghi nhớ giữa địa phương với các nhà đầu tư được ký kết. Mỗi địa phương có những chính sách khuyến khích khác nhau nhưng đều có một “mẫu số chung” đó là cam kết cải cách hành chính, giải quyết nhanh thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện tối đa trong giải phóng mặt bằng và đảm bảo ANTT…
Để phát huy toàn diện và hiệu quả trong thu hút đầu tư, Đức Thọ đã quy hoạch, mở rộng các cụm CN-TTCN Yên Trung, Thái Yên, Trường Sơn và ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên từng vùng kinh tế. Đó là vùng sản xuất rau sạch, thức ăn chăn nuôi gia súc, vùng sản xuất lúa giống, nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống chất lượng cao ở các xã Đức An, Đức Dũng, Tân Hương và Đức Lạng. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Việt cho biết, để kêu gọi đầu tư vào những dự án trên, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp gặp gỡ những nhà đầu tư tiềm năng, trước hết là con em xa quê. Bằng tình cảm và trách nhiệm, con em xa quê đã về khảo sát và cam kết đầu tư. Theo ông Việt, ngoài các chính sách thuế, đất đai phải thực hiện theo quy định của Nhà nước, địa phương sẽ trích ngân sách để đầu tư một số hạng mục ngoài hàng rào dự án như giao thông, điện, nước.
Lộc Hà lại chọn hướng tiếp cận các nhà đầu tư bằng cách riêng. Đó là lên danh mục những dự án cần thiết đầu tư, sau đó, tìm kiếm thông tin qua các “kênh” để lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo năng lực thực hiện dự án một cách tốt nhất.
Đoàn chuyên gia tư vấn cao cấp Ngân hàng thế giới (WB) tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng ở TX Kỳ Anh |
Những tín hiệu vui
“Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua, đã có 22 nhà đầu tư và lãnh đạo huyện ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực: sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn; CN-TTCN; phát triển du lịch… Đến nay, đã có gần 50% biên bản ghi nhớ tại hội nghị này được triển khai”, ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà vui vẻ cho biết. Một số dự án đã khởi công hoặc đang được triển khai trên địa bàn mà ông Hà chia sẻ gồm: dự án đầu tư, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô Dũng Lạc; mở rộng quy mô sản xuất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải; trang trại lợn nái quy mô 600 con của Công ty Hùng Đông; cung cấp máy móc thiết bị nông nghiệp của Công ty Nam Anh… và 6 dự án trên lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm qua, Hương Sơn đã kêu gọi được một số nhà đầu tư, trong đó, nổi bật là các dự án thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, du lịch và công nghiệp. Điển hình như: dự án khu du lịch sinh thái Hải Thượng với số vốn đầu tư trên 130 tỷ đồng, trang trại bò sữa Vinamilk trên 350 tỷ đồng, Trung tâm Giống hươu Việt Nam trên 40 tỷ đồng, Nhà máy Chế biến thịt thỏ gần 6 tỷ đồng, Nhà máy Chế biến quặng Sericit tại Sơn Trà… Ngay sau hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức đầu năm 2016, đã có 5/20 dự án kêu gọi đầu tư được triển khai như: nhà máy dệt may tại Khu kinh tế Cầu Treo, nhà máy chế biến các sản phẩm từ hươu của Công ty CP Sơn An, nhà máy gạch không nung, nhà máy xử lý rác thải, trung tâm thương mại. Đặc biệt, vừa qua, nhờ “địa lợi, nhân hòa”, Tập đoàn Vinamilk đã quyết định đầu tư nâng cấp dự án bò sữa tại Sơn Lễ lên quy mô 3.000 con.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hương Sơn đã kêu gọi được một số nhà đầu tư, triển khai nhiều dự án, trong đó có Khu du lịch sinh thái Hải Thượng. Ảnh: Đậu Bình |
Ông Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đức Thọ cho biết, ngay sau khi ký kết ghi nhớ đầu tư, Công ty CP Bình Minh Vina Green đã triển khai dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đức Vĩnh đầu tư xây dựng trại chăn nuôi gà quy mô 50.000 con/lứa, bò thịt 300 con/lứa với tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đã xây dựng xong 2 dãy chuồng và thả lứa gà đầu tiên theo công nghệ khép kín. Cùng với đó, vụ đông xuân năm nay, Công ty CP Salung (Hà Nội) đã liên kết với nông dân xã Đức Thanh để sản xuất gạo sạch trên diện tích 50 ha. Theo kế hoạch, vụ mùa tới, công ty sẽ triển khai liên kết trồng - chế biến và tiêu thụ lúa, gạo cho nông dân các xã trong vùng. Dự án này được kỳ vọng giúp nông dân vựa lúa Đức Thọ “sống khỏe” bằng nông nghiệp.
Trong bối cảnh đầu tư công ngày càng cắt giảm, việc các địa phương chủ động kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư những dự án trên địa bàn đã góp phần “giảm tải” gánh nặng ngân sách, đồng thời, giúp địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển.