Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng dự và chỉ đạo hội nghị
Trong năm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của ngành công hương đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách nhanh chóng, đặc biệt là tăng trưởng trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Công nghiệp - TTCN tăng trưởng ở mức cao nhất từ trước tới nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 86,67% so với năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến đạt 44.700,59 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2018 ước đạt 3,25 tỷ USD.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương năm 2018.
Hệ thống quy hoạch, chiến lược phát triển ngành đã được hoàn thiện, trong đó có nhiều quy hoạch, chính sách quan trọng như: Chính sách phát triển CN-TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2025; Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;…
Sở Công thương phối hợp tổ chức thành công Lễ hội Cam và các nông sản Hà Tĩnh lần thứ 2.
Đồng thời, sở cũng đã tranh thủ nguồn từ ngân sách trung ương hỗ trợ khuyến công trên địa bàn; tập trung đẩy nhanh đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, tư vấn phát triển công nghiệp...
Trên lĩnh vực cải cách hành chính, Sở Công thương đã rà soát, đơn giản hóa TTHC thuộc lĩnh vực ngành để tham mưu đề xuất bãi bỏ TTHC không phù hợp; tiến hành sáp nhập, tinh gọn bộ máy từ 8 phòng xuống còn 6 phòng chuyên môn từ đầu tháng 6/2018.
Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Đặng Giang Trung: Thời gian tới, các cấp, ngành cần có thêm các chính sách để phát triển cụm công nghiệp Thái Yên; hỗ trợ chuyển đổi mô hình chợ tại địa phương và phối hợp hoàn thành đề án xây dựng thương hiệu bánh gai của huyện Đức Thọ.
Bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với cụm CN còn nhiều khó khăn, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Việc xử lý, giải quyết vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện chưa triệt để, số lượng vi phạm còn nhiều; chuyển đổi mô hình quản lý một số chợ vẫn chậm so với kế hoạch của UBND tỉnh…
Năm 2019, Sở Công thương phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt gần 55.636,58 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 3,9 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,8 tỷ USD.
Đồng thời, sở sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai đúng tiến độ các dự án trọng điểm như: Dự án nhà máy sản xuất gỗ MDF/HDF tại CCN Vũ Quang, các dự án điện sinh khối, điện mặt trời; giám sát quá trình vận hành 02 lò cao và các hoạt động hoá chất tại Formosa đảm bảo sản xuất ổn định; tiếp tục lãnh đạo công tác chuyển đổi chợ trên địa bàn theo phương án và lộ trình đã phê duyệt;...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng ghi nhận những đóng góp của ngành công thương trong việc tham mưu, điều hành, quản lý trên lĩnh vực công thương, đặc biệt đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, TMDV, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại… góp phần phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành công thương tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp cùng đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có 7 cụm CN đầu tư theo hình thức xã hội hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại.
Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác khuyến công, tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019; tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.