Thủ tướng Đức: Cần có thêm biện pháp hạn chế cứng rắn để đẩy lùi dịch

Thủ tướng Đức nhấn mạnh tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn rất nghiêm trọng khi số ca mắc mới vẫn gia tăng theo cấp số nhân và những ca mắc mới đều có thể trở thành bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt.

Thủ tướng Đức: Cần có thêm biện pháp hạn chế cứng rắn để đẩy lùi dịch

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ở Berlin, Đức. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đức đang trong giai đoạn số ca mắc mới COVID-19 gia tăng theo cấp số nhân và không nên lãng phí thời gian khi số ca tử vong trong nước đã vượt mốc 100.000. Đây là tuyên bố được Thủ tướng nước này Angela Merkel đưa ra ngày 24/11.

Theo bà Merkel, cần có thêm các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới ở Đức, trong đó có việc hạn chế tiếp xúc.

Thủ tướng Đức cho biết đã nêu rõ quan điểm với người kế nhiệm Olaf Scholz về việc có thể cùng nhau quản lý giai đoạn chuyển tiếp này và xem xét mọi biện pháp cần thiết.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn rất nghiêm trọng khi số ca mắc mới vẫn gia tăng theo cấp số nhân và những ca mắc mới đều có thể trở thành bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt trong vòng từ 10-14 ngày. Do đó, nhà chức trách phải hết sức cẩn thận để có thể đảm bảo các bệnh viện không bị quá tải.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 24/11, số ca tử vong do COVID-19 tại Đức đã vượt mốc 100.000 ca trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và số ca mắc mới theo ngày tiếp tục lập đỉnh mới, với hơn 70.000 ca trong 24 giờ qua.

Thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho thấy trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 351 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi do đại dịch lên 100.119 người. Tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày cũng tăng lên mức cao chưa từng thấy, với 419,7 ca/100.000 người.

Trước nguy cơ hệ thống y tế có thể quá tải, giới chức nước này đã phải kêu gọi các bệnh viện ở các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ. Người đứng đầu Hiệp hội Cấp cứu và Chăm sóc đặc biệt liên ngành của Đức, ông Gernot Marx cho biết một số bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng “quá tải nghiêm trọng,” do đó, chuyển bệnh nhân COVID-19 ra nước ngoài.

Trong bối cảnh trên, Ủy ban thường trực về tiêm chủng (STIKO) của Đức đang xem xét đưa ra khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào tháng 12 tới.

Theo RKI, với tỷ lệ mắc mới COVID-19 theo ngày và tuần đều báo động như hiện nay, dường như khó có thể kéo lùi sự bùng phát của đợt dịch thứ tư. Tuy nhiên, nỗ lực tiêm vaccine cho nhiều người hơn, trong đó có cả trẻ em, có thể giúp khống chế bớt làn sóng hiện nay cũng như ngăn chặt đợt dịch thứ 5 có thể xảy ra.

Sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 ở Đức diễn ra đúng thời điểm châu Âu một lần nữa trở thành “tâm chấn” của đại dịch. Một trong những nguyên nhân được cho là dẫn đến kịch bản hiện nay là tỷ lệ tiêm vaccine thấp ở một số quốc gia, trong khi biến thể Delta rất dễ lây lan và thời tiết lạnh hơn./.

Theo Phương Hoa - Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Theo hãng tin Reuters, tính đến 9 giờ sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 154 phiếu đại cử tri, so với 30 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.