Gần 2 năm qua, trong trận chiến chống dịch Covid-19, chúng ta đã được chứng kiến ý chí kiên cường và biết bao hy sinh thầm lặng của các lực lượng tuyến đầu - những chiến sĩ áo xanh, áo trắng, áo vàng. Chúng ta cũng được chứng kiến biết bao hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp của tinh thần đoàn kết, sẻ chia của người dân, từ nông thôn cho tới thành thị.
Những tác phẩm viết về những con người đang ngày đêm vật lộn với công việc vô cùng gian khổ và nguy hiểm đã gây được niềm xúc động sâu xa trong cộng đồng.
Những vẻ đẹp đó của người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng luôn bộc lộ rõ nét trong những hoàn cảnh khó khăn, những thử thách ngặt nghèo và tạo nên sức lan tỏa, cộng hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng, khơi dậy niềm xúc động và tình cảm yêu thương của mọi người.
Dễ hiểu vì sao có nhiều bài thơ, khúc nhạc được viết trong mùa dịch về những con người đang ngày đêm vật lộn với công việc vô cùng gian khổ và nguy hiểm gây được niềm xúc động sâu xa, tác động mạnh mẽ tới tình cảm, ý thức của cộng đồng. Đó là những tình cảm xúc động, sự cảm phục và trân quý chân thành của người viết về những con người đang thực sự hy sinh bản thân vì cộng đồng, vì cuộc sống của mọi nhà.
Thầy Đặng Quốc Tuấn (áo trắng) trao tiền vận động được cho các nhóm thiện nguyện ở thị trấn Lộc Hà nấu cơm phục vụ người già, trẻ nhỏ (do bố mẹ đang cách ly tập trung), người đau ốm dài ngày... trong thời điểm cách ly y tế.
Hà Tĩnh vốn nhỏ bé và bình yên. Người thành phố với nhịp sống thường ngày diễn ra trong cái bình yên, hiền hòa đó. Có thể chúng ta đã quá quen với bình yên, có đôi lúc tưởng cuộc sống mình đơn điệu… Nhưng chúng ta đang không biết chúng ta yêu thành phố nhỏ của mình, yêu cái lặng lẽ, nhịp sống chậm rãi thường ngày đó biết bao nhiêu. Cho đến một ngày dịch bệnh đã làm xáo trộn cuộc sống, đảo lộn hết mọi trật tự thường ngày, chúng ta chợt nhận ra sự trống trải, nhận ra tất cả những nét thân yêu mà nhiều khi nhịp sống lo toan thường nhật khiến ta dễ bỏ qua...
Cảm xúc đó của tác giả Bùi Minh Huệ trong bài thơ “Thành phố của tôi” cũng chính là tâm trạng của nhiều người: Có một ngày thành phố bỗng vắng hoe/ Phố xá im lìm, không bóng người qua lại/ Tôi chạy xe lòng bỗng dưng trống trải/ Đâu náo nức mỗi ngày, đâu nhịp bước sóng đôi?... “Thành phố của tôi” một sự gọi tên đơn giản mà biết bao yêu thương. “Giãn cách rồi, thành phố của tôi!…
“Phố xá im lìm, không bóng người qua lại” - trở thành cảm xúc đẹp đẽ của tác giả Bùi Minh Huệ
Có thể có chút buồn bã và lo lắng, nhưng điểm chung của tất cả những bài thơ viết trong trận chiến chống dịch đều hướng tới ngợi ca, cảm phục và một niềm tin mãnh liệt vào những con người đang trực tiếp đối mặt với dịch bệnh, đang ngày đêm căng mình xả thân để chống dịch: đó là đội ngũ những y, bác sĩ, bộ đội, công an… Sự hy sinh, làm việc không kể ngày đêm, không kể thời tiết khắc nghiệt, không kể bao nhiêu nguy hiểm của họ với biết bao những bộn bề trong cuộc sống riêng tư phải gạt bỏ đã thực sự mang lại những cảm xúc dâng trào cho các tác giả.
Xúc động trước hình ảnh những người y tá chạy đua với thời gian trong việc lấy mẫu xét nghiệm, tác giả Trần Vũ Thìn có những câu thơ đầy cảm phục: Mặc cho trời nắng cháy/ Mặc cho trời mưa tuôn/ Công việc em là vậy/ Chẳng quản gì sớm hôm/ Quấn khắp người bảo hộ/ Từ chân đến tận đầu/ Chỉ còn lại đôi mắt/ Là để dành cho nhau…/ Ôi, em gái ngành y/ Giữa bộn bề khó nhọc/ Tình em trong hiểm nguy/ Càng sáng ngời như ngọc (Người lấy mẫu xét nghiệm trong khu cách ly).
Nhà báo Vũ Thìn tìm niềm vui trong thời gian cách ly bằng cách làm thơ chống dịch. Ảnh tư liệu do NVCC
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú viết rất thấm thía về những hy sinh thầm lặng của họ, những hy sinh không thể gọi tên, làm lay động đến trái tim của mọi người: Em tôi mái tóc xanh dày/ Thường gội hương chanh, hương bưởi/ Duyên dáng một thời con gái/ Bây giờ cắt gọn ngang vai/ Chống dịch như chống giặc vây/ Áo choàng mồ hôi nhỏ giọt/ Đêm giật mình nghe trẻ khóc/ Nhớ con - mình vẫn nơi này/ Sau tấm khẩu trang ngăn cách/ Làm sao ngăn được tấm lòng/ Màu nắng trong đêm: áo trắng/ Như hương sen ngát khắp phòng/ Sau tấm khẩu trang sâu lắng/ Tình người tỏa rộng mênh mông… (Sau tấm khẩu trang).
Hình ảnh những “chiến sỹ” y tế trên trận tuyến chống dịch đã trở thành niềm cảm hứng cho các tác giả thơ, nhạc.
Trong điều kiện cả hệ thống chính trị đang phải căng mình phòng, chống dịch Covid-19, những nhà báo, nhà thơ cũng là những người dân bình thường đã không đứng ngoài cuộc. Với cảm xúc chân thành, họ đã tình nguyện trở thành "chiến sĩ” trên mặt trận tuyên truyền.
Qua đó góp phần cổ vũ tích cực cho toàn xã hội đoàn kết, tin tưởng, cùng chung tay chiến thắng đại dịch Covid-19, đem lại cuộc sống bình yên cho mỗi nếp nhà: Chốt trực đêm nay trắng trời mưa gió/Áo trắng, áo xanh, hòa quyện với áo vàng/ Vào trận chiến chạy đua từng phút một/ Mắt em trũng sâu sau lớp kính không màu (Thành phố của tôi, Bùi Minh Huệ). Lời thơ thể hiện tình cảm yêu hương và tự hào về các anh, các chị - những người nêu bật phẩm chất Việt Nam nơi tiền tuyến.
Không chỉ là những nhà thơ, nhà báo, các em học sinh cũng dành cho các anh, các chị những tình cảm sâu sắc, một sự cổ vũ tinh thần sôi nổi rất đỗi hồn nhiên: Suốt bao năm lịch sử/ Dù thử thách, khó khăn/ Các anh vẫn vững lòng/ Vì bình yên Tổ quốc!/ Đã hai năm trôi qua/ Từ khi Covid đến.../ Người chiến sĩ gồng mình/ Chiến đấu giữa thời bình/ Không nản lòng, chùn bước/ Dù mưa dầm, gió bấc/ Hay bỏng rát gió lào/ Các anh vẫn kiên cường/ Bám trụ từng điểm chốt!.../ Chỉ mong sao hết dịch/ Về cuộc sống đời thường/ Các anh đỡ vất vả/ Nhà nhà được bình yên! (Biết ơn người chiến sĩ, Nguyễn Viết Thành, lớp 8/3, Trường THCS Lê Văn Thiêm). Mong ước giản dị của các em đã động viên, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ trên mặt trận chống dịch.
Hình ảnh các chiến sỹ lực lượng vũ trang gác chốt phong tỏa tại các điểm nóng về dịch bệnh cũng đã trở thành thi liệu cho các cây bút.
Những bài thơ chống dịch của các tác giả có chung một niềm tin vào sự thắng lợi của cuộc chiến này. Đây cũng là niềm tin của tất cả mọi người: chỉ cần đoàn kết, tin tưởng và sống có trách nhiệm, chúng ta sẽ chiến thắng “giặc Covid-19” như đã bao lần đánh thắng mọi kẻ thù, như đã vững vàng vượt qua biết bao thử thách của một vùng quê trải nhiều gian khó: Hãy cứ tin mọi chuyện sẽ qua mau/ Quê hương bình yên như từng câu hát/ Cùng đồng lòng sợ gì không làm được/ Có khó khăn nào mà quê chưa trải qua (Nghĩ về quê - Dương Thế Võ).