Chiều 25/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp trong cả nước và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể của các địa phương, đơn vị.
Cả nước hiện có 161/256 công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới tại 31 địa phương, 3 tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, bao gồm: 76 công ty tái cơ cấu, giữ nguyên mô hình công ty TNHH MTV nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 54 công ty thực hiện cổ phần hóa; 22 công ty chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; 3 công ty chuyển thành ban quản lý rừng, 6 công ty thực hiện giải thể.
Sau khi thực hiện sắp xếp, đến nay các công ty đã đổi mới về phương thức tổ chức quản lý, nguồn vốn được tăng lên, hoạt động khá hiệu quả.
Hà Tĩnh có hai Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ: Chúc A, Hương Sơn thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh quản lý. Trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A quản lý 14.744,19 ha rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn quản lý 19.867,36 ha rừng.
Đến nay, 2 công ty đã hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ theo đề án đã được phê duyệt. Sau khi sắp xếp, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ công ích, như: Quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên (phòng hộ và sản xuất) theo hình thức giao nhiệm vụ của Nhà nước; thực hiện tốt việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng và duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Các công ty cũng thực hiện tốt các biện pháp lâm sinh làm giàu rừng, xây dựng các công trình hạ tầng lâm sinh gắn công tác bảo vệ rừng với phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh - quốc phòng. Cùng đó, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp qua hằng năm cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, thách thức trong quá trình sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; đồng thời đề xuất các giải pháp để tiếp tục đưa các công ty hoạt động hiệu quả.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, các công ty nông, lâm nghiệp nói chung đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và đổi mới đất nước. Công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Chính phủ về triển khai Kết luận số 82-KL/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW.
Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các công ty nông, lâm nghiệp sau khi thực hiện sắp xếp; hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường hiệu lực quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, rừng tại các công ty nông, lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; chú trọng kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của các công ty; giải quyết đất ở, đất sản xuất, việc làm cho người dân.
Đẩy mạnh hội nhập trên các lĩnh vực như: phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chế biến, xuất khẩu lâm sản, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, phát triển thị trường carbon rừng; xây dựng cơ chế hỗ trợ công ty nông, lâm nghiệp giải thể, mất khả năng thanh toán và bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc để có phương án giải quyết, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó phải xử lý. Đối với một số địa phương chưa thực hiện sắp xếp, cần khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 30/6/2024.