Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ
Tham gia thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (6,3-6,5%). Kết quả thu ngân sách Nhà nước vượt so với số đã báo cáo Quốc hội, tuy nhiên, số tăng thu chủ yếu là tăng thu từ đất, từ cổ tức, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ tại doanh nghiệp nhà nước. Kết quả thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương cho thấy. Tình trạng nợ đọng thuế ở nhiều địa phương vẫn tăng và có nhiều tổ chức, cá nhân gian lận trong kê khai, trốn thuế, chiếm dụng tiền thuế của ngân sách, nợ đọng thuế kéo dài.
Đối với chi ngân sách nhà nước, cơ cấu chi ngân sách còn bất cập, chưa đảm bảo cho phát triển giáo dục - y tế.
Đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển.
Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép (65% GDP) theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn
Không ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách, tăng cường công tác chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Đẩy mạnh lộ trình chuyển phí, lệ phí thành giá dịch vụ phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí.
Nghiên cứu sớm đưa vào vận hành phương thức thu thuế bằng hóa đơn điện tử. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch. Thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật đất đai nhằm huy động và sử dụng hiệu quả đất đai, thu hút doanh nghiệp FDI và các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Tạo lập cơ chế, phân bổ hài hòa lợi ích trong các khâu của chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, tăng cường quản lý nhà nước về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sản xuất, về giá cả và cảnh báo sớm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy hải sản, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng "được mùa rớt giá"…