Sáng 4/10, Hội LHPN Hà Tĩnh tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình “Gia đình 5 có - nông thôn mới kiểu mẫu/ đô thị văn minh”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Chi hội phụ nữ kiểu mẫu”.
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội thành lập, củng cố và nhân rộng nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) trên các lĩnh vực nhằm đa dạng hóa hình thức thu hút, tập hợp hội viên, tạo diễn đàn cho chị em phụ nữ tiếp cận các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Qua đó, phát huy vai trò của các hộ gia đình hội viên trong xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn giá trị văn hóa, hạnh phúc gia đình, góp phần cùng với các cấp chính quyền và Nhân dân thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”.
Kết quả, trong giai đoạn 2021 -2024 đã thành lập được 419 CLB “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”, “Gia đình 5 có - đô thị văn minh” với gần 54.527 thành viên tham gia được công nhận; 49.582 mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp”; có 44 chi hội kiểu mẫu trên 13 huyện, thành phố, thị xã. Các mô hình được thành lập bước đầu đã khẳng định được hiệu quả và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thay đổi diện mạo nhiều miền quê.
Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã phân thành 3 nhóm thảo luận về 3 mô hình: “Gia đình 5 có – NTM kiểu mẫu”/ đô thị văn minh”; “Nhà sạch, vườn đẹp” và “Chi hội kiểu mẫu”. Trong đó, các đại biểu đã tập trung chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện các mô hình; đánh giá tác động của mô hình đối với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; đề xuất các giải pháp nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động mô hình trong trong thời gian tới.
Các ý kiến thảo luận đưa ra những hạn chế, khó khăn chung trong triển khai mô hình như: Trình độ đội ngũ cán bộ hội, ban chủ nhiệm, thành viên còn hạn chế, nhận thức của hội viên chưa đồng đều, một số tiêu chí yêu cầu cao nên khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động; còn thiếu sự đồng hành, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền; chưa có các chính sách, nguồn lực để để duy trì mô hình phát triển bền vững.
Từ đó, đưa ra các đề xuất giải pháp như: tham mưu các chính sách hỗ trợ kinh phí để duy trì, đảm bảo tính bền vững các mô hình; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hóa việc thực hiện tiêu chí “5 có” của các hộ gia đình; tổ chức các lớp tập huấn, tham quan các mô hình, chi hội mẫu làm tốt để các đơn vị, địa phương có thể học hỏi, nâng cao năng lực cho chị em cán bộ, ban chủ nhiệm; rà soát, hạ một số tiêu chí để đảm bảo phù hợp thực tiễn; thường xuyên tổ chức hoạt động sơ tổng kết, biểu dương kịp thời đối với những những mô hình thực hiện tốt, bền vững...
Bế mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh Nguyễn Thị Lệ Hà ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các cán bộ, hội viên. Các ý kiến đã đi đúng trọng tâm, làm nổi rõ những bất cập, hạn chế, đồng thời chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, đề xuất, kiến nghị những giải pháp mới để thực hiện các phong trào, mô hình được hiệu quả hơn.
Từ kết quả đánh giá thực tiễn, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung xây dựng những giải pháp chiến lược trong việc xây dựng, phát huy tính bền vững của các mô hình trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để tổ chức hội các cấp đề xuất cấp ủy, chính quyền ban hành các chính sách phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả phong trào “Phụ nữ Hà Tĩnh đoàn kết, sáng tạo, chung sức xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2022-2025” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh” giai đoạn 2022 - 2027 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.