Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến tháng 7/2011, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3.
Những khó khăn, bất cập
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Mặc dù gặp khó khăn trong công nghệ khai thác và việc huy động góp vốn từ các cổ đông, nhưng sau 2 năm kể từ ngày khởi công (đến tháng 7/2011), TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập trong việc triển khai dự án ngày càng bộc lộ rõ.
“Dự án phê duyệt công tác đổ thải bố trí hoàn toàn trên đất liền, trong khi dung tích và chiều cao các bãi thải cát rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, công nghệ đào sâu đáy mỏ một cấp không phù hợp với điều kiện khí hậu của Hà Tĩnh; việc sử dụng các thiết bị cỡ lớn chạy bằng điện không cơ động, sử dụng ô tô khung cứng có tải trọng lớn là chưa có cơ sở chắc chắn, tiềm ẩn nhiều rủi ro” - báo cáo kỹ thuật của TIC chỉ rõ.
Không chỉ bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác, dự án còn đối mặt với những khó khăn tài chính. TIC được thành lập ban đầu với 9 cổ đông sáng lập, trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm tỷ lệ góp vốn lớn nhất (30%). Các cổ đông còn lại hầu hết năng lực tài chính yếu, việc góp vốn điều lệ chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đến tháng 11/2011, tổng số vốn các cổ đông đóng góp mới chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 42,08% vốn điều lệ. Từ đó, dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thiếu tiền xây dựng khu tái định cư. Bên cạnh đó, lộ trình giải phóng mặt bằng đề ra giai đoạn 2008-2013 giải phóng trắng 3.898,24 ha, di dời 3.952 hộ dân, với kinh phí 3.478 tỷ đồng, điều này thực tế đã chứng minh là không khả thi.
Điều chỉnh và quyết tâm thực hiện dự án
“Trước những bất cập của dự án khai thác quặng sắt mỏ Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TIC phải tái cấu trúc lại các cổ đông và lập điều chỉnh lại dự án cho phù hợp. Đến nay, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (dự án điều chỉnh) đã được hội đồng thẩm định của Bộ Công thương chủ trì thẩm định, trong đó có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và chuyên gia quốc tế đầu ngành. Dự án điều chỉnh đã tính toán và giải quyết được các vấn đề lo ngại như: ổn định bờ mỏ, nước ngầm, an toàn và bảo vệ môi trường. Kết quả thẩm định dự án đã được Chính phủ thông qua” - Giám đốc TIC Nguyễn Quốc Hưng cho biết.
Theo dự án điều chỉnh này, những bất cập đã được khắc phục như: áp dụng phương án đào sâu đáy mỏ 2 cấp thay cho đáy mong 1 cấp. Với phương án này, các thiết bị máy mỏ hoạt động liên tục trong cả năm mà không bị gián đoạn bởi nguy cơ ngập đáy mỏ. Việc điều chỉnh bổ sung phương án đổ thải lấn biển (khoảng 171,89 triệu m3) sẽ giải quyết được đồng thời nhiều vấn đề như: giảm dung tích và cốt cao đổ thải trong đất liền để đảm bảo các yếu tố an toàn, vệ sinh môi trường; giảm nguy cơ rủi ro trong quá trình khai thác mỏ (sụt lở bờ mỏ phía Đông, sóng thần…); tạo khu đất để xây dựng cảng phục vụ công tác vận chuyển quặng, vật tư thiết bị, giảm áp lực vận tải thông qua đường bộ. Ngoài ra, ngư dân có thể sử dụng các tàu lớn để đánh bắt thủy sản nhờ bến bãi để cập tàu và tránh bão tại khu vực cảng.
Ông Thái Văn Hóa - Trưởng BQL khu vực mỏ sắt Thạch Khê cho biết, phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư được điều chỉnh từ việc giải phóng trắng 1 lần chuyển sang theo kiểu cuốn chiếu và nhu cầu sử dụng đất từng giai đoạn. Điều này đảm bảo tính khả thi và có hiệu quả về nhiều mặt; giảm áp lực tài chính cho TIC, áp lực về nhu cầu tái định cư, chuyển đổi nghề; thuận tiện cho công tác quản lý ranh giới mỏ.
Như vậy, việc triển khai dự án khai thác quặng sắt mỏ Thạch Khê đã có những điều chỉnh khả thi về mặt kỹ thuật. Vấn đề ở đây là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sẽ thể hiện vai trò của mình như thế nào trên cương vị là cổ đông chi phối. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, trong văn kiện Đại hội Đảng bộ TKV nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là “lĩnh vực có lợi thế để tạo ra sự đột phá của tập đoàn”. Đồng thời, TKV cũng đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án do tổng giám đốc TKV làm trưởng ban. Điều này thể hiện sự quyết tâm thực hiện dự án của TKV.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hưng, về khả năng thu xếp vốn triển khai dự án (giai đoạn I: hơn 6.777 tỷ đồng) đã được TIC tính toán kỹ. Theo đó, ngoài nguồn vốn đối ứng 2.033 tỷ đồng đã được các cổ đông đóng góp đủ, TIC sẽ huy động vốn xã hội hóa khoảng 1.500 tỷ đồng. Đây là hình thức huy động vốn đã được TKV áp dụng rất hiệu quả nhiều năm nay tại các công ty thành viên. Số vốn còn lại (3.000 tỷ đồng) được TIC huy động từ các ngân hàng. Và, qua đàm phán, các ngân hàng đã có cam kết thu xếp vốn dài hạn cho dự án sau.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, TIC sẽ khởi động lại dự án, hoàn thành cơ bản công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư thuộc Đề án 946 và các công trình bảo vệ môi trường; hoàn thành lập thẩm định và phê duyệt bản vẽ thi công các gói thầu chính; hoàn thiện cơ sở hạ tầng mỏ và các điều kiện kỹ thuật an toàn phục vụ thi công các gói thầu. Năm 2017, TIC tiếp tục thực hiện công tác xây dựng cơ bản mỏ để đưa dự án vào hoạt động trong năm 2018.
“Với sự quyết tâm thực hiện tổ hợp dự án và hỗ trợ của TKV trong việc thu xếp vốn, kinh nghiệm và nguồn nhân lực, TIC cam kết điều hành và thực hiện dự án đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, KT-XH, môi trường và phát triển bền vững” - Giám đốc TIC Nguyễn Quốc Hưng bày tỏ quyết tâm.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (điều chỉnh) có tổng mức đầu tư 14.517,2 tỷ đồng (giai đoạn I: 6.777,4 tỷ đồng; giai đọan II: 7.739,8 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư: vốn góp của các cổ đông 30%; vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 70%. Giai đoạn I: 5 triệu tấn/năm, kéo dài trong 7 năm (không kể 4 năm đã thực hiện và 3 năm xây dựng cơ bản tiếp theo); giai đoạn II: 10 triệu tấn/năm, kéo dài trong 29 năm, từ năm thứ 8 đến năm thứ 36; sau đó, giảm xuống dưới 10 triệu tấn/năm từ năm thứ 37 đến năm kết thúc. Tuổi thọ mỏ 52 năm. |