Theo lời giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn về một dự án nuôi cá nước ngọt quy mô 50 ha mới được đầu tư, chúng tôi đã đến đê tả ngạn sông Nghèn (Ích Hậu). Đến đây, chúng tôi mới hay rằng, dọc hai bên con đê dài tít tắp ấy là miên man những hồ đập nuôi cá nước ngọt của 30 hộ dân trong xã. Trong đó, lớn nhất phải kể đến hộ chị Phan Thị Hường vừa đầu tư thêm 1,5 tỷ đồng để mở rộng diện tích hồ đập lên 3,6 ha.
Nuôi trồng thủy sản, hậu cần nghề cá là một trong những mũi nhọn kinh tế của Lộc Hà.
Chị Hường cho biết: “Hiện nay, thị trường cá nước ngọt đang có nhu cầu lớn nên tôi quyết định đầu tư mở rộng diện tích. Ngoài những giống cá truyền thống như trắm, chép, mè, rô phi đơn tính, tôi cũng đang hướng tới tìm và thử nghiệm một số giống mới. Vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Chuyển giao KH&CN huyện, tôi đã thả hơn 10.000 con cá thát lát cườm (giống thát lát miền Nam), nay cá phát triển tốt. Nếu hiệu quả kinh tế cao và tiêu thụ tốt, lứa sau, tôi sẽ thả nhiều hơn”.
Đi sâu chừng 3 km trên con đê tả ngạn sông Nghèn, chúng tôi bắt gặp một bãi hồ mênh mông có hàng rào bao quanh. Đó chính là nơi dự án nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi tổng hợp của HTX Sản xuất nông nghiệp và Thủy sản Lộc Hà đang triển khai.
Anh Phạm Tú – Giám đốc điều hành dự án cho biết: “Gia đình tôi vốn hoạt động trong ngành nuôi trồng thủy, hải sản ở miền Nam đã nhiều năm, trước lời kêu gọi của huyện Lộc Hà, chúng tôi quyết định về đầu tư tại Ích Hậu theo hình thức hợp tác xã. Trên diện tích gần 50 ha, chúng tôi sẽ đầu tư chăn nuôi tổng hợp. Trong đó, trọng điểm là sẽ xây dựng trung tâm giống cá nước ngọt lớn nhất Bắc Trung bộ với nhiều loại giống mới như cá diêu hồng, cá lăng, cá leo, rô phi đường nghiệp…”. Với tổng vốn đầu tư 51 tỷ đồng và tâm huyết của người con quê hương, chắc chắn mong muốn khai thác hiệu quả tiềm năng của huyện Lộc Hà sẽ sớm thành hiện thực.
Hiện nay, toàn huyện có hơn 120 ha nuôi cá nước ngọt, tập trung ở các xã ven sông Én, sông Nghèn là Thạch Mỹ, Phù Lưu, Ích Hậu, Hồng Lộc. Những mô hình này chủ yếu được người dân xây dựng sau khi chương trình ngọt hóa sông Nghèn và para Đò Điệm hoàn thành.
Ông Phan Văn Châu – Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: “Hiện nay, toàn xã có hơn 16 ha hồ đập nuôi cá nước ngọt, trong đó có 4 hộ nuôi quy mô lớn, từ 2,5-3 ha. Từ trước tới nay, nhân dân nuôi cá nước ngọt với phương pháp truyền thống và giống phổ biến trong vùng. Tuy nhiên, gần đây, trước nhu cầu cá nước ngọt ngày càng lớn, một số hộ dân đã đầu tư cải tạo mở rộng diện tích ao, hồ để nâng cao hiệu quả và đa dạng các loại giống cá thương phẩm. Có nhiều hộ nhờ mạnh dạn đầu tư nên vụ này thắng lớn như hộ ông Phan Trọng Lâm (xóm Bắc Sơn) vừa xuất hơn 2 tấn cá các loại”.
Huyện Lộc Hà cũng đang chỉ đạo các xã khuyến khích, vận động bà con tích cực cải tạo ao hồ, tăng cường mở rộng diện tích, chú trọng đến chất lượng, đặc biệt là đa dạng hóa nguồn giống nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trước mắt, huyện đang chỉ đạo trung tâm chuyển giao KH&CN hỗ trợ người nuôi cá về nguồn giống mới cũng như kỹ thuật.
Hiện nay, trung tâm cũng đã tiến hành thả thử nghiệm một số loại ở các xã, qua theo dõi, kết quả ban đầu rất khả quan. Hy vọng, cùng với sự thành công của trung tâm giống cá nước ngọt thuộc HTX Sản xuất nông nghiệp và Thủy sản, các mô hình nuôi cá nước ngọt ở Lộc Hà ngày càng phát huy hiệu quả.