Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các nước khu vực Đông Nam Á

Trước tình hình COVID-19 có những chuyển biến tích cực, các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã và đang lên kế hoạch để thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các nước khu vực Đông Nam Á

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Selongor, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Malaysia không còn địa phương trong giai đoạn nguy hiểm

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Đông Nam Á, ngày 15/10, Ủy ban Quốc gia về xử lý đại dịch COVID-19 của Malaysia đã quyết định chuyển thêm 3 bang và vùng lãnh thổ liên bang là Kuala Lumpur, Putrajaya và Selangor sang giai đoạn 4 của Kế hoạch Phục hồi quốc gia (NRP).

Đồng thời có thêm 5 bang khác là Kelantan, Perak, Penang, Sabah và Kedah sẽ chuyển từ giai đoạn hai sang giai đoạn 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/10 tới. Với quyết định này, Malaysia không còn khu vực nào nằm trong giai đoạn 1 và 2.

Phát biểu tại cuộc họp của ủy ban với vai trò là Chủ tịch, Thủ tướng Ismail Sabri khẳng định việc đưa ra quyết định chuyển giai đoạn trong NRP dựa trên một số tiêu chí như số ca nhiễm mới COVID-19 giảm mạnh, tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tiêm chủng cho người trưởng thành tăng nhanh.

Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, trong hai tuần qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 hằng ngày thấp hơn 10.000 ca (giảm hơn 50% so với thời kỳ đỉnh điểm của dịch), tỷ lệ lây nhiễm cũng tiếp tục giảm dưới mức 1,0 - ở mức 0,86.

Tính đến ngày 15/10, tỷ lệ tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 trong nhóm người trưởng thành là 95%, trong khi tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 là 91,2% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Cùng với quyết định chuyển giai đoạn trong NRP, các thành viên ủy ban cũng quyết định nới lỏng một số hạn chế đối với người đã hoàn thành tiêm chủng như người nhập cảnh nếu đã hoàn thành tiêm chủng chỉ phải cách ly 7 ngày tại nhà (nếu có) hoặc tại trung tâm cách ly.

Nếu người nhập cảnh chưa hoàn thành tiêm chủng sẽ phải cách ly 10 ngày tại trung tâm cách ly. Các cuộc hội nghị, hội thảo, triển lãm được tổ chức trực tiếp nhưng với 50% công suất.

Các khu vực nghỉ ngơi và giải trí (R&R) dọc theo tất cả các đường cao tốc trên toàn quốc sẽ được phép hoạt động 24/24 kể từ ngày 16/10.

Các phương tiện giao thông công cộng được phép đón khách dựa trên sức chứa của xe.

Tuy nhiên, mọi quy định giãn cách cần thiết vẫn phải áp dụng như đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 nhanh và giữ khoảng cách cần thiết cũng như hoạt động với công suất 50% tùy theo không gian.

Ủy ban Quốc gia về xử lý đại dịch Malaysia cũng đồng ý triển khai chương trình thử nghiệm với các điều kiện nghiêm ngặt cho các chuyến thăm chính thức áp dụng cho nguyên thủ quốc gia, các quan chức cao cấp của chính phủ...

Việc thực hiện chương trình thử nghiệm này có hiệu lực từ ngày 18/10 và sẽ được mở rộng cho các doanh nhân trong thời gian tới.

Kế hoạch phục hồi quốc gia của Malaysia gồm 4 giai đoạn với giai đoạn 4 là giai đoạn cuối cùng. Đến ngày 18/10 có 6 bang nằm trong giai đoạn 4 và số bang còn lại nằm ở giai đoạn 3.

Malaysia có 13 bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang, trong đó thủ đô Kuala Lumpur, Putrajaya và Lubuan được coi là vùng lãnh thổ liên bang.

Thái Lan lập các điểm xét nghiệm cho du khách nước ngoài

Trong khi đó, một quốc gia khác là Thái Lan cũng đã đưa ra các biện pháp để chào đón du khách nước ngoài trở lại phù hợp với kế hoạch mở của trở lại của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, người phát ngôn của Chính quyền vùng đô thị Bangkok (MBA) Pongsakorn Kwanmuang cho biết thủ đô Bangkok sẽ thành lập các điểm xét nghiệm (swab hub) dành cho du khách nước ngoài tương tự như Phuket khi Bangkok mở cửa cho khách quốc tế đã được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 11/2021.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các nước khu vực Đông Nam Á

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, theo ông Pongsakorn Kwanmuang, khác với tại Phuket khi các điểm sàng lọc COVID-19 được thiết lập tại các khách sạn nơi khách du lịch nhận phòng, Bangkok có kế hoạch thành lập các điểm xét nghiệm trên khắp thủ đô để thực hiện xét nghiệm đối với du khách nước ngoài. Du khách sẽ được cách ly tại các khách sạn và chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Ngoài ra, các biện pháp như thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các điểm du lịch nổi tiếng của Bangkok cũng sẽ được thực hiện để ngăn chặn lây nhiễm, đặc biệt là tại các địa điểm giải trí ban đêm mà có thể sẽ được phép hoạt động trở lại vào ngày 1/12.

Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ miễn cách ly đối với khách du lịch bằng đường hàng không đã được tiêm chủng đầy đủ từ 5 quốc gia là Anh, Mỹ, Đức, Singapore và Trung Quốc từ 1/11, đồng thời mở thêm nhiều địa điểm dành cho du khách nước ngoài ở các tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok.

Trợ lý người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Apisamai Srirungson cho biết CCSA đã đưa ra một loạt các chiến lược để mở cửa trở lại đất nước một cách an toàn. Những chiến lược này bao gồm việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây truyền giữa các nhóm có nguy cơ và dễ bị tổn thương cũng như xây dựng niềm tin của công chúng về cái gọi là lối sống “bình thường mới.”

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 16/10 ghi nhận thêm 10.648 ca nhiễm mới cùng 82 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.772.838 ca, trong đó có 1.647.255 bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và 18.205 người không qua khỏi.

Campuchia chuẩn bị mở cửa toàn bộ nền kinh tế

Với việc sửa đổi các quy định về cách ly và đi lại đối với những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều nhập cảnh kể từ ngày 18/10/2021, Campuchia đang tiến sát đến mục tiêu mở trở lại toàn bộ nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 16/10, báo Khmer Times đưa tin Ủy ban liên bộ về phòng chống dịch COVID-19 đã quyết định sửa đổi các điều kiện về đi lại và quy định về cách ly phòng dịch cho người đến hoặc trở về Campuchia theo hướng nới lỏng so với trước đây.

Cụ thể, các quan chức kết thúc chuyến công tác nước ngoài sẽ chỉ phải cách ly tập trung 3 ngày. Điều kiện tương tự cũng được áp dụng với các nhà ngoại giao và quan chức tổ chức quốc tế.

Người nước ngoài là nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia có thư đảm bảo hoặc thư mời khi nhập cảnh Campuchia cũng chỉ phải cách ly tập trung 3 ngày. Với người dân thông thường, kể cả công dân Campuchia lẫn người nước ngoài, thời gian cách ly tập trung là 7 ngày.

Những người thuộc danh mục khác mà chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều vẫn phải cách ly tập trung đủ 14 ngày.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các nước khu vực Đông Nam Á

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, ngày 15/10, người phát ngôn của Bộ Y tế Campuchia, bà Youk Sambath đã có những đánh giá lạc quan về kế hoạch chiến lược mở cửa trở lại một cách an toàn để thúc đẩy kinh tế quốc gia và chiến lược này yêu cầu người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Theo bà Youk Sambath, sau kỳ nghỉ Lễ Pchum Ben (từ ngày 5-7/10/2021), số ca mắc COVID-19 tại Campuchia không tăng như những lo ngại trước đó, có thể là nhờ hiệu quả của vaccine và việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại chỗ. Sau Lễ Pchum Ben, công nhân các nhà máy quay trở lại làm việc phải xét nghiệm nhanh COVID-19 và số trường hợp bị dương tính không nhiều.

Hôm 8/10, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhận định rằng Campuchia hoàn toàn có khả năng mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế nếu tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 sau lễ Pchum Ben tiếp tục ở mức ổn định trong vòng 10 ngày liên tiếp.

Lào tạo điều kiện cho người dân thích nghi với điều kiện bình thường mới

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài thêm 15 ngày kể từ ngày 16/10, đồng thời tạo điều kiện cho người dân làm ăn và sinh sống trong điều kiện bình thường mới. Đây là lần thứ 12 Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nêu rõ tuy Chính phủ Lào đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng chống, nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng trong cộng đồng tại nhiều tỉnh và khó dự báo khi trong hai tuần qua, số ca cộng động đã tăng 98,5%. Chính vì vậy, Chính phủ Lào yêu cầu tiếp tục áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa đã ban hành.

Thời gian tới, Chính phủ Lào sẽ hướng đến việc giảm thiểu tối đa số ca nhiễm hoặc tử vong do COVID-19, đồng thời nỗ lực cân bằng và hoà hợp giữa các biện pháp y tế, hành chính và kinh tế; phấn đấu tổ chức thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 9 mà chính phủ đã ban hành; trao quyền ban hành quy định cụ thể cho chính quyền các địa phương.

Để tạo điều kiện cho người dân làm ăn và sinh sống trong điều kiện bình thường mới, Chính phủ Lào đã có nhiều biện pháp nới lỏng ở vùng không có dịch trong cộng đồng bao gồm: cho phép mở cửa hoạt động thiết yếu như chợ thực phẩm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hoá nhưng phải đóng cửa trước 20h hằng ngày; tiệm cắt tóc và làm đẹp tiếp tục được mở cửa nhưng khách hàng không được tập trung đông và phải đảm bảo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, đóng cửa trước 19h hằng ngày.

Ngoài ra, các quán ăn và càphê được mở cửa cho khách ngồi dùng tại chỗ, các hoạt động hội họp, nhà máy, nhà xưởng, trường học, trung tâm thể thao trong nhà được diễn ra nhựng phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Chính phủ Lào cũng cho phép hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy và hàng không giữa các tỉnh không có dịch lây lan trong cộng đồng mà không cần cách ly; cho phép tài xế và nhân viên vận chuyển hàng hóa ra/vào giữa các tỉnh và giữa thủ đô Vientiane với các tỉnh có thể vận chuyển hàng đến đích mà không cân bốc dỡ trong giai đoạn hành trình, không cần xét nghiệm COVID-19 và không cần cách ly tại điểm đến trong 14 ngày, nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống lây nhiễm dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ Lào tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine trên cả nước, khẩn trương truy vết người mắc COVID-19 đưa đi điều trị, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh. Các nhà máy công nghiệp trong vùng đỏ hoặc đã phát sinh ổ dịch phải tiếp tục đóng cửa, ngoại trừ trường hợp được thẩm định và cấp phép.

Ngoài ra, Lào duy trì các lệnh cấm bao gồm: ngừng cấp thị thực phổ thông, đóng cửa khẩu, ngoại trừ trường hợp được cấp phép và xe vận tải hàng hoá; tiếp tục cấm ra vào vùng đỏ, đóng cửa trung tâm thể thao, cấm tổ chức tiệc tùng, đóng cửa trường học và cấm tổ chức hội họp, tập trung đông người tại vùng có dịch lây nhiễm. Thủ đô Vientiane và các tỉnh có lây nhiễm trong cộng đồng phải áp lệnh giới nghiêm sau 22h hằng ngày đến 5h sáng hôm sau.

Tại vùng đỏ, Lào yêu cầu đóng cửa các tụ điểm giải trí, rạp phim, spa, karaoke, quán ăn, cafe Internet, sòng bạc... đồng thời, các dịch vụ massage, cắt tóc, thẩm mỹ, chợ đêm, khu ẩm thực và điểm du lịch vẫn bị cấm mở cửa. Người dân Lào được yêu cầu cài đặt ứng dụng Lao Susu tại Lao KYC để lấy mã QR khai báo lịch sử di chuyển ở các điểm công cộng.

Quyết định cũng nêu rõ các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định pháp luật.

Liên quan đến tình hình dịch COVID -19 tại Lào, ngày 16/10, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 548 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong. Trong số các ca mắc mới có tới 543 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Tỉnh Khammuan tiếp tục có số ca mắc trong cộng đồng cao nhất cả nước - với 241 trường hợp. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào hiện là 31.736 ca, trong đó có 38 người tử vong.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.