Tinh thần đoàn kết tô đậm truyền thống văn hóa Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Trong giai đoạn mới, người Hà Tĩnh đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên những sắc màu mới, tô đậm thêm bản sắc văn hóa của mình.

Tinh thần đoàn kết tô đậm truyền thống văn hóa Hà Tĩnh

Là vùng đất "nắng lửa mưa chan", người dân Hà Tĩnh luôn đoàn kết để vượt qua gian khó. (Trong ảnh: Người dân xã Sơn Trà - Hương Sơn cùng chính quyền địa phương dập lửa cứu rừng trong đợt cháy rừng đầu tháng 7/2020). Ảnh Hữu Trung.

Hà Tĩnh vốn nổi tiếng là vùng đất “nắng lửa mưa chan” lại phải chịu nhiều thiên tai, địch họa. Từ trong khó khăn, người Hà Tĩnh luôn phát huy truyền thống văn hóa yêu thương, đùm bọc nhau, tạo nên sức mạnh của tinh thần đoàn kết, giúp cộng đồng, địa phương hóa giải nhiều khó khăn.

Sẽ còn khiến xã hội xúc động là hành động nhường cơm, sẻ áo của người Hà Tĩnh với người Hà Tĩnh trong những cơn bão lũ, dịch bệnh; là hành động “quăng mình” trong biển lửa để cứu rừng của hàng nghìn người; là sự đồng lòng chung sức trong thực hiện những mục tiêu KT-XH của địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, càng thấy rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết đối với sự phát triển chung của tỉnh. Hà Tĩnh bước vào nhiệm kỳ 2015-2020 với khó khăn từ sự cố môi trường biển. Sự cố đã khiến hàng nghìn người, đặc biệt là người dân vùng biển Hà Tĩnh lâm vào hoàn cảnh khó khăn; tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều bất ổn. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, Nhân dân Hà Tĩnh đã thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao.

Tinh thần đoàn kết tô đậm truyền thống văn hóa Hà Tĩnh

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều người đã phải gác lại niềm riêng để xông pha nơi tuyến đầu.

Nhờ tinh thần đoàn kết, Hà Tĩnh không chỉ vượt qua thách thức mà còn bảo đảm ổn định tình hình, tiếp tục phát triển. Năm 2016 - thời điểm sự cố môi trường biển xảy ra, sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng 4,89% - cao hơn bình quân chung cả nước; giá trị sản xuất đạt 80 triệu đồng/ha; các lĩnh vực văn hóa - xã hội - giáo dục đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tiếp đó, Hà Tĩnh lại hứng chịu hậu quả nặng nề của các trận bão lũ, cháy rừng và sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19 năm 2020. Thế nhưng, cũng chính trong thời điểm khó khăn, cam go, sức mạnh đại đoàn kết càng được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhớ lại những câu chuyện nhường cơm sẻ áo trong cao điểm chống dịch Covid-19, hẳn nhiều người vẫn còn tự hào về một xã hội đầy nghĩa tình.

Chứng kiến sự hy sinh của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, nhiều cụ già đã ủng hộ chính quyền những đồng tiền tiết kiệm của mình. Người ít, người nhiều nhưng hành động đó đã tạo nên sự lan tỏa trong xã hội, nhất là đối với các em học sinh. Ở những địa bàn có khu cách ly, nhiều em nhỏ cũng đã noi gương các cụ già, đem tiền tiết kiệm của mình ủng hộ chính quyền chống dịch; nhiều người dân đã góp rau, góp gạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công tác chống dịch trên địa bàn…

Tinh thần đoàn kết tô đậm truyền thống văn hóa Hà Tĩnh

“Biến cố” dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau trong cộng đồng. Ảnh Thảo Yến.

Trong cao điểm chống dịch Covid-19, nhiều câu chuyện cảm động đã được viết lên bằng tình yêu thương, sự chia sẻ. Em Lê Nguyễn Thu Thủy - học sinh lớp 6 (xã Sơn Lâm - Hương Sơn) chia sẻ: “Đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào… là những bài học em đã được học rất nhiều ở trường, ở ông bà, bố mẹ, nhưng em thực sự cảm nhận được điều đó trong đợt chống dịch Covid-19 vừa qua. Từ tấm gương các cụ già, từ lời kêu gọi chung tay chống dịch của Chính phủ, từ sự hy sinh của các lực lượng vũ trang, y tế…, em đã ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình. Em chỉ mong đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh để người dân trở lại cuộc sống bình thường và chúng em sớm được đi học”.

Có thể nói, “biến cố” dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau trong cộng đồng. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy cho biết: “Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia chống dịch của Ủy ban MTTQ tỉnh, hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ hơn 66,6 tỷ đồng cho công tác chống dịch. Các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng lòng chung sức cùng chính quyền chống dịch hiệu quả, an toàn”.

Tinh thần đoàn kết tô đậm truyền thống văn hóa Hà Tĩnh

MTTQ Hà Tĩnh nỗ lực để “không ai bị bỏ lại phía sau” (Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Hà Văn Hùng chia vui và động viên gia đình ông Phan Văn Tài ở xã Cẩm Quan - Cẩm Xuyên trong ngày khởi công nhà đại đoàn kết vào tháng 6/2019).

Xây dựng môi trường văn hóa hướng tới sự phát triển hài hòa, lành mạnh được các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng khu dân cư văn hóa phát triển sâu rộng và trở thành phong trào thi đua, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của người Hà Tĩnh càng được củng cố. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy đã góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, xây dựng các vùng quê trù phú. Dù trải qua nhiều khó khăn nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng bê tông hóa 4.360 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp, xây mới 1.040 nhà văn hóa; xây dựng 230 khu dân cư kiểu mẫu, 2.405 vườn mẫu đạt chuẩn…

Tinh thần đoàn kết tô đậm truyền thống văn hóa Hà Tĩnh

Tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau tô đậm thêm bản sắc văn hóa mảnh đất và con người Hà Tĩnh.

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 3.106 nhà đại đoàn kết cho người nghèo với trị giá gần 69,4 tỷ đồng; 849 hộ nghèo được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng; hơn 111.000 lượt hộ nghèo được tặng quà nhân dịp lễ, tết…

Được sống trong căn nhà thắm tình đoàn kết, ông Phan Văn Tài (xã Cẩm Quan - Cẩm Xuyên) không giấu nổi xúc động: “Cả đời tôi mơ ước một mái nhà vững chãi che nắng, che mưa, nay nhờ chính quyền hỗ trợ, bà con lối xóm đỡ đần, chúng tôi đã được toại nguyện. Tình cảm đó là động lực để gia đình tôi nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Hơn bao giờ hết, tôi cảm nhận được rất rõ nghĩa đồng bào sâu nặng của dân tộc ta”.

Xuyên suốt tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau như dòng chảy thấm đẫm trong huyết quản, hành động của bao thế hệ người Hà Tĩnh. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, tinh thần đó có những biểu hiện khác nhau nhưng đều đã góp phần tô đậm bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người Hà Tĩnh. Đó cũng chính là sức mạnh tạo nên những thành tựu mới cho Hà Tĩnh trên những chặng đường kế tiếp.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.