Cô Hoàng Vĩnh Hương - giáo viên Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mỗi lúc mệt mỏi, mỗi lúc cần thêm động lực, mỗi lúc khuyến khích bản thân tích cực yêu thêm cuộc đời này, tôi thường chạy xe song song mỗi hàng cây và hình dung tiếng đàn ghi-ta đuổi theo mình “không xa đời và cũng không xa loài người. Không xa ngậm ngùi và cũng không xa nụ cười...”.
Trịnh Công Sơn từng viết, mọi vật, mọi loài đều có những thứ văn tự riêng. Từ đường đi của đàn chim, đàn kiến đến các loại côn trùng và những cánh bèo dạt trôi trên sông… đều là một loại văn tự riêng biệt mà chỉ có chúng mới tự nhận ra. Và với những người yêu Trịnh thì âm nhạc của ông cũng chính là một loại văn tự độc đáo của tâm hồn…
Âm nhạc của Trịnh khá đơn giản, chủ yếu loanh quanh trong mấy cung mi thứ, la thứ, mi trưởng, la trưởng và điệu slow chậm buồn. Nhưng khác với âm nhạc, ca từ của Trịnh là một cuộc tìm tòi, khai phá cảm xúc, tư tưởng thực sự. Ca từ, khi vô cùng gần gũi, nhiều lúc lại siêu hình. Có khi thuận theo quy chuẩn nhưng chủ yếu là sự sáng tạo của ngữ pháp. Người hiểu và không hiểu đều thích, đều yêu và đều mơ hồ cảm nhận được bằng cách riêng của mình. Gia tài âm nhạc đồ sộ của Trịnh chủ yếu xoay quanh thân phận và tình yêu, đó chính là một thứ “văn tự” riêng, “đường đi” riêng của nhạc Trịnh trong tâm tư nhiều thế hệ.
“Văn tự” đó đã được viết trong những khoảng không gian chứa đựng nhiều bóng tối, trong những cánh rừng đã khép từ xa xưa, trên những bờ biển quạnh hiu, núi đèo mờ mịt, trên cao nguyên xa vời, giữa phố thị đông vui… “Văn tự” đó cũng được viết giữa niềm vui hạnh ngộ, trong nỗi nhớ thiết tha, giữa niềm hạnh phúc có nhau và cả nỗi buồn chia xa… “Văn tự” đó đã cho biết bao nhiêu người tìm thấy mình, tìm thấy bạn bè mình trong đó, khai phá thế giới tâm tư nhau.
Bởi “văn tự” đặc biệt đó mà những tâm hồn già trẻ, gái trai nhiều thế hệ trên khắp địa cầu đã gặp nhau ở tình yêu với nhạc Trịnh, họ dễ dàng nhận ra nhau và yêu mến nhau trong thế giới âm nhạc của Trịnh. Anh Nguyễn Đắc - chủ cửa hàng Chạn décor 17 Trịnh Khắc Lập (TP Hà Tĩnh) nói: “Có nhiều người nói nhạc Trịnh chỉ dành cho “người già”, nhưng sự thật là những người trẻ như chúng tôi vẫn dành một tình yêu đằm sâu cho nhạc Trịnh. Nghe nhạc Trịnh cảm giác mình sống chậm lại một chút. Nhiều khi nghe đi nghe lại một bài mãi để cảm nhận những ca từ ý nghĩa và để suy ngẫm về triết lý sống của ông”.
Người yêu nhạc Trịnh có thể hàng giờ cùng hát với nhau những Biển nhớ, Diễm xưa, những Tình xa, Tình nhớ, những Cát bụi, Phôi pha, Dấu chân địa đàng, Hoa xuân ca rồi đắm mình trong cõi âm thanh ấy. Làm sao có thể quên được và không khai phá gì thêm được ở những câu hát và hình ảnh độc đáo như: “Bàn tay chăn gió mưa sang”, “Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím”, “Tình yêu như thương áo quen hơi ngọt ngào”, “Ôi tóc em dài đêm thần thoại”, “Em cứ yêu con người ngọt ngào đời vẫn thế”… Có nhiều hình ảnh khiến người ta mơ hồ nhưng vẫn cảm nhận được một con người cô đơn tận cùng mà lại thực cuồng si, thực độ lượng, thực lạc quan…
Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng”. Quan điểm ấy đã nâng đỡ tâm hồn con người trước những hao khuyết, đua chen, tuyệt vọng giữa cuộc đời. Để cho mỗi người yêu nhạc Trịnh đều có thể tìm thấy niềm tin yêu cuộc sống. Dù tin yêu ấy có thể bắt đầu bằng nỗi cô đơn, ly oán nhưng điều đọng lại khi nghe những lời ca là tình yêu vào cuộc sống, vào con người.
Ảnh: internet
thiết kế: huy tùng