Bà Tứ bị khuyết tật cả tay và chân trái từ nhỏ.
Bà Tứ kể, khi nhìn thấy con gái sinh ra khuyết tật cả tay và chân trái, mẹ bà đã khóc rất nhiều. Dẫu luôn cố gắng lạc quan nhưng nỗi mặc cảm vẫn bủa vây bà.
Năm 1978, bà vào Hà Tĩnh làm công nhân Xí nghiệp Giống trồng rừng Truông Bát (thôn 11, xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Linh), thuộc Công ty Giống trồng rừng Nghệ Tĩnh và nên duyên với ông Nguyễn Quốc Tòa (SN 1953, là thương binh 4/4) ở cùng đơn vị.
Bên ngôi nhà cũ đang được gia đình lưu giữ lại, bà Tứ ôn lại khoảng thời gian khởi nghiệp gian khó với Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Linh Nguyễn Thị Vỹ.
“Lập gia đình và quyết định gắn bó với mảnh đất này, tôi được chị em Hội Phụ nữ xã đặc biệt quan tâm, từ thường xuyên động viên, chia sẻ gian khó cho tới tiếp sức phát triển kinh tế. Món vay đầu tiên của tôi từ Quỹ Tín dụng tiết kiệm phụ nữ chỉ 500 ngàn đồng để mua gà giống, sau đó tăng lên 1 triệu, 5 triệu đồng để nuôi lợn, rồi đến 50 triệu đồng để mua trâu, bò...
Hàng chục vòng vốn tín dụng như thế cùng những chương trình tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, những chuyến tham quan, học hỏi do Hội Phụ nữ xã tổ chức đã giúp gia đình tôi mở ra con đường thoát nghèo. Và tôi đã xây dựng cuộc sống ấm no ở vùng quê ân tình này” - bà Tứ chia sẻ.
Nguồn vốn tín dụng qua cầu nối Hội LHPN đã giúp gia đình bà Tứ từng bước thoát nghèo.
Nguồn vốn đó đã tiếp sức cho vợ chồng bà Tứ cần mẫn khai phá vùng đất hoang trồng rừng, cao su, chè và cây ăn quả. “Tôi đã có được điểm tựa vững chắc với sự tiếp sức của Hội Phụ nữ xã qua các phong trào: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”. Cũng từ đó, tôi luôn cố gắng tham gia tích cực các hoạt động và trở thành một hội viên phụ nữ nòng cốt”.
Mô hình kinh tế vườn, rừng của gia đình bà hiện đã có 4 ha keo tràm, 3 ha cao su, 1 ha chè...
Cuối năm 2010, bà Tứ được chị em trong Chi hội Phụ nữ thôn 11 tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng. “Những ngày đầu điều hành sinh hoạt chi hội, có lúc tôi tưởng tim mình nhảy ra khỏi lồng ngực. Vừa bỡ ngỡ, vừa xúc động khi được khẳng định mình” - bà Tứ chia sẻ. Sau những đợt tập huấn về kỹ năng hoạt động của cán bộ hội và tham gia những cuộc họp ở xã, ở huyện, bà dần mạnh dạn, tự tin hơn.
Bà thành lập 2 CLB để chị em có thêm môi trường sinh hoạt mới và cùng với Ban Công tác mặt trận thôn đi từng ngõ, gõ từng nhà triển khai cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Sự nhiệt tình và cách vận động có lý, có tình của bà Tứ đã thuyết phục được 100% hội viên chi hội thực hiện phân loại rác, xây lò đốt rác để làm sạch môi trường. Với những gia đình khó khăn về kinh tế, bà đứng ra ứng vật liệu làm rồi trả dần; gia đình đặc biệt khó khăn thì huy động bà con trong thôn đóng góp hỗ trợ.
Từ năm 2010, khi địa phương khuyến khích xây dựng các mô hình phát triển sản xuất trong chương trình NTM, gia đình bà Tứ bắt đầu trồng cây ăn quả, đến nay đã có 2.500 cây ăn quả các loại.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Linh Nguyễn Thị Vỹ cho biết, năm 2017, sau đợt điều trị bệnh dài ngày, bà Tứ nghỉ việc Chi hội trưởng nhưng vẫn luôn là hội viên tích cực, là nhân tố điển hình trong các phong trào thi đua của hội.
Mô hình kinh tế vườn, rừng của gia đình bà Tứ hiện đã có 4 ha keo tràm, 3 ha cao su, 1 ha chè cùng 2.500 cây ăn quả các loại, giải quyết việc làm cho 3 lao động với thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng; tổng doanh thu mỗi năm đạt gần 500 triệu đồng. Cả 4 người con của ông bà đều học cao đẳng, đại học và đã có việc làm ổn định.