Ngày 26/4, Chern Kwan Lin, 38 tuổi, dự định đáp chuyến bay từ sân bay Don Mueang ở Bangkok, Thái Lan , để về Đài Loan . Song Lin đã không bao giờ lên được chuyến bay đó.
Công dân Đài Loan bị bắt tại ga đi của sân bay với 7,2 kg heroin giấu trong 18 hộp phấn lạnh Prickly Heat, theo truyền thông Thái Lan.
Cảnh sát cho biết họ tiến hành vụ bắt giữ sau khi nhận được thông tin từ đồng nghiệp Đài Loan về một băng nhóm buôn lậu ma túy từ Thái Lan sang Đài Loan. Sau khi bắt Lin, cảnh sát cũng tiến hành khám xét một phòng khách sạn ở khu Soi Rang Nam tại Bangkok và bắt thêm Khai Lin Si, một công dân Đài Loan khác, tịch thu thêm 8,8 kg heroin.
VAI TRÒ "KHÔNG THỂ THIẾU"
Những vụ bắt giữ công dân Đài Loan liên quan đến buôn bán ma túy không hiếm tại Đông Nam Á trong những năm qua. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 3, các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia của Đài Loan đóng vai trò "không thể thiếu" trong dòng chảy ma túy từ khu vực Tam Giác Vàng - trung tâm của hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy tại Đông Á và Đông Nam Á.
Báo cáo có tên Ma túy tổng hợp ở Đông Á và Đông Nam Á: Xu hướng và mô hình các chất kích thích nhóm amphetamine và các chất hướng thần mới cho hay Đài Loan là "đại bản doanh" của một số nhóm buôn bán ma túy nổi tiếng nhất khu vực. Thành viên nhiều băng nhóm đã bị bắt và xét xử tại Myanmar, Indonesia , Campuchia , Philippines , Malaysia cũng như tại Australia , Nhật Bản ... và Đài Loan.
Cảnh sát Thái Lan áp giải Chern Kwan Lin tại sân bay Don Mueang. Ảnh: Daily News. |
Hồi tháng 12/2018, gần nửa tấn heroin có nguồn gốc từ Đông Nam Á, với giá thị trường ước tính 195 triệu USD, đã bị tịch thu tại Đài Loan khi một nhóm buôn lậu đang dùng thiết bị lặn để đưa hàng lên bờ. 10 người bị bắt giữ, bao hồm 2 trẻ vị thành niên. Đây là vụ tịch thu ma túy lớn thứ hai Đài Loan, sau vụ 693 kg ma túy bị phát hiện trên một thuyền đánh cá ở miền nam hòn đảo vào tháng 5/2017.
Tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2019, lực lượng chức năng cũng đã liên tiếp triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tại TP.HCM và miền Trung, do người Đài Loan cầm đầu. Tổng lượng hàng thu giữ lên tới trên 3 tấn ma túy đá, một tấn heroin và hàng triệu viên ma túy tổng hợp.
Người chơi ma túy dạo hiện tại có xu hướng lựa chọn methamphetamine, tức ma túy đá, và các dạng ma túy tổng hợp khác, đa số phát xuất từ Tam Giác Vàng. Vùng đất nằm giữa ba nước Myanmar, Thái Lan và Lào xưa nay vốn được coi là cái nôi của hoạt động sản xuất và buôn lậu ma túy, trước kia là thuốc phiện, rồi đến heroin và nay là các loại ma túy tổng hợp.
Theo báo cáo của LHQ, trong giai đoạn 2016-2018, lượng ma túy đá bị tịch thu tại Đông Nam Á tăng từ khoảng 30 tấn/năm lên đến 100 tấn/năm. Nguyên nhân được cho là giá bán sỉ ma túy tại khu vực Tam Giác Vàng giảm, thúc đẩy các nhóm tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm các băng nhóm người Đài, tăng cường lấy hàng từ khu vực.
Rất nhiều tay buôn người Đài Loan đã bị tuyên án tử hình trong các vụ xét xử ở nhiều nước Đông Nam Á. Hồi tháng 4/2018, tòa án ở Indonesia đã tuyên án tử hình với 8 công dân Đài Loan vì buôn lậu một tấn ma túy đã từ Trung Quốc đến nước này hồi tháng 7/2017. Khi đó, vụ tịch thu số ma túy đá này, thường được gọi bằng tên "shabu-shabu" theo tiếng địa phương, là vụ lớn nhất tại Đông Nam Á về loại ma túy tổng hợp này.
Trước đó vào tháng 11/2016, Tòa án Tối cao Indonesia đã y án tử hình với 3 người Đài Loan bị tuyên có tội trong vụ buôn lậu 3 kg ma túy đá từ Hong Kong đến Indonesia. Tháng 8 cùng năm đó, 4 công dân Đài Loan khác cũng bị tuyên án tử tại tòa án ở Jakarta vì sở hữu 26 kg ma túy đá.
Tháng 8/2018, tòa án Thái Lan cũng tuyên án tử hình với một người đàn ông 70 tuổi Đài Loan cùng một công dân Malaysia và 2 người Thái Lan vì buôn lậu ma túy đá. Khi bị bắt vào năm 2016, công dân Đài Loan này cùng một đồng phạm đang mang 282 túi chứa tổng cộng 281 kg ma túy đá.
Tòa án ở Indonesia tuyên án tử hình với 8 công dân Đài Loan hồi tháng 4/2018. Ảnh: Antara. |
"CHUYÊN GIA" ĐIỀU CHẾ MA TÚY
Trong một phát biểu vào tháng 9/2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte , người khởi xướng chiến dịch chống ma túy quyết liệt tại nước này, đã nói Đài Loan là nguồn chủ yếu đưa ma túy vào Philippines. Ông cũng cho rằng Đài Loan là nơi khởi phát chính của hoạt động buôn bán ma túy, chứ không phải là Trung Quốc hay các nước láng giềng khác.
Phát biểu này đã vấp phải sự phản kháng từ chính quyền Đài Loan, song cũng làm nổi bật một thực tế là tội phạm ma túy từ hòn đảo là một quan ngại lớn của các nước Đông Nam Á. Mối lo đó càng trở nên lớn hơn khi hiện tại, các tay điều chế ma túy người Đài Loan đang là lực lượng chủ lực sau làn sóng ma túy đá lan tràn tại khu vực, theo cảnh sát Thái Lan.
Theo AFP , các vụ tịch thu ma túy đá dạng viên "yaba" có chất lượng thấp hay dạng ma túy đá cao cấp hơn, tức "ice", đều lập kỷ lục tại Thái Lan trong năm 2018. Các chuyên gia cho rằng vùng Tam Giác Vàng đang sản xuất ra nhiều ma túy hơn bao giờ hết, với giá trị giao dịch ước tính lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Sở dĩ nguồn cung trở nên dồi dào một phần là vì sự xuất hiện của các chất mới, rẻ hơn dùng để điều chế ma túy, theo tướng Watchara Thipmongkol, sĩ quan cảnh sát cấp cao Thái Lan, chỉ huy lực lượng chống ma túy tại miền bắc nước này, tức bao gồm một phần vùng Tam Giác Vàng. Vị tướng cho rằng các "meth cook", tức người điều chế ma túy đá, từ Đài Loan, làm việc cho các băng nhóm tội phạm, đã tạo ra sự thay đổi này.
"Chúng giờ đây sử dụng chất sodium cyanide... một hợp chất được dùng trong mọi nhà máy ở Thái Lan mà không được kiểm soát", AFP dẫn lời tướng Watchara nói hồi tháng 11/2018.
Các tuyến đường vận chuyển ma túy từ khu vực Tam Giác Vàng. Đồ họa: Economist. |
Thái Lan vốn kiểm soát chặt chẽ các chất dùng để điều chế ma túy đá, bao gồm P2P và ephedrine, pseudoephedrine. Điều này có nghĩa là người mua và người bán những chất này đều bị theo dõi.
Tuy nhiên, sự dồi dào của chất sodium cyanide có giá rẻ hơn đã làm "trật bánh" lệnh cấm, đẩy giá "yaba", một chất kích thích có biệt danh là "thuốc điên", xuống chỉ còn 100 baht tại Thái Lan.
"Với nguyên liệu rẻ hơn, họ có thể sản xuất 100 triệu viên thuốc và thậm chí nếu chỉ có 10 triệu viên qua được chốt chặn cảnh sát, vẫn là đáng giá", ông Watchara nói thêm.
Những tay điều chế ma túy người Đài từ lâu đã hiện diện trong hoạt động giao dịch ma túy đá tại châu Á. Họ có thể "làm hợp đồng" cho các tổ chức tội phạm hoặc tự mở cơ sở điều chế ma túy của riêng họ.
Tại khu vực Mekong, sự tham gia của họ "không phải là điều ngạc nhiên, nếu xem xét những kỹ năng cần thiết để điều hành cơ sở điều chế ma túy đá, cũng như lịch sử và chuyên môn của họ trong việc làm điều này ở những khu vực khác tại Đông Nam Á", theo ông Jeremy Douglas, đại diện khu vực của Văn phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm LHQ.
Theo Reuters , cảnh sát chống ma túy tại khu vực cho biết những tay điều chế ma túy thường được đưa từ Đài Loan hoặc Trung Quốc đến Myanmar để làm việc tại các cơ sở điều chế ma túy đá, trong khi thiết bị điều chế và nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc.