Tổng Bí thư Trần Phú với công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thực hiện cách mạng vô sản Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Được gặp Nguyễn Ái Quốc, như ánh mặt trời soi đường mở lối, đồng chí Trần Phú quyết tâm hiến dâng đời mình cho lý tưởng, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân.

Kỷ niệm 117 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú: 1/5 (1904 - 2021)

Tổng Bí thư Trần Phú với công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thực hiện cách mạng vô sản Việt Nam

Chân dung Cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu

Từ khi được tiếp cận với chương trình, điều lệ, những tài liệu huấn luyện và cả phương pháp cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đồng chí Trần Phú đã bị hấp dẫn thực sự bởi luồng tư tưởng mới, một phương thức cứu nước mới.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, CNXH khoa học được đồng chí Trần Phú nhanh chóng nắm bắt và đồng chí sớm hiểu sâu sắc rằng, con đường duy nhất để cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn là con đường chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải được đặt vào quỹ đạo của CNXH.

Gắn lý luận với thực tiễn, đồng chí Trần Phú vừa tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, CNXH, vừa phổ biến kiến thức vận động cách mạng theo chương trình “Thanh niên” nhằm thực hiện “vô sản hóa” nhận thức và phong trào đấu tranh ở Việt Nam, nhất là phong trào công nhân, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX.

Với bầu nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng, vì mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, bằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và thực tiễn trong nước, đồng chí Trần Phú đã hoàn thành dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.

Tổng Bí thư Trần Phú với công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thực hiện cách mạng vô sản Việt Nam

Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trần Phú tại Tùng Ảnh - Đức Thọ là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ học tập. Ảnh Thanh Hải

Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và thông qua Luận cương chính trị. Luận cương khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam: “Trong lúc đầu cuộc cách mạng ở Đông Dương sẽ là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền”, sau đó “tiến lên con đường cách mạng vô sản”, “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu tiến thẳng lên con đường XHCN”(1).

Để thực hiện mục tiêu đó, Tổng Bí thư Trần Phú cùng Thường vụ Trung ương Đảng đã tập trung cho công tác tuyên truyền lý tưởng cộng sản, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bản chất ưu việt của chế độ XHCN trong giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động nhằm trang bị lý luận cách mạng, mang lại niềm tin, hình thành ý chí đấu tranh hoàn thành “cuộc cách mạng tư sản dân quyền” và “tranh đấu tiến thẳng lên con đường XHCN”.

Tổng Bí thư Trần Phú và Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Muốn cho trong Đảng và trong quần chúng vô sản có một nền tư tưởng bôn-sơ-vích thì cần phải huấn luyện cho đảng viên và thợ thuyền theo đại cương của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà giải quyết những việc xảy ra trong sự giai cấp tranh đấu hằng ngày và căn cứ vào những sự kinh nghiệm tranh đấu mà phát triển trình độ tư tưởng”(2).

“Điều kiện cốt yếu” để đạt mục đích chủ nghĩa cộng sản, theo đồng chí Trần Phú là “Cần phải có một Đảng Cộng sản có đường chánh trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải trong tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lê-nin là gốc…”(3).

Tổng Bí thư Trần Phú với công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thực hiện cách mạng vô sản Việt Nam

Lãnh đạo huyện Đức Thọ dâng hương nhân kỷ niệm 117 năm ngày sinh Cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2021). Ảnh Đức Thiện

Do vậy, với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trần Phú đã rất chăm lo công tác xây dựng Đảng và trên thực tế đã có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đồng thời, xác định công tác xây dựng các tổ chức quần chúng nhân dân là xây dựng lực lượng cách mạng, một bộ phận của công tác xây dựng Đảng nên đồng chí Trần Phú đã chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng xây dựng, củng cố các tổ chức quần chúng quan trọng như: Công hội, Nông hội, Phụ nữ hội, Thanh niên hội, Cứu tế hội…, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh là sự thể hiện trong thực tiễn con đường cách mạng duy nhất đúng: con đường cách mạng vô sản do Đảng đề xướng và lãnh đạo theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đó cũng là kết quả của quá trình “vô sản hóa”, quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, CNXH vào nước ta của thế hệ tiền phong thời dựng Đảng, trong đó, vai trò của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là hết sức quan trọng.

Tinh thần cách mạng và sự hy sinh cao cả của người cộng sản Trần Phú đã lay động triệu triệu con tim người Việt Nam yêu nước, tác động sâu sắc tới lẽ sống, niềm tin của cả dân tộc và lớp lớp các thế hệ cách mạng tiếp bước sau nguyện tranh đấu, hy sinh vì chân lý vĩnh hằng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, vì CNXH.

---------------

(1), (2), (3): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.