Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận hoa sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào tối qua (22/5) (Ảnh: Reuters)
Bốn thập kỷ sau chiến tranh, chuyến đi của ông Obama nhằm mục đích tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng và kinh tế với Việt Nam, các trợ lý Tổng thống cho biết.
Theo Reuters, một chuyến công du kéo dài đến ba ngày của ông Obama là không thường xuyên, điều này đã nhấn mạnh việc Tổng thống Mỹ xem trọng việc mở rộng mối quan hệ với Hà Nội.
Trước chuyến thăm lần này, áp lực đè nặng lên người đứng đầu Nhà Trắng rằng liệu ông có nhân chuyến đi này để dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí - một trong những vết tích cuối cùng từ mối quan hệ thù địch thời chiến - với Việt Nam hay không? Và giới chức Mỹ cũng đã có quyết định cuối cùng cho riêng mình trước khi Tổng thống Obama đặt chân đến Hà Nội vào tối qua (22/5).
Ông Obama là Tổng thống Mỹ thứ 3 tới thăm Việt Nam kể từ khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước được khôi phục lại vào năm 1995. Tổng thống Obama đã thực hiện các hợp tác ngoại giao và quân sự gần gũi hơn với các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một phần trong trọng tâm chính sách đối ngoại của Tổng thống.
Chuyến đi đến Việt Nam lần này của ông Obama nhận được nhiều sự quan tâm của truyền thông cũng như người dân trong nước. Nhân sự kiện chuyến công du của người đứng đầu Nhà Trắng, một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội sử dụng hình ảnh Tổng thống Mỹ Obama đang tươi cười để tiếp thị sản phẩm.
Anh Ngô Minh Kiên, chủ một tiệm may ở Phố Cổ, Hà Nội trưng bày một biển hiệu Tổng thống Mỹ trong bộ vest lịch lãm bên ngoài của hàng của mình. Anh cho biết: “Tôi muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Điều này có thể giúp tăng cường an ninh cho đất nước chúng tôi”.
Thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng lên gấp 10 lần trong vòng 2 thập niên qua, chạm mức gần 45 tỷ USD, và Việt Nam hiện tại đang là nước xuất khẩu lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào thị trường Mỹ.
Nền kinh tế với thế mạnh sản xuất của Việt Nam đang tăng trưởng với một trong những tốc độ nhanh nhất khu vực châu Á, thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ như Intel, Microsoft, Ford Motors và General Electric mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ở đây.
Tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có các cuộc gặp và hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thảo luận các phương thức tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Tại thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm thương mại của Việt Nam, Tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ một số doanh nhân trẻ của Việt Nam và tham dự một cuộc thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định mà ông Obama đã kiên quyết theo đuổi trong suốt nhiệm kỳ của mình, đồng thời, Việt Nam cũng được giới chuyên gia đánh giá là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước thành viên.