"Vào giữa tháng 6, chúng tôi đã đưa ra một đề xuất khác nhằm giải quyết (xung đột Ukraine). Với sự sẵn sàng từ phía Ukraine và quan trọng nhất là các nhà tài trợ phương Tây, đề xuất này sẽ giúp chấm dứt chiến sự, cứu sống sinh mạng và khởi động các cuộc đàm phán ngay lập tức", Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm nay 4/7.
Ông Putin cũng cảm ơn các nước thành viên SCO vì nỗ lực theo đuổi mục tiêu chung.
"Chúng tôi rất biết ơn các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải về những đề xuất của họ nhằm giải quyết cuộc xung đột này. Nga chắc chắn sẵn sàng xem xét các ý tưởng và sáng kiến của các thành viên", ông Putin nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, trật tự thế giới đa cực đã chính thức xuất hiện.
"Ngày nay, khi thế giới đang trải qua những thay đổi nhanh chóng và không thể đảo ngược, vị thế chủ động của SCO trong các vấn đề quốc tế là rất cần thiết. Một thế giới đa cực đã trở thành hiện thực", ông Putin nhấn mạnh.
"Chúng tôi tin rằng cùng với BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là trụ cột của trật tự thế giới mới nổi. Hai tổ chức này đóng vai trò là động lực mạnh mẽ đằng sau các quá trình phát triển toàn cầu và những nỗ lực nhằm đảm bảo tính đa cực thực sự", ông chủ Điện Kremlin nói thêm.
Tổng thống Putin ngày 13/6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi quân sự hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.
Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".
Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga luôn sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine, thậm chí ngay ngày mai, nhưng các bên cần nghiên cứu đề xuất hòa bình của Moscow.
Chủ nhân Điện Kremlin cho biết, Nga chưa bao giờ bác bỏ ý tưởng đàm phán. "Như tôi đã nói, chúng tôi không phải bên từ chối đàm phán. Chính Ukraine đã tự cấm mình đàm phán. Không phải chúng tôi", ông cho hay.
Chính quyền Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định Moscow vẫn để ngỏ đàm phán với Ukraine, song Kiev không có thiện chí khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với Nga. Do vậy, để nối lại hòa đàm, Kiev trước tiên phải hủy bỏ sắc lệnh đó và chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ".
Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý.
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố tiếp tục coi công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra là nền tảng cho mọi cuộc hòa đàm, trong đó có việc Nga phải rút quân vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine, bồi thường thiệt hại. Moscow coi những yêu cầu này là "không thực tế".