Người Palestine ở Khan Younis, phía nam Dải Gaza biểu tình vào tối 6-12 phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS
Đi cùng với quyết định này là việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv về Jerusalem. Với giới quan sát, đây được coi là một sự đảo ngược nguy hiểm đối với tương lai của tiến trình hòa bình Trung Đông, đẩy khu vực này trở lại tình trạng bất ổn.
Trung Đông cảnh cáo
Trong ngày 5-12, ông Trump đã điện đàm với một loạt nhà lãnh đạo Trung Đông gồm Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Nhà vua Jordan Abdullah, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Nhà vua Saudi Arabia Salman.
Ngoại trừ Thủ tướng Israel Netanyahu đương nhiên ủng hộ, các nhà lãnh đạo Trung Đông đồng loạt lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy từ động thái này.
Bất cứ một tuyên bố nào về tình trạng của Jerusalem trước khi có giải pháp sau cùng (cho cuộc xung đột Palestine - Israel) đều sẽ gây tổn hại cho đàm phán hòa bình và làm căng thẳng thêm tình hình trong khu vực" Vua Saudi Arabia Salman | ||
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng động thái của Washington sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực.
Chính quyền Palestine từ lâu tuyên bố cảnh báo quyết định này của Mỹ sẽ triệt tiêu tiến trình hòa bình, kết liễu các nguyên tắc của thỏa thuận hòa bình giữa Palestine - Israel; chấm dứt vai trò của Mỹ như một trung gian hòa giải cho hòa bình ở Trung Đông, bởi Mỹ đã hoàn toàn thiên vị Israel trong cuộc tranh chấp với Palestine.
Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ra tuyên bố: "Chúng tôi cảnh cáo quyết định này. Chúng tôi kêu gọi con em Palestine đứng lên làm thành lũy kiên cố chống lại quyết định bạo ngược này và hãy khuấy động lại cuộc khởi nghĩa Intifada vì Jerusalem".
Các lãnh đạo của Philippines và CH Czech tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán của mình từ Tel Aviv sang Jerusalem, theo đài Channel 1 của Israel. | ||
Trước đó, hôm 4-12, trong cuộc điện đàm với ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "bày tỏ quan ngại về khả năng Mỹ đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô Israel", theo tin từ văn phòng ông Macron.
Một góc Jerusalem - Ảnh: N.HUY
"Nước Mỹ trên hết"
2017 là năm có nhiều dịp nhạy cảm đối với người Palestine. Đó là tròn 100 năm ngày ra đời của "lời hứa Balfour" về việc sẽ cắt đất Palestine cho người Do Thái lập quốc. Đó là tròn 70 năm nghị quyết số 181 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (1947) về việc cắt 53% lãnh thổ Palestine để thành lập Nhà nước Israel và quốc gia này đã ra đời thực sự vào năm sau đó.
Nhưng nghị quyết 181 cũng nêu rõ thành phố Jerusalem đặt dưới sự quản lý quốc tế, không thuộc lãnh thổ Israel.
Năm nay cũng là tròn nửa thế kỷ cuộc chiến tranh tháng 6-1967, khi Israel xâm chiếm một loạt lãnh thổ Ả Rập, rồi sáp nhập trái phép khu Đông Jerusalem vào lãnh thổ của họ, đồng thời tự xưng đó là thủ đô của riêng Israel từ năm 1980.
Sau cuộc chiến tranh ấy, Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết số 242 khẳng định lại Jerusalem không thuộc chủ quyền của Israel. Đó là những dấu mốc đau đớn, thậm chí là hận thù "bầm gan tím ruột" trong lòng người Ả Rập nói chung và Palestine nói riêng.
Nếu Tổng thống Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của riêng Israel, ông ta sẽ "vì nước Mỹ trên hết" mà không đếm xỉa đến cả công pháp quốc tế, thể hiện rõ nhất qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an số 181 và 242!
Đó cũng sẽ là quả bom ông Trump ném vào nỗ lực của chính mình trong việc kiến tạo một liên minh chưa từng có giữa Israel với Ả Rập để nhắm "mục tiêu chung" là Iran. Tham vọng độc đáo này đang có những dấu hiệu manh nha, nhưng sẽ tan thành mây khói nếu tổng thống Mỹ dám đưa ra quyết định gây sốc thực sự này.
Người Palestine có thể chấp nhận những thay đổi, thậm chí là nhân nhượng đau đớn để đạt được nguyện vọng về một quốc gia độc lập. Nhưng Jerusalem là vùng đất thiêng liêng thứ 3 của đạo Hồi, chỉ xếp sau thánh địa Mecca và Madeena ở Saudi Arabia.
Như bình luận của trang al-Arabiya.net ngày 3-12: "Vấn đề Jerusalem không chỉ là chính trị, mà còn là tôn giáo, là dân tộc, là tình cảm thiêng liêng ngàn đời, không chấp nhận mọi sự tranh cãi và đổi chác".
22 năm trì hoãn
Năm 1995, Quốc hội Mỹ ra luật "cần phải công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel" và phải chuyển đại sứ quán Mỹ về đó. Luật này là bắt buộc thi hành, nhưng cho phép Tổng thống có thể trì hoãn thực hiện trong thời gian 6 tháng. Từ đó, các đời Tổng thống Mỹ đều trì hoãn thực hiện bằng việc mỗi năm ký 2 sắc lệnh trì hoãn. Ông Trump cũng đã ký 1 sắc lệnh tương tự hồi tháng 6.