Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chiến đấu hết mình để thu hồi toàn bộ lãnh thổ mà Nga kiểm soát từ năm 2014, trong đó có bán đảo Crimea. Song nỗ lực giành lại lãnh thổ phía đông và nam, chiếm khoảng 20% diện tích đất nước, dường như ngày càng khó thành sau hơn hai năm chiến sự.
Đàm phán chấm dứt xung đột với Tổng thống Nga Vladimir Putin là điều mà ông Zelensky kịch liệt bác bỏ nếu quân Nga còn hiện diện trên lãnh thổ Ukraine. Công chúng Ukraine cũng không chấp nhận để mất lãnh thổ, trong khi ông Putin dường như không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ điều gì ngoài việc Kiev chấp nhận các yêu cầu của Moskva.
Tình hình hiện tại rất bế tắc và nhiều binh sĩ Ukraine tiếp tục thiệt mạng trên chiến trường mỗi ngày, theo giới quan sát. Một lệnh ngừng bắn dường như cũng không phải điều người Ukraine có thể chấp nhận, bởi họ tin điều này chỉ giúp Nga có thêm thời gian củng cố lực lượng cho đợt tấn công tiếp theo.
Sự ủng hộ từ phương Tây với Ukraine cũng đang suy giảm. Hỗ trợ từ Mỹ đã đình trệ suốt nhiều tháng qua, khi đảng Cộng hòa ở quốc hội chặn gói viện trợ bổ sung 60 tỷ USD cho Kiev.
Tiêm kích F-16 mà phương Tây cung cấp cho Ukraine chỉ có thể bắt đầu tham chiến vào cuối năm, song với số lượng hạn chế. Điều này đồng nghĩa các chiến đấu cơ hiện đại này khó có thể thay đổi cuộc chơi. NATO vẫn kiềm chế hỗ trợ Ukraine, vì lo ngại gây ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa liên minh và Nga.
"Ông Zelensky có thể làm gì để thoát khỏi tình trạng này? Tôi cũng không biết. Và tất nhiên, nó khiến tôi thấy lo ngại", một nghị sĩ Ukraine giấu tên cho hay.
Khó khăn lớn nhất với ông Zelensky là kiềm chế kỳ vọng của chính đất nước mình. Sự ủng hộ dành cho ông vẫn ở mức cao, nhưng sau hai năm xung đột với thương vong nặng nề, "tình đoàn kết đang rạn nứt", theo một nhà ngoại giao phương Tây ở Kiev.
Tymofiy Mylovanov, giáo sư tại Trường Kinh tế Kiev và từng là bộ trưởng trong chính phủ Ukraine, cho biết cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm. "Đây là điều không ai mong muốn, nhưng khi ai đó nói rằng xung đột có thể kéo dài cả thập kỷ, không ai phản đối", Mylovanov nói.
Nếu trong thời bình, Tổng thống Zelensky sẽ đối mặt cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay. Song thiết quân luật được ban bố sau khi xung đột bùng phát đã cấm tổ chức bầu cử. Một số quan chức Ukraine lo ngại Nga sẽ coi ông Zelensky là lãnh đạo bất hợp pháp khi nắm quyền lâu hơn nhiệm kỳ 5 năm theo quy định.
Tổng thống Zelensky cũng sẽ phải thực hiện lời hứa của mình về việc khôi phục lãnh thổ Ukraine trở lại biên giới năm 1991, bao gồm bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập 10 năm trước.
"Những người thông minh đều hiểu điều đó không thực tế", nhà lập pháp Ukraine nói, thêm rằng giới lãnh đạo Kiev cần phải "điều chỉnh giọng điệu này vào lúc nào đó".
Sự bi quan về cơ hội chiến thắng của Ukraine trên chiến trường gia tăng trong những tháng gần đây, khi lực lượng Nga giành lại thế chủ động, trong khi Kiev rơi vào tình thế thiếu vũ khí và nhân lực nghiêm trọng.
Ukraine đã phải dựa vào nguồn viện trợ vũ khí quan trọng từ các nước phương Tây để chiến đấu, nhưng chúng đang ngày càng khan hiếm. Chính phủ Ukraine cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự, khi yêu cầu tuyển thêm quân khiến xã hội chia rẽ.
Kiev đang chuẩn bị cho khả năng mất viện trợ từ Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson gần đây nói rằng gói viện trợ 60 tỷ USD có thể được bỏ phiếu vào tuần này, nhưng dự kiến phải sửa đổi một số mục như hỗ trợ tài chính dưới dạng khoản vay. Điều này có thể làm tăng thêm khoản nợ vốn đã chồng chất của Ukraine.
Ngay cả khi viện trợ được duyệt sớm, sự chậm trễ vừa qua đã gửi tín hiệu rõ ràng tới Ukraine rằng những hỗ trợ trong tương lai không đảm bảo, đặc biệt khi Mỹ bầu cử tổng thống năm nay. Quan chức Ukraine cũng lo ngại châu Âu không thể bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Mỹ, đặc biệt là đạn pháo và tên lửa phòng không, hai loại mà Ukraine cần nhiều nhất.
Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đang tăng cường sản xuất trong nước, song đến nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Lực lượng Nga hiện pháo kích nhiều gấp 6 lần so với Ukraine dọc theo chiến tuyến.
"Chúng tôi đã nửa năm không có thêm đạn rồi", một quan chức cấp cao Ukraine nói. "Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng vậy thì sao? Còn lựa chọn nào khác ư? Nếu các đối tác đã hứa cung cấp đạn dược cho chúng tôi mà không làm như vậy, tình hình chắc chắn sẽ tệ đi. Tuy nhiên, hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế cũng sẽ xấu đi".
Một năm trước, Ukraine vẫn cảm thấy lạc quan khi chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phản công lớn với xe tăng và phương tiện chiến đấu mà phương Tây cung cấp. Song cuộc phản công đó không mang tới bước đột phá như mong đợi, khiến chính giới lãnh đạo Ukraine và nhiều đồng minh phương Tây thất vọng.
Ukraine đã tăng cường tập kích vào sâu lãnh thổ Nga, nhắm mục tiêu cơ sở hạ tầng quân sự và hậu cần như kho dầu. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine chịu áp lực lớn dọc theo chiến tuyến và gần đây bị quân Nga đẩy lùi ở nhiều khu vực.
"Ukraine không còn đủ nguồn lực để thực hiện một cuộc phản công khác. Có hai kịch bản có thể xảy ra. Một là họ nhận được viện trợ để duy trì phòng tuyến. Hai là không có đủ hỗ trợ cần thiết và họ phải tự bảo vệ mình với nhân lực ngày càng ít", một đại sứ phương Tây cho hay.
Đại sứ này thêm rằng nếu Ukraine năm nay phải đối mặt các cuộc tấn công của Nga trong bối cảnh thiếu hỗ trợ, họ sẽ hứng chịu thương vong nặng nề và mất thêm lãnh thổ.
"Ukraine và các đối tác sẽ phải chuẩn bị tinh thần rằng 2025 sẽ là năm xung đột tiếp tục, thay vì đàm phán hòa bình", đại sứ phương Tây nói. "Nếu phương Tây muốn hòa bình, họ không chỉ cần đáp ứng nhu cầu hiện tại của Ukraine mà còn tận dụng năm nay để cung cấp cho Kiev mọi thứ cần thiết nhằm chuyển sang chế độ tấn công và đạt bước tiến đáng kể trong năm 2025".
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Ukraine cũng phải tự tìm cách đáp ứng một số nhu cầu của họ. Các chỉ huy chiến trường đã báo cáo tình trạng thiếu quân dọc tiền tuyến, đặc biệt là lực lượng bộ binh. Họ đang thúc đẩy cuộc huy động quân quy mô lớn nhưng ông Zelensky vẫn ngần ngại, ngay cả khi Moskva được cho là có kế hoạch tuyển thêm 300.000 tân binh.
Tổng thống Zelensky gần đây ký dự luật hạ tuổi nhập ngũ xuống 25, song cho biết việc huy động khoảng 500.000 quân như đề xuất sẽ không xảy ra. Một nhà ngoại giao phương Tây ở Kiev cho rằng chính phủ của ông Zelensky và quốc hội Ukraine đang đùn đẩy trách nhiệm về huy động quân, bởi chính sách này nhiều khả năng sẽ không được người dân ủng hộ. Nhiều người Ukraine trong tuổi nhập ngũ hiện ngần ngại đăng ký gia nhập quân đội và chiến đấu ở tiền tuyến.
"Không ai muốn chịu trách nhiệm về nó, nhưng nó sẽ phải được thực hiện. Ý tôi là bạn không thể tiếp tục đùn đẩy. Tôi nghe nói nhiều binh sĩ ở tiền tuyến không còn đủ sức gắng gượng. Nếu họ về hậu phương nghỉ phép và thấy những chàng trai trẻ không muốn ra chiến trường, họ sẽ thấy bực bội. Những căng thẳng trong xã hội cũng sẽ gia tăng", nhà ngoại giao này nói.
Nhưng nếu tiến hành huy động quân quy mô lớn, Ukraine sẽ đối mặt nhiều thách thức kinh tế. Tiền lương cho binh sĩ không thể lấy từ viện trợ nước ngoài và một số ngành sản xuất đang thiếu lao động. Nền kinh tế Ukraine đang chịu áp lực từ những cuộc tấn công liên tục vào hạ tầng năng lượng, điều đó cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi.
Câu hỏi đặt ra là Ukraine sẽ chịu đựng được thêm bao lâu. Nhà lập pháp Ukraine cho biết nước này sẽ không thể tồn tại như vậy trong 10 năm nữa. Tuy nhiên, một số người khác cảnh báo cuộc chiến có thể kéo dài thêm nhiều năm.
"Không ai muốn nhượng bộ lãnh thổ, nhưng mọi người cũng hiểu rằng lấy lại lãnh thổ có thể mất nhiều thời gian hơn", giáo sư Mylovanov nói.
"Mọi người đều muốn có giải pháp nhanh chóng, nhưng họ đều hiểu rằng điều đó là không thể", quan chức cấp cao Ukraine thừa nhận.
Theo Washington Post, AFP, Reuters