Tăng trưởng kinh tế của Nga vẫn duy trì ở mức cao trong tháng 3, thậm chí còn tăng tốc nhẹ. Theo hãng thông tấn RIA Novosti, trong đánh giá "Về tình hình hiện tại của nền kinh tế" của Bộ Phát triển Kinh tế Nga mới được công bố, tăng trưởng GDP của Nga trong tháng 2 năm nay đã tăng lên 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng kinh tế Nga trong tháng 1 là 4,6%.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga vào tháng 2/2024 đạt mức thấp lịch sử là 2,8%, theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Nga Rosstat. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng đây là một trong những chỉ số quan trọng nhất về tình trạng của nền kinh tế nói chung.
Theo ông Putin, nền kinh tế Nga không bị đặt vào tình trạng chiến tranh, bất chấp những khó khăn hiện nay. Tổng thống Putin khẳng định trong điều kiện hiện nay, Nga đang tập trung nỗ lực, nguồn lực hành chính và tài chính vào phát triển công nghiệp quốc phòng, nhưng chúng được kết nối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Putin thừa nhận nền kinh tế Nga sẽ thiếu nhân lực trong những năm tới: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng trước những thách thức về nhân khẩu học trong những năm tới, nền kinh tế Nga sẽ có nhu cầu cao và thậm chí thiếu nhân lực, điều này là hoàn toàn chắc chắn, chúng ta phải hiểu điều này. Chúng ta sẽ chung sống với điều này trong những năm tới”.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo trong giai đoạn 2024 - 2025, tăng trưởng GDP của nước này là 2,3%, trong khi năm 2026 là 2,2%. Năm 2023, nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,6%.
Theo Rosstat, tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã tăng tốc trong tháng 2 lên 8,5% so với cùng kỳ, vượt đáng kể dự báo của các nhà phân tích và dự báo của thị trường là 5,6%.
Chỉ số PMI (Chỉ số Quản lý Sức mua - đo lường hoạt động sản xuất và dịch vụ của một quốc gia hoặc khu vực) của Nga cũng tăng trong tháng 2 lên mức 54,7, so với mức 52,4 trong tháng 1, đạt mức tăng lớn nhất trong 13 năm.
Trong khi đó, nợ nước ngoài của Nga đã giảm đều đặn và ở mức 326,6 tỷ USD vào tháng 12/2023, so với 383,6 tỷ USD vào cuối năm 2022. Nợ nước ngoài thấp có nghĩa là Nga không cần khai thác thị trường vốn quốc tế nên không dễ bị tổn thương trước bất kỳ hình thức trừng phạt nào liên quan phát hành trái phiếu.
Cùng với thặng dư tài khoản vãng lai mạnh mẽ nhờ giá dầu cao, lên tới 5,2 tỷ USD trong tháng 2 năm nay (tháng 1 là 4,5 tỷ USD), Nga có thể tự trang trải dễ dàng từ khoản lợi nhuận này.
Đồng thời, tổng dự trữ quốc tế đã tăng lên và hiện ở mức khoảng 600 tỷ USD vào cuối quý 1/2024. Một nửa số dự trữ này đã bị đóng băng ở phương Tây.
Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, năm 2023 là một năm tăng trưởng mạnh của nền kinh tế nước này: sản xuất công nghiệp tăng 3,5%, thất nghiệp giảm còn 3%, tổng đầu tư năm 2023 tăng gần 10% - một con số kỷ lục trong 12 năm gần đây, thu ngân sách liên bang tăng gần 5%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Nga nằm trong Top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới về sức mua tương đương.
Về phía Ukraine, theo Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Yulia Svyrydenko, nền kinh tế Ukraine đã tăng trưởng 5% vào năm 2023, tốt hơn nhiều so với kỳ vọng, sau khi giảm đáng kể 28,8% vào năm 2022.
Quá trình phát triển này được mô tả là "tăng trưởng phục hồi", trong bối cảnh Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) đưa ra bản tóm tắt toàn diện về tác động tàn phá của xung đột đối với nền kinh tế nước này, nhấn mạnh mức sụt giảm 30% GDP do cuộc chiến với Nga. Ukraine cũng chứng kiến một cuộc khủng hoảng di cư đáng kể, khi nhiều người Ukraine buộc phải di tản, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát.
Andriy Pishnyi, Giám đốc NBU, nhấn mạnh rằng Ukraine phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ tài chính quốc tế do tình hình kinh tế khó khăn trầm trọng khi nước này giảm 1/3 GDP và mất 20% diện tích lãnh thổ.
Trong năm 2024, Chính phủ Ukraine dự kiến mức tăng trưởng GDP là 4,6%, kèm theo mức gia tăng đáng kể về đầu tư và thương mại. Đáng chú ý, lĩnh vực quốc phòng nổi lên như một động lực then chốt của hoạt động kinh tế vào năm 2023, đóng góp đáng kể vào hiệu quả kinh tế chung.
Tuy nhiên, bất chấp quỹ đạo tăng trưởng tích cực, lĩnh vực xuất khẩu của Ukraine phải đối mặt với những thách thức với giá trị xuất khẩu giảm rõ rệt, dự báo sẽ tác động đến hoạt động kinh tế và có khả năng làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2024. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng suy thoái, khi nhiều doanh nghiệp dự báo kết quả kinh tế bất lợi do những thách thức về hậu cần và chi phí hoạt động tăng cao.
Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tình trạng giao tranh sẽ kéo dài trong năm 2024, xuất khẩu và đầu tư phục hồi khiêm tốn trong năm tiếp theo và tùy thuộc vào ổn định địa chính trị. Tuy nhiên, Ngân hàng này nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng có thể sẽ vẫn ở mức thấp so với mức trước đại dịch.
Trong bối cảnh những thách thức kinh tế này, lĩnh vực ngân hàng đã có các khoản nợ xấu tăng, chủ yếu do xung đột ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp và suy thoái kinh tế trên diện rộng. Xu hướng này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến vốn hóa của các công ty nông nghiệp vốn đã sụt giảm đáng kể trong quý cuối cùng của năm 2023.
Hiện Ukraine đang cạn kiệt ngân sách, nhân lực và cả đạn dược cho tiền tuyến. Kể từ khi nguồn cung viện trợ từ Mỹ bị đình trệ tại Quốc hội hồi tháng 1 năm nay và Nga giành quyền kiểm soát Avdiivka vào ngày 17/2, Kiev đã mất thế chủ động trong cuộc chiến.
Trong 2 tháng đầu năm nay, Ukraine chỉ nhận được 10% số tiền mà các đối tác đã cam kết và toàn bộ số tiền đó đều đến từ Nhật Bản. Đến tháng 3, tiền được chuyển đến nhưng không đủ bù đắp số thiếu hụt. Ukraine đang thâm hụt tài khoản vãng lai khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng mà nước này không thể xử lý.
EU đã ký kết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro trong 4 năm để giúp Ukraine và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã chuyển 800 triệu USD. Ukraine cũng đang trông cậy vào 10 tỷ USD viện trợ từ Mỹ vào năm 2024 và quyết định của EU về việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga (3 tỷ euro) cho Kiev. Tờ Kiev Independent ngày 8/4 dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nếu không có tiền viện trợ từ Mỹ thì Ukraine có thể thua trong cuộc chiến.
Một vấn đề đau đầu khác là hoạt động thương mại qua biên giới Ba Lan vẫn bị chặn. Một thỏa thuận đang được thực hiện để gia hạn quyền tiếp cận tự do vào EU, nhưng các hạn chế “phanh khẩn cấp” sẽ được áp dụng lại đối với các sản phẩm chính như trứng, thịt gà và mật ong.
Cuộc tranh cãi này cho thấy hỗ trợ từ EU dành cho Ukraine bị hạn chế do EU cũng nỗ lực bảo vệ thị trường nội bộ của các quốc gia thành viên.