Người lao động tìm hiểu thông tin, tư vấn XKLĐ ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh.
Cách đây không lâu, qua mạng internet, anh H.P.M (ở xã Phúc Trạch, Hương Khê) bắt gặp những dòng quảng cáo tuyển dụng đi XKLĐ và du học ở các nước Đức, Ba Lan, Nhật Bản, Đài Loan của Công ty T.H.A (trụ sở đóng tại TP Vinh, Nghệ An) nên đã trực tiếp liên hệ để được tư vấn đi XKLĐ. Sau khi được tư vấn đi XKLĐ ở Đức làm nghề đầu bếp nhà hàng với thu nhập gần 70 triệu đồng/tháng, chi phí ban đầu 25.000 USD, anh H.P.M đã tìm đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh để xác minh. Tại đây, anh nhận được câu trả lời: Công ty T.H.A không có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
“Nếu tôi không đến Sở LĐ-TB&XH để hỏi thông tin về đơn hàng, chức năng của Công ty T.H.A thì nguy cơ tôi bị lừa XKLĐ là rất lớn” - anh H.P.M cho hay.
Hiện trên các trang mạng internet, người dân dễ dàng bắt gặp những dòng quảng cáo tuyển dụng XKLĐ với nhiều thông tin hấp dẫn như: Xuất cảnh nhanh, việc làm ổn định, lương cao, chi phí thấp, không đòi hỏi trình độ tay nghề cao, ngoại ngữ, sức khỏe... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, thực chất đây là những thông tin không trung thực, thậm chí có tính chất lừa đảo. Bởi, người lao động muốn đi XKLĐ phải đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe, ngoại ngữ, kỹ năng nghề, hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán nước đến làm việc… Một số cá nhân, tổ chức không có chức năng XKLĐ cũng công khai hoặc lén lút tuyển người có nhu cầu đi XKLĐ rồi thu tiền môi giới, vé máy bay, phí đào tạo.
Tin theo lời môi giới đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản, anh Nguyễn Doãn Đức (SN 1989, ở xã Thạch Sơn, Thạch Hà) cùng 10 lao động Hà Tĩnh bị lừa với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, một số cá nhân, tổ chức đã thành lập các công ty cung ứng lao động, trung tâm đào tạo nghề hoặc mượn danh pháp nhân, mạo danh các doanh nghiệp có chức năng về XKLĐ để hoạt động lừa đảo. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều lao động tin vào những lời môi giới đi XKLĐ, bị lừa đảo dẫn đến nợ nần. Có doanh nghiệp đã đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại bằng visa du học hoặc du lịch; nếu đi theo con đường này sẽ không ai có giấy phép lao động hợp pháp, nhất là khi bị nước sở tại truy quét thì người lao động sẽ bị phạt tiền, bắt giữ và bị trục xuất về nước.
Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Thời gian tới, sở sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp, văn phòng tư vấn việc làm, XKLĐ hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu cá nhân, doanh nghiệp không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực này thì sẽ thông tin để các cơ quan điều tra vào cuộc xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ, bảo vệ quyền lợi người lao động, rất cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để phổ biến thông tin pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, thông tin doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, thị trường lao động, mức chi phí…”.