“Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”
Sáng tháng 5, trong không khí cả nước tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi trở lại quê hương Anh hùng Phan Đình Giót. Mỗi bước chúng tôi đi như chạm vào ký ức hào hùng của mảnh đất yêu thương. Mỗi người mà chúng tôi gặp, câu chuyện nào cũng gợi lại hình ảnh về cuộc đời của người anh hùng đã hy sinh anh dũng khi mới 32 tuổi.
Theo ông Phan Đình Thuyết (78 tuổi), dòng họ Phan Đình ở vùng quê Vĩnh Yên, xã Tam Lộng, tổng Mỹ Duệ (nay là thôn Vĩnh Phú, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) đến nay có 11 đời, ông tổ là Phan Đình Tô (phần mộ nay ở xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên), Anh hùng Phan Đình Giót là hậu duệ đời thứ 7. Năm lên 3 tuổi, cha của Phan Đình Giót là ông Phan Đình Tặng qua đời.
Thương mẹ tảo tần nuôi mình và em trai, Phan Đình Giót đã xin đi ở đợ cho địa chủ ở làng Vĩnh Yên. Sau đó, ông lập gia đình với bà Ran, một người con gái trong làng. Hai người có được 1 người con nhưng đứa bé đã không qua khỏi cảnh cơ hàn. Tưởng chừng như tất cả những điều đó sẽ nhấn chìm lẽ sống của ông nhưng khi đất nước lâm nguy, ông đã quên niềm riêng, quyết chí trả thù cho đất nước. Ban đầu, Phan Đình Giót tham gia dân quân tự vệ xã, rồi đi bộ đội vào tháng 7/1950, tham gia một loạt chiến dịch lớn như: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc... Chiến dịch nào cũng lập công xuất sắc.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc ấy, Phan Đình Giót là Tiểu đội phó Tiểu đội bộc phá, thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 đã cùng đồng đội hành quân cấp tốc lên Tây Bắc, vượt qua 500 km đường rừng, qua nhiều đèo cao vực thẳm với “lòng quyết tâm còn cao hơn núi”, vừa hành quân vừa mở đường. Đúng 17h ngày 13/3/1954, được chi viện 80 khẩu pháo và súng cối, Đại đoàn 312 đồng loạt tấn công vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tiểu đội của Phan Đình Giót có nhiệm vụ dùng bộc phá mở cửa, tạo điều kiện cho quân ta đánh chiếm mục tiêu số 2 của địch. Kẻ thù chống trả quyết liệt, ta và địch giành giật với nhau từng mét hàng rào. Phan Đình Giót đánh đến quả bộc phá thứ 9 thì bị thương ở đùi nhưng vẫn nén đau, lao lên đánh quả thứ 10. Vết thương chảy máu nhiều làm ông lịm đi và được đưa về sau băng bó. Thấy địch tập trung hỏa lực cản đường tiến của quân ta, đồng đội bị thương nhiều, vũ khí bị vùi lấp, tình thế vô cùng nguy nan, Phan Đình Giót sôi sục ý chí tiến lên. Anh ép mình xuống sát đất rồi nhích dần, nhích dần về phía hỏa lực địch.
Đạn trong lô cốt địch bắn ra sáng rực cả màn đêm. Anh nhoài người lên đánh tiếp 2 quả bộc phá, phá toang hàng rào cuối cùng. Bọn địch tập trung hỏa lực bịt bằng được cửa mở. Lợi dụng góc chết, Phan Đình Giót tiêu diệt lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho bộ đội ta tiến lên. Lúc này, anh bị thương ở vai, máu chảy đầm đìa, hỏa lực lô cốt số 3 bắn xối xả vào đội hình của ta. Quân ta không tiến được. Phan Đình Giót dùng hết sức bình sinh, nâng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân!” rồi vươn người dậy lấy đà, lao cả thân mình vào bịt lỗ châu mai.
Hỏa điểm lợi hại nhất của địch bị dập tắt. Bộ đội ta thừa thắng xông lên tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Him Lam. Lúc đó là 22h30’ ngày 13/3/1954. Phan Đình Giót hy sinh ở tuổi 32. Anh là 1 trong 16 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương thành tích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ngân vang hào khí trên quê hương người anh hùng
70 năm đã trôi qua nhưng câu chuyện về người anh hùng vẫn còn được lớp người sau kể lại với tất cả niềm tự hào, cảm phục và biết ơn. Tại Trường TH&THCS Phan Đình Giót, câu chuyện về tấm gương hy sinh dũng cảm của người anh hùng luôn được cô và trò ở đây ôn lại trong phòng truyền thống, trên tượng đài liệt sĩ xã và trong từng buổi chào cờ, lên lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Phan Đình Giót cho biết: “Nhà trường đề cao việc giáo dục truyền thống bằng cách tổ chức phong trào thi đua học tốt, dạy tốt, rèn luyện mọi mặt và các hoạt động chăm sóc tượng đài liệt sĩ, thi tìm hiểu về lịch sử, vẽ tranh, phấn đấu trở thành “chiến sĩ nhỏ Điện Biên”… Năm học 2023-2024, nhà trường có 3 em đạt giải học sinh giỏi tỉnh, 2 giáo viên giỏi tỉnh và 26 giáo viên giỏi huyện. Hiện nay, Trường TH&THCS Phan Đình Giót là 1 trong 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 của tỉnh, được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen”.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan sôi nổi kể về những hoạt động tri ân của thế hệ trẻ với lớp cha anh đã ngã xuống cho quê hương yên bình. Không chỉ dịp 27/7, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, địa phương đều huy động các em học sinh, ĐVTN chăm lo vệ sinh khu vực tượng đài liệt sĩ. Đây cũng là nơi diễn ra các lễ kết nạp đoàn viên, đội viên. Vừa qua, Hội đồng Đội tỉnh, Tỉnh đoàn đã tổ chức chương trình tuyên dương “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” tại đây. Sắp tới, vào ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, UBND xã Cẩm Quan sẽ tổ chức lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ và Anh hùng Phan Đình Giót.
“Làm gì để quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là điều chúng tôi luôn trăn trở. Với một xã bán sơn địa có diện tích rộng gần 60 km2, 7.823 nhân khẩu, sức dân có hạn, chúng tôi luôn phải tính toán những việc thật cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Với sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, năm 2023, xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao và đang phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Toàn xã hiện có 6/9 thôn đã “về đích” khu dân cư kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 51 triệu đồng”, ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan chia sẻ.
Chúng tôi đến thăm công trường thi công Khu lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót - công trình đang được xây dựng từ tấm lòng tri ân của đồng bào cả nước thông qua kết nối của Bộ TN&MT, UBND tỉnh và Tỉnh đoàn. Công trình bao gồm các hạng mục: nhà thờ thiết kế 3 gian bằng gỗ, nhà đón tiếp - trưng bày, sân vườn, cải tạo cảnh quan giếng làng, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác với tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Công trình nhằm tri ân, tưởng niệm 70 năm ngày Anh hùng Phan Đình Giót hy sinh. Khi khu lưu niệm hoàn thành, Cẩm Quan sẽ là điểm tham quan, du lịch, giáo dục truyền thống của cả nước.
Chia tay Cẩm Quan, lòng chúng tôi dâng lên một niềm vui khôn tả. Miền quê ngày nào còn nghèo khó, nay đã giàu đẹp, tràn sức sống. Mỗi con đường, hàng tre, cánh đồng lúa vẫn còn lưu dấu bước chân người con thân yêu. Và mỗi khi “những buổi ngày xưa vọng nói về”, niềm xúc động khiến chúng ta đều tự biết phải làm gì để xứng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.