Người di cư ở Italy. (Nguồn: Getty Images)
Giới chức Italy nhấn mạnh đây là một trong những chiến dịch truy quét các đối tượng buôn người di cư lớn nhất từ trước tới nay.
Theo thông báo, trong 10 đối tượng bị bắt giữ và bị cáo buộc tội danh buôn người từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2014 có một người đàn ông 37 tuổi người Ai Cập bị tình nghi là kẻ cầm đầu đường dây.
Vụ bắt giữ nói trên nằm trong chiến dịch truy quét được cảnh sát triển khai tại 4 tỉnh miền Bắc Italy trong tuần này.
Cùng ngày, trong diễn biến khác liên quan, Tổ chức cứu trợ nhân đạo Bác sỹ không biên giới (MSF) cho biết đã phát hiện 21 thi thể nữ giới và một thi thể nam giới trong khoang chứa chất đốt của một con thuyền nhỏ đang trôi dạt gần bờ biển Libya ngày 20/7, chỉ vài giờ sau khi những người này khởi hành tới Italy.
Người phụ trách sứ mệnh tìm kiếm và giải cứu người di cư của MSF Jens Pagotto nhấn mạnh đây thực sự là một “thảm kịch” với những cái chết thương tâm. Ông cho rằng các nạn nhân đã thiệt mạng sau khi bị ngạt khói do nước tràn vào khoang chứa chất đốt.
Con thuyền nói trên là một trong số 2 con thuyền được tàu tuần tra khu vực Địa Trung Hải MV Aquarius của MSF phối hợp với tàu hải quân Italy tới ứng cứu và nỗ lực giải cứu an toàn cho 209 người, trong đó có 50 trẻ em. Những người còn sống, hầu hết tới từ các quốc gia Tây Phi như Nigeria và Guinea, đang được đưa tới đảo Sicily (Xi-xin) của Italy cùng với 22 thi thể nói trên dưới sự chăm sóc của một nhóm chuyên gia y tế. Dự kiến, tàu chở những người này sẽ cập cảng Trapani ở Sicily vào ngày 22/7.
Giới chức Italy thông báo số lượng người di cư rời Lybia trong tuần này chen chân trên những con tàu đông đúc nhằm tìm kiếm một cuộc sống tươi đẹp hơn ở châu Âu đã tăng vọt do các đối tượng buôn người lợi dụng biển lặng gió và thời tiết mùa Hè thuận lợi để đưa người di cư vượt biển.
Theo thống kê, chỉ riêng trong ngày 19/7, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã giải cứu được hơn 2.500 người và phát hiện một nạn nhân đã tử vong. Một ngày sau đó, có gần 600 người được giải cứu an toàn. Theo tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), kể từ đầu năm 2016 đến ngày 18/7 vừa qua, đã có tới 79.861 người tìm cách tới Italy bằng đường biển, song có gần 3.000 người thiệt mạng hoặc mất tích trên khu vực Địa Trung Hải./.