Tấn công nhanh
Nguồn tin này cho biết, tham gia cuộc tập trận các binh sĩ trung đoàn đặc công dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Binh đoàn 525 Quân đội Nhân dân (KPA) và Binh đoàn Không quân-Phòng không 323. "Tổng tư lệnh tối cao Kim Jong un đã nghe báo cáo về chương trình tập trận và ban hành lệnh khởi động từ đài giám sát", theo KCNA.
Để tổ chức cuộc tập trận này, Triều Tiên đã huy động hàng chục máy bay vận tải hạng nhẹ bay rợp bầu trời, lính nhảy dù xuống mặt đất tấn công mục tiêu giả định của kẻ thù.
Chứng kiến màn diễn tập thiện chiến của các binh sĩ, nhà lãnh đạo Kim Jong Un hài lòng cho biết các sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ đặc công đã đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác ngay từ lúc nhảy dù khỏi các trực thăng vận tải xuống mặt đất để tấn công, phá hủy nhanh gọn mục tiêu địch.
Triều Tiên diễn tập tấn công nhanh. |
KCNA cho biết: "Nhìn các chiến sĩ dũng cảm phá tan mục tiêu kẻ thù, Tổng tư lệnh tối cao vui mừng cho biết các sĩ quan chỉ huy đã đưa ra quyết định đúng đắn, đồng thời cho biết từng chiến sĩ đã độc lập thực hiện tốt nhiệm vụ và gợi nhớ truyền thống quả cảm của cha ông vượt qua rặng núi biên giới phía Nam".
Sau khi quan sát một khẩu súng trường tự động bắn đạn thật của Binh đoàn 525, ông Kim Jong Un cho biết các viên đạn rất chính xác và chúng không để trật mục tiêu.
Trước khi thực hiện cuộc tập trận lần này, Triều Tiên cũng thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự cấp quốc gia với sự tham gia của cả 3 quân chủng Hải - Lục - Không quân và bộ đội đặc chủng. Trong các cuộc diễn tập đó, ngoài các vũ khí hiện đại, đã nhiều lần Bình Nhưỡng sử dụng các phương tiện tác chiến phi đối xứng độc đáo.
Theo truyền thông Hàn Quốc, loại vũ khí phi đối xứng đầu tiên mà Triều Tiên sẽ sử dụng là dùng đòn tiến công không cảnh báo trước, bí mật đổ bộ, đồng thời gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh của toàn bộ máy bay và tàu chiến của Hàn Quốc. Hạt nhân trong chiến lược này là các loại bom xung mạch điện từ.
Vũ khí công nghệ cao
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã từng xác nhận, trong khoảng thời gian tháng 8/2010 khi Mỹ - Hàn tổ chức cuộc diễn tập "Vệ sĩ tự do Ulchi", lần đầu tiên Triều Tiên đã chủ động sử dụng phương thức tác chiến gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh GPS, cho đến nay, họ đã đẩy mạnh thêm một bước việc phát triển phương thức tác chiến này.
Theo phân tích của cơ quan tình báo Mỹ - Hàn, các thiết bị gây nhiễu GPS của Triều Tiên chủ yếu gồm có 2 loại, có xuất xứ từ Nga.
Loại thứ nhất là thiết bị gây nhiễu đặt trên xe cơ động, được nhập khẩu từ Nga năm 2010, có thể phá hoại các tín hiệu vệ tinh GPS trong phạm vi từ 50 - 100km. Loại thứ 2 chính là phiên bản nội hóa thiết bị trên của Nga, một số thiết bị công suất cao đã được Triều Tiên nâng phạm vi tác chiến lên khoảng trên 400km.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng có khả năng tấn công Hàn Quốc bằng bom xung mạch điện từ (EMP). Loại bom này sẽ công phá các lưới điện, làm nổ tung các thiết bị điện tử gây ra những tổn thất rất nghiêm trọng, mà hiện khả năng phòng thủ đối với EMP của các thiết bị chỉ huy, điều khiển của quân đội Hàn Quốc rất yếu kém.
Để đối phó với kịch bản này, quân đội Hàn Quốc triển khai các thiết bị chống bom xung mạch điện từ tại các boongke ngầm của Tổng thống, của các quan chức Chính phủ chủ chốt, phụ trách chỉ huy trong thời chiến và các công trình ngầm của cả 3 quân chủng hải - lục - không quân tại Gyeryong.
Tàu ngầm mini
Cùng với chiến tranh công nghệ cao, hiện cả Mỹ và Hàn Quốc đang thực sự lo lắng trước lực lượng tàu ngầm cỡ nhỏ của Triều Tiên với chiến thuật sử dụng khó lường của Bình Nhưỡng.
Tàu ngầm cỡ nhỏ có thể tiến hành nhiều hoạt động khác nhau như: Phá hoại các tuyến giao thông trên biển của kẻ địch; vận chuyển lực lượng đặc nhiệm đổ bộ lên bãi biển và hải đảo; trinh sát, vô hiệu hóa các bãi thủy lôi và rải lôi phong tỏa; phá hoại các công trình ở cảng khẩu và các mục tiêu quan trọng khác.
Lực lượng tàu ngầm đông đảo tuy đã quá cũ của Triều Tiên cũng mang lại mối đe dọa rất lớn đối với Hàn Quốc. Hiện theo số liệu đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, Triều Tiên hiện có khoảng hơn 60 tàu ngầm cổ lỗ sĩ, trong đó đa phần là các tàu ngầm mini lớp Sang-O và Una.
Tàu ngầm mini Triều Tiên đặc biệt nguy hiểm trong tác chiến đột nhập đất liền. Nó có thể bí mật tiềm nhập, thả biệt kích lên bờ sau đó quay ra, đến thời gian đã định sẽ quay lại đón. Kích cỡ nhỏ, hoạt động tốt ở các khu vực nước nông giúp nó dễ dàng áp sát bờ tại các khu vực hẻo lánh làm kẻ địch rất khó phòng bị.
Tiêu biểu cho hình thức tác chiến kiểu này là sự kiện ngày 15/09/1996, tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên đã bí mật xâm nhập bờ biển Hàn Quốc thả 3 nhóm lính đặc nhiệm lên bờ tiến hành các hoạt động do thám các căn cứ của Hàn Quốc. Tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên dài 34m, lượng giãn nước 370 tấn khi lặn.
Hai ngày sau, chiếc tàu ngầm này quay lại vị trí ban đầu để thu hồi nhóm lính đặc nhiệm. Nhiệm vụ sắp thành công nhưng không may chiếc tàu ngầm bị mắc cạn nên biệt kích Triều Tiên phải chuyển sang đường bộ nên bị Hàn Quốc phát hiện truy kích.