Trung Quốc công bố thông tin về sứ mệnh Thần Châu-14 và Thần Châu-15

Trung Quốc đã hoàn thành tuyển chọn các phi hành đoàn cho hai sứ mệnh Thần Châu-14 và Thần Châu-15; hai phi hành đoàn này sẽ ở trên quỹ đạo trong 6 tháng và sẽ thay phiên nhau công tác.

Trung Quốc công bố thông tin về sứ mệnh Thần Châu-14 và Thần Châu-15

Tàu Thần Châu 12 được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi ở phía Tây Bắc Trung Quốc, ngày 17/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc ngày 17/4 thông báo đã hoàn thành quá trình tuyển chọn các phi hành đoàn cho hai sứ mệnh Thần Châu-14 (Shenzhou-14) và Thần Châu-15 (Shenzhou-15), đồng thời đang tiến hành các công tác huấn luyện và chuẩn bị liên quan.

Phát biểu họp báo, bà Hoàng Vĩ Phần, trưởng nhóm thiết kế hệ thống phi hành gia trong chương trình tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc cho hay cả hai phi hành đoàn sẽ ở trên quỹ đạo trong 6 tháng và lần đầu tiên, họ sẽ thay phiên nhau công tác, thực hiện yêu cầu có người lưu trú liên tục.

Hai phi hành đoàn, gồm tổng cộng 6 phi hành gia, sẽ sống cùng nhau trên quỹ đạo từ 5 đến 10 ngày.

Theo bà Hoàng Vĩ Phần, phi hành đoàn Thần Châu-14 sẽ phối hợp với trung tâm kiểm soát trên mặt đất để hoàn thành quá trình lắp ráp và xây dựng trạm vũ trụ, cũng như từng bước phát triển cơ sở này từ một trạm vũ trụ 1 module thành một tổ hợp gồm 3 module.

Phi hành đoàn Thần Châu-14 sẽ làm việc trong phòng thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên.

Họ cũng sẽ hợp tác với trung tâm kiểm soát trên mặt đất để thực hiện những công việc như thử nghiệm tổ hợp 2 module, tổ hợp 3 module, các cánh tay cơ khí lớn và nhỏ của trạm vũ trụ .

Bà Hoàng Vĩ Phần cho biết phi hành đoàn Thần Châu-15 sẽ thực hiện một số hoạt động bên ngoài trạm vũ trụ; lắp ráp, kiểm tra và sửa lỗi những thiết bị bên trong các module; điều khiển các cánh tay cơ khí để lắp đặt những thiết bị bên ngoài trạm. Họ cũng sẽ vận hành, quản lý và bảo trì tổ hợp lớn nhất gồm 3 module và 3 tàu vũ trụ.

Cũng theo bà Hoàng Vĩ Phần, cả hai phi hành đoàn sẽ triển khai nhiệm vụ giáo dục phổ cập khoa học và các hoạt động công ích khác, tiến hành những thí nghiệm nghiên cứu khoa học trên quỹ đạo và thử nghiệm kỹ thuật công trình, đồng thời thu thập dữ liệu về nhiệm vụ bay.

Bên cạnh đó, họ cũng sẽ thực hiện công tác theo dõi sức khỏe trên quỹ đạo, các bài tập phòng hộ, huấn luyện và diễn tập trên quỹ đạo, kiểm tra và thử nghiệm nền tảng trạm vũ trụ, bảo trì thiết bị, quản lý trạm và vật tư.

Trước đó, 3 phi hành gia của tàu Thần Châu -13 hôm 16/4 đã trở về Trái Đất sau 183 ngày làm việc trên Trạm vũ trụ Thiên Cung đang được xây dựng.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin tàu vũ trụ Thần Châu-13 với các phi hành gia Trác Chí Cương, Vương Á Bình và Ye Guangfu đã đáp xuống Khu tự trị Nội Mông vào sáng 16/4, kết thúc sứ mệnh kéo dài nhất của một phi hành đoàn Trung Quốc trên vũ trụ từ trước đến nay.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung vào tháng 4/2021. Sau khi hoàn thành, trạm không gian này sẽ hoạt động ở độ cao từ 400-450km so với bề mặt Trái Đất và có thể hoạt động ổn định trong thời gian 10 năm.

Theo kế hoạch, thời gian trung bình cho một chuyến công tác của các phi hành gia trên trạm Thiên Cung là 6 tháng./.

Theo Thành Trung (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.