Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng tài ba của đường Trường Sơn huyền thoại

(Baohatinh.vn) - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023)- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân lại càng ghi nhớ cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng tài ba của đường Trường Sơn huyền thoại

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh Việt Dũng/tuoitre.vn

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Đồng chí mất tháng 4/2019.

Khi mới 15 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng trong các tổ chức hội quần chúng cứu quốc ở trường học và ở xã. 16 tuổi, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi 17 tuổi, đồng chí là Bí thư Chi bộ xã Quảng Trung.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị, chức vụ quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặt biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh. Trong khoảng thời gian đó, bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt của máy bay và bom đạn Mỹ; phải đối mặt với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất, với các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất mà Mỹ, ngụy sử dụng.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng tài ba của đường Trường Sơn huyền thoại

Đoàn xe vận tải hùng hậu và quân đội ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 trên đường Trường Sơn. Ảnh Internet.

Gần 10 năm làm Tư lệnh là quãng thời gian mà Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường với quy mô lớn nhất. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu của mình chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên tất cả, hoàn thành xuất sắc sự chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của 3 nước Đông Dương.

Thời gian làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967 - 1976) cũng là giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng tài ba của đường Trường Sơn huyền thoại

Di tích Sở Chỉ huy tiền phương - Tổng cục Hậu cần, Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê là Di tích cấp Quốc gia. Đây cũng là 1 trong 37 di tích thành phần của hệ thống di tích đường Trường Sơn.

Giai đoạn 1966-1970, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chọn thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) làm căn cứ chiến đấu, tiếp sức cho chiến trường miền Nam; là nơi đặt Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng. Trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường sông dài 600 km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200 km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350 km.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn chủ động xây dựng hệ thống thông tin và tuyến đường xăng dầu Trường Sơn, bảo đảm công tác chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến đầu năm 1971, hệ thống thông tin tải ba đã được bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương, bảo đảm sự chỉ huy từ tổng hành dinh tới tận chiến trường Nam Bộ. Hệ thống điện thoại đã được trang bị cho tất cả cấp đại đội và tương đương, tới các trọng điểm, trạm phẫu thuật… của toàn chiến trường Trường Sơn.

Tuyến đường ống xăng dầu xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400 km cũng được hoàn thành, cùng với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000 m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800 m3/ngày đêm trên một hướng.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng tài ba của đường Trường Sơn huyền thoại

Một số kỷ vật của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại khu di tích ở xã Hương Đô (huyện Hương Khê).

Việc xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã giải quyết cơ bản việc cung ứng xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của bộ đội Trường Sơn, lực lượng vận tải của 2 nước bạn Lào, Campuchia và các lực lượng hành quân trên đường Trường Sơn. Đặc biệt, trong Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng.

Gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hiểu ý nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này trong bảo vệ Tổ quốc. Mong muốn của vị tướng Trường Sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, khắc phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc…

Bởi vậy, năm 1991, dù đã nghỉ hưu nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “Trồng bảo vệ rừng phòng hộ”, tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh.

Tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với chiến trường Trường Sơn huyền thoại, với những chiến thắng lịch sử, chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, giành độc lập dân tộc.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng tài ba của đường Trường Sơn huyền thoại

Để tưởng nhớ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tháng 4/2019, cán bộ, Nhân dân địa phương lập bàn thờ đồng chí tại Khu di tích lịch sử kháng chiến quốc gia Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 ở xã Hương Đô, Hương Khê.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước.

*Bài viết biên soạn theo tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.