Ngày 30/7, Văn phòng Chính phủ có công văn 5197/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về đề xuất thực hiện một số giải pháp thu ngân sách trong năm 2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
PHỦ KÍN ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG LỢI
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất khóa XV, khẩn trương hoàn thiện đề xuất ban hành các văn bản pháp luật phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn về các giải pháp tiếp theo, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, lưu ý lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý. |
Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2021 để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ các giải pháp chính sách hỗ trợ đã thực hiện vừa qua. Trên cơ sở đó, xác định sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung về đối tượng thụ hưởng, nội dung chính sách, thời hạn thực hiện...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai, hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, bảo đảm thời hạn, chất lượng.
KỊP THỜI TIẾP SỨC CHO DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN
Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 lan rộng trên 60 tỉnh thành đang bào mòn sức chống chịu của các doanh nghiệp. Đời sống của phần lớn người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do thu nhập bị giảm sút và mất việc làm gia tăng.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện gian sách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16 ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021.
7 tháng năm nay, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. |
Bên cạnh đó, làn sóng lần thứ 4 ập đến vào quý 2 cũng khiến cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
So với quý trước, dịch đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trước đó, ngày 7/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc.
Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Gói “cứu trợ” 26.000 tỷ được Chính phủ hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.