Nhà văn hóa thôn, nơi ngày trước là thư viện Phúc Giang.
Sống động một vùng di sản
Một ngày trời khá dịu, trên con đường dẫn tôi về Trường Lộc, nắng thu buông nhẹ xua tan dần những ẩm ướt trên các cành cây. Tôi đi giữa âm thanh của cuộc sống đời thường xen lẫn những suy nghĩ mơ hồ trước cảnh núi xa xa, đồng rộng rãi, sông êm trôi. Ở đâu có phong cảnh hữu tình, hài hòa sơn thủy, ở đó “đất phát nhân tài” - những người “thông việc chữ, thạo việc đời” đã nói vậy. Họ còn lý giải mạch phong thủy nơi quê hương Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du với hệ kết nối núi Hồng - sông La, rồi những văn nhân thi sĩ trong Văn phái Hồng Sơn, dòng họ Nguyễn Huy, Phan Huy nức tiếng.
Đầu làng, qua rặng tre bên sông, cổng chào đã được dán băng cờ khẩu hiệu. Cách đó không xa, nhà văn hóa thôn Phúc Giang hiện lên khang trang và tươi mới. Nơi đây, ngày xưa là trường học Phúc Giang, tổ chức dạy học từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX.
May mắn của một chuyến đi, nhiều khi là ở chuyện gặp được người cần gặp. Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Chủ tịch UBND xã vào vai “hướng dẫn viên” khá khéo léo, kể cho tôi: “Làng này (tức là xã ngày nay) xuất hiện cách đây 600 năm. Trước, làng nằm ngoài đồng làng Vạc gần bờ sông, giáp Song Lộc, Phú Lộc sau chuyển về núi Phượng Lĩnh rồi phát triển rộng ra, gắn với sinh cơ lập nghiệp”.
Rồi ông tự hào: “Hiếm có đất nào như Trường Lưu, có đến hai niềm tự hào đóng góp vào di sản thế giới UNESCO. Ngoài Mộc bản Trường học Phúc Giang, mảnh đất này còn là cái nôi của ví phường vải”.
Bia ghi danh những người đỗ đạt được đặt trong đình làng Trường Lưu.
Nghe ông Tuấn nói, tôi chợt nhớ tới Đại thi hào Nguyễn Du. Sinh thời, Nguyễn Du vì hay chữ nên yêu ví phường vải. Đại thi hào đã có mối liên hệ sâu sắc với vùng văn hóa Trường Lưu mà nhiều tư liệu còn lưu lại khá sinh động.
Theo giai thoại, từ thế kỷ XVIII, làng hát Trường Lưu đã hình thành. Chính từ đây đã xuất hiện bài Thác lời trai phường nón của Nguyễn Du để rồi sau đó Nguyễn Huy Quýnh đối đáp bằng Thác lời người con gái phường vải. Có giai thoại còn kể, từ mối đa tình cùng chút trào lộng của nhà nho, Nguyễn Du đã viết Văn tế sống hai cô gái Tràng Lưu. Cũng từ mối quan hệ của những tao nhân mặc khách nên khu vực Hồng Lĩnh đã hình thành một Văn phái Hồng Sơn với 3 tác phẩm tiêu biểu là Truyện Kiều (Nguyễn Du), Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự), Mai Đình mộng ký (Nguyễn Huy Hổ).
Những chi tiết điêu khắc còn lưu lại tại đình làng Trường Lưu
Vừa nói chuyện, ông Tuấn dẫn tôi tham quan những địa chỉ văn hóa. Ông nói: “Mảnh đất này đã có 11 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia”. Quả là từ lâu lắm rồi, tôi mới được xem những di tích còn lưu lại nhiều nét thẩm mỹ và các dấu vết thời gian trên hiện vật.
Những nét chạm trổ rồng chầu, phượng cuốn trên các vì, kèo của đình làng Trường Lưu đủ để toát lên công lao cùng quan niệm thẩm mỹ về “mái nhà chung” ngày trước. Với cha ông là thế! Tất cả mọi việc đều không được phép hời hợt, càng không chấp nhận sự dễ dàng. Như thấu hiểu tâm niệm của đời xưa, người đời sau trong dòng họ Nguyễn Huy đã hầu như không tác động gì thêm lên nhà thờ họ.
“Đoàn khảo sát của UNESCO đến tham quan, họ rất thích những tư liệu trên hiện vật như các chạm khắc, câu đối bằng chữ Hán, những kèo cột giờ đã nứt nẻ, sém góc. Sắp tới, khi xã đón nhận bằng công nhận sẽ tổ chức rước về nhà thờ này. Đây là nơi thờ Nguyễn Huy Oánh - người có công lớn trong xây dựng Mộc bản Trường học Phúc Giang” - ông Tuấn nói.
Nhà thờ Nguyễn Huy Oánh ở thôn Phúc Trường
Điểm tựa văn hóa
Cái gốc của văn hóa cốt ở sự học, cái tươi mới của văn hóa cốt ở đời sống cộng đồng. Trường Lưu đã hội tụ hai yếu tố này như một mối tình bện chặt. Tư liệu viết: Trường học Phúc Giang là nơi đào tạo hơn 30 tiến sỹ và rất nhiều hương cống, cử nhân. Nhiều người trong số họ là các nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao.
Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc chữ Hán ngược dùng để in sách phục vụ việc dạy và học, đã trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy, chứa đựng nhiều thông tin về chính trị - xã hội, tư tưởng - văn hóa, bang giao... Lớp sau noi theo lớp trước, truyền thống hiếu học tuôn chảy thành dòng.
Đông đảo người dân làng Trường Lưu trưng bày chuyên đề “Mộc bản Trường học Phúc Giang - Di sản tư liệu thế giới” tại UBND xã
Cụ Nguyễn Huy Hồng (80 tuổi), trưởng ban liên lạc dòng họ Nguyễn Huy nói với tôi: “Nhẩm tính, hiện nay họ cũng có gần 40 Viện sỹ, GS, PGS, TS, còn đại học thì hầu như nhà nào cũng có. Sắp tới sẽ rất đông con cháu mọi miền về để đón nhận bằng của UNESCO”.
Ông chủ tịch UBND xã còn nói thêm: “Toàn xã có 40 dòng họ, thì họ Nguyễn Huy đã chiếm 2/3. Số người hưởng lương hưu là một trong 2 đơn vị nhiều nhất toàn huyện. Xã chúng tôi có nhiều người đỗ đạt cao, có học hàm, học vị, làm vinh quang cho quê hương, đất nước. Đó là lý do vì sao, nhà nhà trong xã đều rất chăm lo cho con cái học hành”.
Tìm hiểu về Trường Lưu, tôi mới hiểu, ví, giặm Nghệ Tĩnh đã tác động trực tiếp đến tâm hồn bao thế hệ, hình thành nên vùng đất tình nghĩa, hiền hòa. Nói chuyện với tôi, những người làm công tác văn hóa xã vui mừng: “Cùng với xã, đến nay, các trường học đã thành lập CLB dân ca ví, giặm. Trung thu vừa qua, hầu hết các thôn đều tổ chức hát ví, giặm rất vui, bà con rất thích. Chuẩn bị cho đón nhận bằng, đêm trước đó chúng tôi sẽ tổ chức liên hoan dân ca ví, giặm vừa phục vụ nhân dân, vừa làm tươi đẹp nét văn hóa quê nhà”.
Đi từ sức mạnh nội sinh với “cái chữ” và “cái tình”, Trường Lộc ngày nay đã đổi thay có thể nhìn thấy. Năm nay, với Trường Lộc, ắt là “song hỷ lâm môn”. Đón bằng công nhận của UNESCO đối với Mộc bản, cuối năm, xã sẽ hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện tại, xã đã hoàn thành 14 tiêu chí, phấn đấu trong tháng 11 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại. Khi văn hóa đã là gốc, nơi đó ắt sẽ phát sinh những kết nối.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Huy Cường cho biết: “Trường Lưu là vùng văn hóa ở thượng Can Lộc. Trong quy hoạch, Trường Lộc có không gian văn hóa - du lịch riêng, kết nối với các vùng văn hóa khác trong huyện, nhất là vùng Đồng Lộc và thị trấn; đồng thời gắn kết với chuỗi di tích văn hóa như: Phan Kính, Nguyễn Thiếp, Dương Trí Trạch, Nguyễn Văn Trình... Mục tiêu là từ văn hóa sẽ phát triển du lịch, gắn với giới thiệu sản phẩm chủ lực như cam bưởi ở vùng thượng. Đặc sắc của Mộc bản Trường Lưu đó là từ tài sản của riêng dòng họ đã trở thành di sản chung của tất cả. Vì thế, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, tập trung tuyên truyền trên các kênh khác nhau, phối hợp các trường học để tổ chức cho học sinh tham quan, nghe giới thiệu về di sản; tiếp tục quảng bá rộng rãi trong huyện; trang hoàng sửa sang vùng di tích và chuẩn bị kỹ các điều kiện đảm bảo để đón nhận bằng”.
Mộc bản Trường Lưu được UNESCO công nhận di sản là niềm vui lớn, có ý nghĩa thức tỉnh trong giai đoạn giáo dục đang gặp nhiều thử thách. Thế nhưng, nhìn lại, trong niềm vui chung, chúng tôi cũng không khỏi bùi ngùi. Nhớ lần nói chuyện với Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải khi đang là Bí thư Huyện ủy Can Lộc, ông cho hay: “Trước đây, kho tư liệu mộc bản số lượng khá lớn, nhưng bị đốt khá nhiều”.
Trước khi rời làng Phúc Trường lần này, bên cây cầu xỏa nước, tôi được một người dân cho hay: “Nghe các cố (cụ) kể lại, hồi nớ, sau cải cách văn hóa, một người dân đã chẻ, đốt hết nhiều. Hồi nớ, gần cổng vào làng có chợ Quan, giếng Quan nhưng giờ không còn. Gần nhà văn hóa giờ vẫn còn giếng hồi trước để phục vụ thầy trò, gọi là giếng Đền”.
Những câu chuyện ấy, tôi tin sẽ là bài học quý cho việc ứng xử với những gì quý giá hôm nay.