Nhiều học sinh được nhà trường hỗ trợ để có điều kiện học tập, phát triển tốt.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - Trưởng ban nữ công nhà trường cho biết: “Mô hình được khởi động từ năm 2010. Ở thời điểm đó, nhiều học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ không thể cho các em ăn bán trú. Mưa cũng như nắng, đến giờ các bạn ăn cơm thì các em phải theo bố mẹ về, rồi khi các bạn ngủ trưa chưa dậy thì các em đã phải đến chờ ở lớp để bố mẹ còn đi làm. Nhìn cảnh đó, chúng tôi không cam lòng và nhà trường đã quyết định triển khai mô hình”.
Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng trong điều kiện khó khăn chung là điều không hề dễ dàng. Ban chấp hành công đoàn phối hợp Ban Giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch ngay từ đầu năm học với việc gửi thư ngỏ đến phụ huynh, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hàng đóng trên địa bàn để kêu gọi nguồn hỗ trợ.
Công đoàn nhà trường vận động giáo viên tích cực tham gia nhận các phần việc để gây quỹ hỗ trợ học sinh.
Để phát huy hiệu quả vận động, nhà trường đã phối hợp các thành viên hội cha mẹ học sinh - được chọn lựa từ những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có trình độ hiểu biết để thực hiện công tác huy động nguồn quỹ.
Cùng với đó, công đoàn vận động các đoàn viên tham gia gây quỹ bằng cách nhận phần việc trang trí tường rào; chăm sóc, cung cấp rau sạch cho bếp ăn của nhà trường; thiết kế góc trải nghiệm, làm dụng cụ học tập…
Bằng tình yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn hoạt động phong trào sôi nổi.
Tranh thủ sau giờ lên lớp, ngày nghỉ, các cô giáo không quản ngại vất vả, trở thành những nông dân cần mẫn trên vườn rau, tất bật cùng những “công trình” ở sân trường. Bằng bàn tay khéo léo, sáng tạo, các cô đã làm nên những vườn rau xanh mướt, hàng rào tươi mới với những bức vẽ ngộ nghĩnh, góc spa xinh xắn, góc steam (một phương pháp dạy học mới) hiện đại.
Nguồn tiền vận động và thu được từ các công trình, phần việc đã được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả rõ nét.
Mỗi năm, nhà trường duy trì việc hỗ trợ tiền ăn bán trú cho khoảng 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 50 triệu đồng. Nhiều em được nhà trường hỗ trợ từ lớp nhà trẻ đến hết mẫu giáo; nay các em đã tiếp tục các bậc học cao hơn. Mô hình nhân văn này đã được một số đơn vị trường mầm non khác học tập.
Với những thành tích trong dạy học và công tác xã hội, nhà trường được các cấp ngành biểu dương, khen thưởng.
“Trước khi triển khai mô hình, tỷ lệ ăn bán trú tại trường chỉ khoảng trên 80%, nhưng đến nay, 100% học sinh của nhà trường đã được ăn bán trú. Điều đó không chỉ góp phần để cô trò xây dựng nề nếp học tập, sinh hoạt chung mà điều quan trọng là thể hiện được sự quan tâm, sẻ chia của nhà trường, xã hội đối với những học sinh nghèo để các em có điều kiện học tập, phát triển như bao trẻ khác” - cô Hoàng Thị Phác, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Với phương pháp “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non”, “Phát triển vận động cho trẻ”..., Trường Mầm non Nam Hồng luôn được biết đến là một ngôi trường với bề dày thành tích dạy học và truyền thống trong các hoạt động phong trào, khẳng định được thương hiệu trong bậc học mầm non ở Hà Tĩnh. Năm học 2019 - 2020, có 13 giáo viên bảo lưu danh hiệu giáo viên giỏi cấp thị, 5 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 1 giáo viên giỏi cấp quốc gia.
Trường Mầm non Nam Hồng trở thành điểm sáng của bậc học mầm non ở Hà Tĩnh.
Với những thành tích trong giảng dạy và hoạt động xã hội, nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba. Năm 2019, trường là một trong 6 đơn vị trong cả nước được nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam trao tặng.