Truyện ngắn: Mình ơi!

(Baohatinh.vn) - Tác giả Tâm An tên thật là Nguyễn Ngọc Anh, làm nghề sửa điện tử tại thị trấn Tiên Điền - Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Anh là người đam mê viết văn và là quản trị viên của diễn đàn văn học Quán Chiêu văn. Báo Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu với độc giả truyện ngắn “Mình ơi” của anh.

Truyện ngắn: Mình ơi!

Tranh Internet

- Mình ơi... Tôi về rồi đây!

Ông Sơn là thế đó, hễ về tới ngõ là cái miệng vào trước. Thằng Phú và con Hoa thì nó quen quá rồi với cái kiểu gọi chưa thấy hình đã thấy tiếng của bố. Con Hoa bĩu môi nhọn hoắt lên mà rằng: “Gớm chưa! Mỗi đứa con gái sờ sờ ra đây thì có thèm gọi đâu!”. Thằng Phú thì lành hơn, nó chỉ cười khi thấy dượng gọi mẹ nó âu yếm thế. Được cái từ ngày bố mẹ hai đứa lấy nhau, cuộc sống chúng nó sướng hẳn. Cơm nước đã có bà Xan lo, còn mọi việc trong nhà ông Sơn làm hết. Khổ nỗi, cũng không hiểu vì lý do gì mà họ mãi vẫn không có lấy mụn con chung.

Bạn bè, hàng xóm láng giềng thì bảo “gắng mà kiếm đứa nữa, nó là sợi dây ràng buộc hai bên. Chén đĩa cũng có lúc xô nhau, lỡ bề gì lại tan đàn xẻ nghé ra thì khổ. Lại còn con anh, con tôi”. Mỗi lúc như thế, ông Sơn lại gạt béng đi - “Cốt là mình ở như thế nào cho con mình nó thương nó quý rồi nó tôn trọng, chứ con cái là của trời cho, con nào chả là con”.

Quả thật vậy. Chỉ tiếc là ông bà gặp nhau khi cả hai đã từng “một tập” như cái cách thiên hạ nói. Chồng bà Xan thì đi làm ăn xa, không biết ăn phải bùa mê thuốc lú cô nào đấy mãi tận trong Nam, thế là nằng nặc đòi bỏ vợ, bỏ con theo tình mới. Đận ấy bà Xan cũng níu kéo, rồi cũng vì thương con mà khóc đứng khóc ngồi van xin bố thằng Phú ở lại. Đến nước ấy, lão chồng đành thú nhận là vợ bé cũng sinh hai đứa rồi. Nước cuối bà Xan đành ngậm ngùi ký tờ đơn ly dị. Thằng Phú chỉ nhớ ngày cuối cùng bố nó dẫn ra chợ mua cho mấy bộ quần áo và đôi giày mới rồi biền biệt đến nay.

Truyện ngắn: Mình ơi!

Nước cuối, bà Xan đành ngậm ngùi ký tờ đơn ly dị. Tranh minh họa Internet

Mẹ con bà Xan mở cái quán phở đầu ngõ. Gái một con trông mòn con mắt, thuở ấy bà đẹp mặn mà. Đám trai làng cứ tòm tèm ghé quán, trước là no cái bụng, sau là ngắm bà chủ quán rồi đôi lời ong ve lơi lả cợt đùa. Được cái bà chả phải lòng ai. Rồi cũng cái đận ấy, mẹ con Hoa mất, ông Sơn rầu rĩ mãi rồi cũng phải nguôi ngoai. Thân đàn ông góa vợ, nhà chỉ hai bố con nên cơm nước cũng bữa đực bữa cái, con Hoa còn bé cũng chưa biết thổi lửa nấu nồi cơm. Hai bố con cứ chật vật cơm bụi nay chỗ này mai chỗ nọ.

Ông ghé quán bà Xan, lâu dần nghiện cái hương phở của bà, nghiện luôn cái nết tảo tần, hiền lành, chịu khó. Lắm lúc khách đông, bà Xan làm không kịp, ông xắn tay áo lên bưng bê, dọn dẹp phụ bà. Cả cái việc rửa chén bát giúp bà, ông cũng giành nốt rồi mới lật đật xách cặp đi làm. Người ta bảo lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Mà cái thứ lửa tình đang ngùn ngụt thế thì chuyện gì đến cũng phải đến. Ông chả cần tán tỉnh, tỏ tình gì ráo. Lựa hôm đẹp trời, làm mấy “ngoắc” rượu vào, ông nắm lấy tay bà cương quyết, ánh mắt ông nửa van lơn, nửa thật thà:

- Mình lấy tôi đi. Tôi quyết không để mẹ con mình khổ đâu!

Vậy là lựa ngày lành tháng tốt, cả hai dắt díu nhau đi đăng ký kết hôn. Cũng chả cần cưới xin mâm cao cỗ đầy gì. Chỉ mấy mâm cơm liên hoan trước sự chứng kiến của bà con dòng họ với ít bè bạn thân tình. Con Hoa, thằng Phú thành anh em một nhà. Được cái hai đứa cũng lành, thằng Phú nó biết nhường em nên chả bao giờ chành chọe nhau. Cuộc sống êm đềm, hạnh phúc lắm, bởi cả bà Xan lẫn ông Sơn đều đối xử tốt với con cái, dù hai đứa con riêng không máu mủ ruột rà, nhưng ông bà đều dành tất cả tình yêu thương như nhau, chăm sóc cho chúng lớn khôn như chính đứa con của mình. Vì lẽ đó nên cả Hoa và Phú cũng rất thương dì, dượng của chúng.

Truyện ngắn: Mình ơi!

Lựa ngày lành tháng tốt, ông Sơn và bà Xan đưa nhau đi đăng ký kết hôn. Tranh minh họa Internet

Thấm thoắt cũng đã mấy chục năm, giờ đây chúng nó đã lấy chồng, lấy vợ, sinh con đẻ cháu cho ông bà cả rồi. Hoa lấy chồng bên thị xã, lâu lâu mới về thăm ông bà. Phú cũng vậy, anh lấy vợ, mua nhà trên phố, cũng vài ba tháng mới có dịp về thăm.

Ông Sơn đợt này yếu hẳn, cái bệnh già nay đau cái này, mốt đau cái kia làm ông khổ sở mà con cái cũng phiền hà. Cô Hoa bận bịu công việc, hết cơm nước cho chồng con rồi đến công việc cơ quan. Đầu tắt mặt tối, bận bịu đủ đường nên nhân lúc đưa ông lên thăm khám, cô giữ luôn ông ở lại nhà. Ngày về lấy đồ đạc của ông lên, cô bảo với bà Xan lên ở cùng ông. Bà gạt đi: Mình vợ chồng mày chăm bố đã cực thân rồi, tao không lên đâu.

Bà ngoảnh mặt ra hiên nhà lấy vạt áo lên chấm giọt nước mắt, bà buồn. Buồn vì bà hiểu từ nay ông bà xa nhau rồi đấy. Cái ngày này không phải bà chưa từng nghĩ tới mà nó đến sớm quá thành ra bà thấy hụt hẫng, chơi vơi. Một mái nhà chung sống bao năm có đôi, có cặp vào ra tâm tình thủ thỉ nó quen thế rồi. Vả lại, bà đang nghĩ nếu thằng Phú biết việc Hoa đưa ông về trên đấy thì đời nào nó chịu để mẹ lẻ loi một mình. Thế là chỉ còn mỗi bà Xan với căn nhà trống tênh. Từ ngày ông đi, bà cũng trở ốm. Thằng Phú về thấy mỗi bà nằm lay lắt, nó gọi điện mắng con Hoa té tát rồi cũng đưa bà lên thành phố ở luôn với nó để tiện bề chăm sóc.

Từ ngày về ở với con Hoa, ông Phú đâm ra buồn bã, cáu bẳn. Nhiều lần ông năn nỉ con gái:

- Mày để bố về dưới quê ở với bà ấy, bố ở đây không quen.

Nó gạt phắt đi:

- Bố cứ ở đây với con với cháu. Lỡ bề gì con còn chạy kịp. Với lại, bố về dưới ấy tụi con muốn chăm cũng chịu.

- Nói thế thôi, bố chỉ lo bà ấy buồn. Mà để dì mày ở một mình vậy sao được.

Nhưng con Hoa đã quyết, nó nói cho ông Sơn biết là anh Phú cũng đón bà Xan lên phố để chăm rồi để ông yên tâm. Nghe con gái nói thế, ông chỉ biết thở dài buồn bã. Ở quê có ông có bà, có làng xóm, có vườn rau, con gà, con lợn nó vui. Kể từ ngày lên phố, bà Xan cũng chẳng khác ông Sơn là mấy, nhớ nhớ quên quên. Mỗi cái việc quẹt thẻ cầu thang máy, bấm số nhà mà bà không nhớ nổi. Nhiều hôm báo hại vợ chồng thằng Phú đi tìm từng tầng hết khắp cả cái chung cư. Bà cứ nằng nặc đòi về quê nên thằng Phú cũng đành. Bà nắm tay con năn nỉ:

- Anh cứ để mẹ về dưới ấy, còn nhà cửa, còn làng xóm. Mà trên này còi xe inh ỏi, cái bệnh tiền đình của mẹ nó hành cho khổ lắm.

Thôi đành vậy, bà không chịu thì Phú cũng phải xuôi dù anh không mấy yên tâm để mẹ một mình trống trải. Anh giận lắm, chỉ tại cái con Hoa kia, không máu mủ ruột rà gì thì cũng đã từng là anh em, là một gia đình. Nó làm thế chả khác gì đoạn tuyệt với nhau.

Về quê bà cũng nhớ ông lắm, có cái điện thoại nên hai ông bà cũng thủ thỉ trò chuyện suốt cả ngày cho vơi nhớ.

Ông Sơn độ này cũng kém trí lắm. Dù sức khỏe ông tốt hơn nhưng vào ra trầm ngâm không nói. Ông lấy cái việc đánh cờ dưới sảnh với mấy ông hưu trí đến tối mịt mới về. Nhưng hôm nay đã 9h tối mà chưa thấy ông về, gọi điện thì không liên lạc được. Con Hoa tất bật đi tìm bố, nhưng tìm mãi cũng không thấy bóng dáng ông đâu. Cả nhà được phen lo lắng, đinh ninh là ông đi lạc. Con Hoa chỉ biết khóc lóc vô vọng. Anh chồng thì tỉnh táo hơn, chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia xin kiểm tra camera an ninh để tìm manh mối. Nhưng rồi bóng dáng ông vẫn bặt vô âm tín.

Trời hửng sáng, vợ chồng Hoa tức tốc lái xe về quê. Trên đường về, nó gọi báo tin cho Phú biết chuyện ông Sơn bỗng dưng mất tích. Phú cũng lo lắng không kém, hai anh em hẹn nhau về quê để xem ông Sơn có về nhà hay không, rồi còn bà Xan nữa. Tự dưng cái máy điện thoại gọi cũng không được làm cả hai càng trở nên lo lắng.

Truyện ngắn: Mình ơi!

Minh họa của Huy Tùng

Vợ chồng Phú cũng đã về quê tìm ông. Bà Xan nghe con kể chuyện ông Sơn mất tích nhưng chả có vẻ lo lắng gì mà chỉ trách:

- Tại hai đứa bay chứ tại ai. Đang yên đang lành lại chia tách tụi tao ra. Đấy! Giờ thì sáng mắt ra chưa?

- Thôi... Con xin mẹ, chúng con đang như ngồi trên đống lửa đây này. Ai mà biết ra nông nỗi này đâu chứ.

Con Hoa nước mắt ngắn dài:

- Bố ơi là bố ơi... Bố mà mệnh hệ gì thì con biết làm sao đây hở bố?

Chồng Hoa cố vỗ về vợ, còn Phú thì thở dài sườn sượt, vò đầu bứt tóc. Nhìn thấy hai đứa con sốt sắng lo âu, bà Xan trấn an:

- Chúng mày cứ loạn lên thế là sao hử? Tao đây còn chưa lo, chúng mày đã làm toáng cả lên. Ông ấy về bây giờ đấy.

Bà Xan vừa dứt lời thì tiếng ông Sơn đã vang lên đầu ngõ:

- Mình ơi... Tôi về rồi đây...

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.
Podcast truyện ngắn: Đời biển

Podcast truyện ngắn: Đời biển

Anh hiểu rằng, những chuyến ra khơi không bao giờ dễ dàng, nhưng biển cả luôn cho anh thấy sức mạnh, niềm tin và sự kiên cường - điều đã trở thành máu thịt của cuộc đời mình.
Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Nhân vật mà Lee Byung Hun thủ vai, vốn là người điều hành loạt game ở mùa 1, lại xuất hiện với tư cách thí sinh ở mùa 2. Khoảnh khắc này khiến khán giả ngạc nhiên và tranh luận.
Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Hôm nay, ánh nắng mang một tâm trạng thật khác lạ, nhẹ nhàng và dịu dàng như một thiếu nữ đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời với sự mong chờ xen lẫn chút tiếc nuối...
3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

Đền Nam Phong ở xã Cương Gián, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được trùng tu, xây dựng khang trang, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.