Truyện ngắn: Nơi cuối dòng sông

(Baohatinh.vn) - Đứa bé gái trông cha về. Nó ra bờ sông trước cửa nhìn về phía rừng bần sừng sững, xanh um nơi cửa sông. Xa hơn, mờ mờ là bóng những con tàu nhấp nhô, ẩn hiện trong hàng hàng, lớp lớp chập chùng sóng biển.

“Sao ba chưa về !?”. Nó bị ốm mấy hôm nay.

- Hạnh! Không có ra sông… Gió dữ lắm nghen con! Vô nhà… vô nhà mau lên! - Giọng cô Thúy, người chăm sóc con bé mấy bữa nay.

Truyện ngắn: Nơi cuối dòng sông

Minh họa Internet

- Con chờ ba con về… Con chờ ba về! Ba con nói con hết bệnh… Ba con dẫn con đi chợ sắm đồ tết… mua cho con tập vở đẹp… - Con bé thở hổn hển và cơn ho sặc sụa lại tới. Đôi vai gầy nhỏ của nó rung lên. Mặt con bé đỏ gay. Rồi khi cơn ho dứt, khuôn mặt bé bỏng với đôi mắt đen thơ ngây ấy lại đổi màu xanh tai tái.

Thúy kéo bé Hạnh vào nhà, ấn nó xuống cái vạt tre có tấm mền bằng vải dù đã xỉn màu, cũ kỹ. Cơn gió ngoài sông thổi lùa vào căn nhà lá ọp ẹp, làm những cây kèo kêu lên cót két, kẽo kẹt.

- Ba con đi vài bữa nữa sẽ về thôi! Vào nhà uống thuốc, ăn cháo rồi ngủ… Cô thương!

- Cô thương con… Cô có thương ba con không? Con thương ba con lắm!

- Con bé hồn nhiên hỏi Thúy.

- Cô… Cô thương… hai cha con…

- Thúy ngượng ngùng trả lời bé Hạnh, má cô ửng hồng lên, mặc dù trong căn nhà vắng vẻ này chẳng có ai ngoài Thúy và bé Hạnh. Con bé vô tình chẳng biết mảy may gì cái chuyện thương ghét của người lớn.

- Mẹ con sao đi đâu lâu quá không về hở cô?

- Mẹ con đi Sài Gòn mua bán. Mẹ con… - Thúy im bặt, mím môi: “Loan tệ thật! Đi mua bán… đi mua bán gì rồi đi luôn! Tội nghiệp con Hạnh với anh Trình quá. Gà trống nuôi con!” - Thúy thở dài sườn sượt: Con Hạnh còn nhỏ quá đâu biết chuyện của mẹ nó. Có thể một ngày nào đó, trí óc non nớt của nó sẽ phai mờ đi hình ảnh của người mẹ bạc tình bội nghĩa kia!

Người đàn ông trở về sau chuyến đi biển khá dài ngày. Da anh đen sầm sậm, bóng ngời bởi nắng gió biển khơi. Anh ôm đứa con bé bỏng, xanh xao vào lòng:

- Con ở nhà có ngoan không… Con có nghe lời cô không? Có uống thuốc cho mau hết bệnh không?

Thúy quay mặt chỗ khác. Cô cảm thấy mình hơi dư thừa, ít ra là trong lúc này.

- Hạnh nó cũng đã đỡ nhiều rồi… Em giao nó lại cho anh… Em về!

- Thúy… Thúy! Tôi cám ơn cô nhiều lắm. Cô ở lại ăn cơm với cha con tôi rồi hãy về?

- Cám ơn anh. Em đã ăn với mấy đứa bạn rồi…

- Bao giờ cô trở lại… thăm bé Hạnh. Con bé nó mến cô lắm đó!

- Em sẽ sắp xếp! Em cũng sắp đi dạy trở lại…

- Cô… cô đừng đi. Cô ở lại với con đi? - Bé Hạnh thỏ thẻ, giọng như khẩn cầu.

- Cô phải về nhà cô nữa chứ… Đã có ba con rồi! - Thúy dịu dàng vuốt tóc con Hạnh.

Trình im lặng. Hình như anh cảm thấy mình có gì hơi quá đáng đối với Thúy, mặc dù anh không có làm gì phật lòng Thúy. Con Hạnh là học trò của Thúy. Thúy đến đây săn sóc Hạnh như vậy là quá quý rồi! Cô ấy là người ở thành phố, là giáo viên tình nguyện về cái vùng biển xa xôi, hẻo lánh này. Rồi Thúy cũng sẽ đi thôi! Loan là người lớn lên từ hạt muối, củ khoai của xứ sở, cô ta còn không chịu nổi khổ cực, huống hồ là Thúy! Trình nghe đau đớn trong lòng khi nhớ về vợ mình. Anh bỗng dâng lên trong lòng mối căm hận đàn bà:

- Thôi! Cô… cô cứ về đi. Tôi cám ơn cô nhiều lắm. Vài hôm nữa tôi sẽ gửi con Hạnh về ở với bà nội nó trong đồng! - Giọng anh hơi lạnh lùng pha lẫn chút cay đắng.

Thúy thoáng nhìn người đàn ông khốn khổ ấy. Cô cảm thấy tội nghiệp anh ta. Cô ái ngại bước nhẹ ra cửa. Thúy mới đi vài bước đến hàng rào trước ngõ, con Hạnh chồm dậy gọi, giọng hoảng hốt:

“ Cô… cô Thúy ơi! Cô đừng đi… Cô đừng đi!”. Rồi có tiếng nó gào lên. Rồi có tiếng khóc hu hu, thút thít trong căn nhà lá xùm sụp kia. Lòng Thúy nghe nao nao, xót xa: “Mới có mấy ngày. Sao mình thương con bé quá! Biết đâu… Mình cầu mong cho mẹ nó hồi tâm trở về!”.

Người đàn bà kia trở về. Loan bây giờ thật đẹp và tươi tắn với dáng dấp của người thị thành. Trong Loan, chỉ còn đọng lại chút quê mùa qua giọng nói... Có tiếng cãi vã gay gắt trong căn nhà lá tồi tàn ấy. Loan trở về với yêu cầu Trình ký đơn ly dị. Loan cũng không ngần ngại cho biết là cô ta đã chán sống trong cái cảnh nghèo khổ này lâu lắm rồi! Sáu, bảy năm cũng đã đủ đầy nhân ngãi. Giờ phải chia tay nhau. Đường ai nấy đi…

Tiếng máy hon-da chở người đàn bà chua chanh, chát khế kia rù rụ, trườn trên cát nghe ậm ực, tưng tức. Trình thấy hụt hẫng, đau khổ, anh buồn bã ôm đầu. Bé Hạnh đi học chưa về. Loan cũng chẳng quan tâm gì đến đứa con mà cô đã rứt ruột đẻ ra!

Mấy vụ nuôi tôm thất bát trước đây đã dẫn Trình đến chỗ túng quẫn. Những người có vốn to thì ít bị rủi ro, do họ thâm canh có bài bản. Có người thuê cả kỹ sư thủy sản về nằm trại suốt mùa. Cánh dân nghèo học làm theo, tám phần thất bại. Chỉ những tay bán giống, thức ăn và thuốc men là trúng to, béo bụng.

Đồng đất xưa kia lúa oằn bông, giờ nhiễm mặn, cỏ lên không nổi, nói chi đến gieo trồng! Nước mặn đã dấn sâu vào đất liền, kéo theo những số phận con người nổi trôi với nó như những đợt thủy triều lên xuống… Vùng đất ven biển này ngày xưa là rừng ngập mặn mênh mông. Bên trong là những vạt giồng đất cát. Rau muống trâu, rau dừa dại bò lổn ngổn dưới chân những triền đất giồng giáp ruộng. Cả làng ở trên đó.

Hồi Trình còn bé, những giồng cát ấy thưa nhà lắm. Khoai, bí xanh um bốn mùa… Ban đêm đi ngang qua những cây trôm cổ thụ, hoa thơm ngát, thấy cái miễu hoang cây cối che khuất, âm u rậm rạp, người yếu bóng vía, nhát gan cũng gờn gợn gáy sợ ma… Bên trong giồng cát là những cánh đồng lúa vàng mơ. Chim én bay về liệng từng đôi, rồi từng bầy mỗi khi mùa xuân đến. Bọn chúng tìm thức ăn và bạn tình. Bây giờ, những vạt giồng xanh tươi và những cánh đồng lúa chín vàng đã biến mất. Chỉ thấy ngổn ngang những mái tôn, lều bạt như trại tạm cư của những người tị nạn thời chiến tranh.

Truyện ngắn: Nơi cuối dòng sông

Hạnh thường ra bờ sông ngóng cha... Ảnh minh họa Khánh Thành

Con bé Hạnh lại ra bờ sông ngóng cha. Gió ào ào thổi phất phơ mái tóc thưa của nó. Dáng nó nhỏ nhoi in trên mặt nước như một con chim sẻ đậu trên lằn dây điện. Không ai kêu được nó vô nhà cả. Căn nhà của hai cha con Trình bây giờ khang trang hơn trước nhờ anh đi biển trúng được mấy chuyến cào. Loan sau khi chia tài sản với Trình được mấy công vuông tôm, cô ta đã bán lại cho một tay đầu nậu đất rồi biệt tăm dạng.

- Vào nhà đi con… Ba con vài hôm sẽ về thôi

- Cô… cô ở lại đây với con luôn nghen?

- Ừ! Chừng nào ba con về thì cô sẽ đi…

- Không… cô ở lại luôn mà!

- Ừ… Thôi vào nhà nghen?

- Dạ!

Tàu đánh cá cập cảng. Những “bạn biển” lên bờ. Có người đi gấp về nhà thăm vợ con. Có người túm tụm lại trong cái quán nhậu, lai rai như để xả đi những ngày mệt nhọc, tù túng trên những con tàu lênh đênh ngoài biển cả. Trình đi vội về nhà. Anh nhớ con đến nôn nao cả bụng. Anh thương cái đôi mắt to đen hay ngơ ngác nhìn quanh quẩn tìm anh và hỏi huyên thuyên lắm chuyện.

- Ba… ba! - Bé Hạnh ôm cứng Trình. Trình vuốt tóc con:

- Cô Thúy có lại chơi với con không? Tối con có ngủ với bà Tư không?

Con bé khẽ gật đầu rồi nói:

- Ba nói với cô Thúy ở đây với con nghen? Con thương cô Thúy hơn bà Tư.

Trình cười xòa, vò đầu con:

- Cô Thúy phải ở nhà của cổ… Cũng như con ở nhà của con. Phải không?

Con bé làm thinh. Hình như nó có vẻ khó hiểu và suy nghĩ gì mông lung lắm. “Tại sao cô Thúy lại thương mình hơn mẹ Loan. Tại sao mẹ Loan cũng có nhà mà không về nhà như cô Thúy? Bà Tư cho mình ăn cơm ngon nhưng hay gọi ông “kẹ” nào đó ghê lắm, đến đây ăn thịt mình! Có cô Thúy, mình chẳng sợ ai cả…”. Sau này khi lớn lên, Hạnh nhớ loáng thoáng, mang máng những suy nghĩ của mình hồi thuở ấu thơ, về cô Thúy, mẹ Loan, cha Trình, bà Tư và cái thằng bạn nhỏ tên Cu Tèo tốt bụng, hay cho nó bánh, đồ ăn mỗi khi nhà Cu Tèo có đám giỗ.

Thúy không đẹp, nhưng dễ nhìn. Cô hiền lành. Bởi thật thà và hiền lành nên những năm đi học, cô thường hay bị bạn bè lấn lướt. Năm sắp ra trường, cô yêu Tân là một bạn học chung khối.

Tân đẹp trai, tài hoa nên chinh phục Thúy khá dễ dàng. Và anh ta cũng đã vội ra đi, để lại cho Thúy nỗi buồn cay đắng. Thúy âm thầm cắn răng, đau khổ chịu đựng. Cô đã vượt qua được sự khủng hoảng tinh thần và tốt nghiệp vào năm cuối. Về sau, Tân công tác ở một huyện ngoại thành. Anh ta quan hệ tình cảm với một phụ nữ có tài sản, hơn anh gần hai mươi tuổi, góa chồng. Vụ việc đổ bể, lùm xùm. Mấy đứa con trai của bà này xách hung khí tìm Tân để thanh toán theo kiểu xã hội đen. Hoảng sợ, Tân bỏ nhiệm sở chạy về thành phố.

Thời gian sau, anh ta cặp kè với một cô gái nhảy hạng sang, ăn chơi đàn đúm bằng tiền làm ra của cô gái ấy. Cuối cùng, Tân vướng vào căn bệnh thế kỷ. Lúc anh ta gần ở giai đoạn cuối, Thúy và một vài bạn cũ có đến thăm. Anh ta gặp Thúy không dám nhìn, chỉ úp mặt vào vách mà khóc! Thúy không còn oán giận Tân nữa, chỉ tội nghiệp cho một con người, lẽ ra có ích cho xã hội, nhưng đã đi sai đường, chệch hướng. Và tình yêu lứa đôi, hình như cũng nguội lạnh trong trái tim của người con gái còn khá trẻ… Cô về vùng đất biển hoang sơ, hẻo lánh này với mong muốn được làm một cái gì. Một cái gì tạm gọi là có ý nghĩa, để cuộc sống của con người còn có niềm tin và hy vọng. Cô đã gặp bé Hạnh. Một đứa bé có hoàn cảnh khá đặc biệt.

Truyện ngắn: Nơi cuối dòng sông

Minh họa của Huy Tùng.

- Anh Trình… Em phải về thành phố. Mẹ em bệnh. Em phải trở về… Em rất thương bé Hạnh. Nhưng…

- Cô về trên ấy… Chẳng biết bao giờ trở lại! - Trình buồn buồn. Anh cầm đôi đũa nhưng chẳng gắp thức ăn. Bữa cơm chia tay khá nặng nề. Bé Hạnh ngồi bên Thúy, nó cầm cái muỗng xúc cơm, nhưng cũng chẳng xúc miếng nào. Nó liêng liếc và lắng nghe ba nó nói chuyện với cô Thúy.

- Xong công việc... Em sẽ trở lại thăm anh và bé Hạnh!

- Ba con tôi mong cô trở lại. Nhưng cũng không chắc lắm đâu!… Phải không Thúy? - Giọng Trình xa xôi. Thúy nghe đau đáu, nao nao trong lòng.

Họ chia tay nhau ở bến tàu về thành phố. Trình mang mấy giỏ khô biển xuống khoang cho Thúy. Bé Hạnh ôm Thúy rấm rức:

- Cô về... Rồi cô trở xuống nghen cô?

- Ừ. Cô sẽ trở xuống với con. Ráng chăm ngoan nghen…

- Dạ… - Bé Hạnh dạ nhỏ, khẽ khàng. Nó nắm tay Thúy dặc dặc chẳng muốn rời.

Con tàu tách bến. Gió biển từ cửa sông thổi đùa mái tóc dài, đen nhánh của người con gái bay phấp phới. Thúy nhìn mãi về cái xóm chài lúp xúp bên giồng cát. Cô thấy bóng dáng của hai cha con Trình nhỏ dần trên bến sông…

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.
Podcast truyện ngắn: Đời biển

Podcast truyện ngắn: Đời biển

Anh hiểu rằng, những chuyến ra khơi không bao giờ dễ dàng, nhưng biển cả luôn cho anh thấy sức mạnh, niềm tin và sự kiên cường - điều đã trở thành máu thịt của cuộc đời mình.
Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Nhân vật mà Lee Byung Hun thủ vai, vốn là người điều hành loạt game ở mùa 1, lại xuất hiện với tư cách thí sinh ở mùa 2. Khoảnh khắc này khiến khán giả ngạc nhiên và tranh luận.
Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Hôm nay, ánh nắng mang một tâm trạng thật khác lạ, nhẹ nhàng và dịu dàng như một thiếu nữ đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời với sự mong chờ xen lẫn chút tiếc nuối...
3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

Đền Nam Phong ở xã Cương Gián, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được trùng tu, xây dựng khang trang, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.