Tuy nhiên, theo BBC, cũng có một số tờ báo tại Trung Đông lại bày tỏ hoài nghi về chính sách của phương Tây đối với đạo Hồi và lo ngại rằng, những người Hồi giáo tại châu Âu sẽ phải hứng chịu những “đòn thù”.
Báo chí Ai Cập tràn ngập tin về vụ xả súng tại Paris (Ảnh BBC) |
Vụ thảm sát kinh hoàng
Rất nhiều tờ báo Arab đã đăng tải các tuyên bố chính thức của quan chức các nước trong khu vực cho rằng vụ tấn công này là một thảm sát.
Tờ Al-Sharq al-Awsat, một tờ nhật báo có trụ sở tại London, giật tít: “Paris: Vụ thảm sát tại một cuộc họp tòa soạn”.
Trong khi đó, tại Algeria, hai tờ báo tư nhân El Khabar và Al-Fadjr đều cho rằng “đây là một vụ thảm sát giữa lòng Paris”.
Báo Algeria Al-Fadjr lên án vụ tấn công (Ảnh BBC) |
Tờ nhật báo Al-Yawm al-Sabi của Ai Cập thì lại cho rằng, “những kẻ khủng bố tại Pháp và châu Âu đã thành công trong việc phá vỡ hàng rào an ninh và tình báo tại đây”. Tờ báo này cũng bày tỏ lo ngại “không ai có thể được an toàn”.
Trong một bài viết của mình, tờ Jerusalem Post của Israel nhận định: “Đường phố châu Âu và Pháp đang biến thành chiến trường của những kẻ Hồi giáo cực đoan và cuồng tín”.
Vai trò của phương Tây
Tuy nhiên, tờ báo tư nhân Al-Watan của Ai Cập lại cáo buộc vụ tấn công bắt nguồn từ việc “gieo mầm” chủ nghĩa khủng bố của phương Tây.
Tờ Al-Khalij của UAE nêu rõ: “Chủ nghĩa khủng bố là rất đáng lên án nhưng nước Pháp cũng cần phải nhìn lại sự thụ động của mình trong việc chống khủng bố khiến cho chủ nghĩa khủng bố có thể phát triển và lan rộng”.
Báo Iran với dòng chú thích bên dưới bức ảnh lớn "Thi thể một nạn nhân trong vụ tấn công tại Paris (Ảnh BBC) |
Tại Iran, nhật báo Sharq đã lên tiếng cho rằng, vụ xả súng tại Paris là một “vụ tấn công khủng bố” và bày tỏ lo ngại việc những tên phiến quân mang đã có thể sử dụng các loại vũ khí hạng nặng ngay giữa lòng thủ đô Paris.
“Vụ việc này cho thấy, những kẻ mang hộ chiếu Pháp hoặc châu Âu có thể tiến hành các vụ tấn công như thế này ở bất cứ nước châu Âu nào”, tờ báo này cảnh báo.
Tờ Sharq còn lên tiếng cho rằng phương Tây cũng phải chịu một phần trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Để ngăn chặn một vụ tấn công tương tự trong tương lai. Tờ báo kêu gọi Mỹ và EU cần “xem xét lại chính sách của mình đối với thế giới Hồi giáo và khu vực Trung Đông càng sớm càng tốt”.
Cùng chung quan điểm này, một tờ báo khác của Iran cho biết, vụ xả súng diễn ra khi mà “làn sóng sợ hãi người Hồi giáo đang dấy lên nhanh chóng tại Đức, nước láng giềng của Pháp”.
Nhà báo Rachid Ould Boussiafa, một người viết bình luận cho tờ Echorouk của Algeria lại tiên đoán “những ngày đen tối ở phía trước đối với những người Hồi giáo tại Pháp”.
Nhà báo Boussiafa coi vụ tấn công này là “đòn đáp trả những kẻ cực hữu ở Pháp” và nhấn mạnh về “hậu quả khôn lường của cuộc tấn công này đối với người Hồi giáo ở Pháp”.
Được coi là “vụ 11/9” nhằm vào những họa sỹ vẽ biếm họa
Các họa sỹ biếm họa tại Bắc Phi đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với các đồng nghiệp của mình bị thiệt mạng trong vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charline Hebdo và cực lực lên án vụ sát hại này.
Tờ Le Matin dẫn lời họa sỹ biếm họa nổi tiếng của nước này Ali Dilem lên tiếng cho rằng, vụ tấn công này là “vụ 11/9 nhằm vào những họa sỹ biếm họa”.
Biếm họa của họa sỹ Ali Dilem |
Họa sỹ Ali Dilem đã đăng tải hai bức biếm họa trên trang Facebook của mình. Trong đó một bức là về tạp chí Charlie Hebdo và bức thứ hai có hình một người đàn ông viết những dòng chữ bằng máu: “Những kẻ ngu xuẩn đã giết chết tôi”.
Biếm sỹ người Tunisia Nadia Khiari, người sáng tạo ra hình ảnh chú mèo Willis ở Tunis, đã vẽ bức hình chú mèo này nắm chặt một cây bút chì nhúng đầy máu với dòng chữ: “Ngày hôm nay các người có thể giết hại những người họa sỹ nhưng sẽ có một thế hệ những họa sỹ mới được sinh ra”.
Trong khi đó, tờ nhật báo Al-Nahar của Lebanon lại lên tiếng cho rằng vụ xả súng tại Paris là “một vụ tấn công mới nhằm vào quyền tự do ngôn luận mà bản thân tờ Al-Nahar cũng đã từng phải hứng chịu vào năm 2005 khi hai nhà báo Gebran Tueni và Samir Kassir của chúng tôi bị ám sát”./.