Nhắc đến nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân (nguyên Hiệu trưởng Trường Năng khiếu Thạch Hà – Hà Tĩnh), nhiều thế hệ học sinh, giáo viên ở Hà Tĩnh đều cảm phục một tài năng hiếm có, một nhà giáo mẫu mực suốt đời tâm huyết với sự nghiệp trồng người và nặng lòng với quê hương.
Thầy Lê Đức Hân (SN 1946) sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Thạch Trung (nay thuộc TP Hà Tĩnh). Bố mẹ thầy đều là nhà giáo nổi tiếng, giữ vai trò quan trọng trong ngành giáo dục Nghệ Tĩnh thời bấy giờ. Được thừa hưởng sự thông minh và phương pháp giáo dục của bố mẹ từ nhỏ, thầy Hân sớm bộc lộ tư chất thông minh hơn người.
Thế nhưng, năm 1953, một biến cố đã ập xuống gia đình. Người bố qua đời. Một mình bà giáo Hồng - mẹ thầy Hân vất vả xoay xở với 8 đứa con, đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa bé nhất chỉ mới lên 2. Năm đó, cậu bé Hân vừa 6 tuổi. Người góa phụ và 8 đứa trẻ đã trải qua những ngày tháng cơ cực, có lúc tưởng như cướp đi sinh mạng của họ.
Bà giáo Hồng không còn cách nào khác phải cho những đứa trẻ lớn đi ở đợ cho những nhà giàu trong vùng để kiếm miếng ăn. Thầy Hân cũng như các anh chị của mình phải ở qua nhiều gia đình giàu có.
“Tất bật từ tờ mờ sáng đến đêm khuya, làm mọi việc từ trông em, chăn trâu, cắt cỏ, cất rớ… để đổi lấy bát cơm, 9 tuổi tôi vẫn chưa được đến trường” – thầy Hân xúc động kể về tuổi thơ cơ cực.
Dù không được đến lớp nhưng cậu bé Hân ngày ấy rất thông minh, hiếu học. Thương con có tố chất mà phải đi ở đợ, bà giáo Hồng quyết tâm đưa con về quê ngoại gửi cho người bà con để Hân được đi học. Vốn thông minh nhưng cũng rất hiếu động, đang học dở lớp 3 thì cậu bé bỏ lớp rồi tìm đường trở về quê. Nhưng vì không nhớ đường về nên Hân đã lạc đến vùng Tiên Điền – Nghi Xuân và tình cờ ngủ qua đêm ở khu vực mộ Đại thi hào Nguyễn Du mà sau này cậu mới biết. Sau những ngày lưu lạc, được người dân địa phương cưu mang, Hân mới được đoàn tụ với mẹ.
“Tôi nhớ như in những giọt nước mắt mừng tủi ngày hai mẹ con gặp lại nhau. Mẹ ôm tôi mà rằng, cuộc đời con người khổ là vì thất học. Chính câu nói đó đã khiến tôi tỉnh ngộ, ghi lòng tạc dạ và quyết tâm học để làm người” – thầy Hân xúc động chia sẻ.
Bà giáo Hồng đã vất vả, bươn chải để nuôi đàn con ăn thơ dại ăn học trưởng thành với một tâm niệm “nhân bất học bất tri lý”. Không phụ công ơn, kỳ vọng của mẹ, thầy Hân đã thành công trên con đường mẹ đã chọn cho mình.
Với thành tích học tập xuất sắc, năm 1966, thầy Hân được nhận vào ngành giáo dục và là người duy nhất của tỉnh được đặc cách rút ngắn thời gian thực tập giảng dạy. Nhiều năm liền, thầy là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; chủ nhiệm nhiều đội tuyển học sinh giỏi; là tổ trưởng tổ lao động XHCN của ngành giáo dục…
Năm 1980, khi mới hơn 30 tuổi, thầy trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường Năng khiếu Thạch Hà (Hà Tĩnh). Những tháng ngày gian khó của thầy và trò ngôi trường này những năm đầu thập niên 80 mãi là những năm tháng không thể nào quên với thầy Hân sau này, bởi với ông, ở đó có hình bóng quê nhà và có mẹ.
Nhiều thế hệ học trò Trường Năng khiếu Thạch Hà vẫn còn nhắc nhớ những kỷ niệm, những ân tình mà thầy Hân dành cho họ, đặc biệt là với học trò nghèo. “Tôi đi lên từ nghèo khó và khi thành công vẫn luôn được mẹ dạy phải thương người nghèo khó. Đó là bài học làm người mà tôi không bao giờ quên”.
Năm 1991, dù rất lưu luyến trường lớp, đồng nghiệp và học trò nhưng với khát vọng khai mở miền đất mới, thầy Hân đã lên đường vào miền Nam. Quận Gò Vấp ngày ấy vẫn là “vùng trũng” về giáo dục của TP Hồ Chí Minh và thầy Hân là người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Trường Năng khiếu Nguyễn Du (tiền thân của Trường THCS Nguyễn Du ngày nay) – ngôi trường với tên gọi luôn nhắc nhớ thầy hướng về quê hương, về giấc mơ kỳ lạ nơi khu mộ đại thi hào mà ông đã ngủ lại trong thời thơ ấu lưu lạc.
Những bài giảng về kỹ năng quản lý, kỹ năng sống của thầy đã truyền cảm hứng, lòng say mê sáng tạo cho biết bao giáo viên, học sinh trên con đường tìm kiếm tri thức.
Trong suốt những năm thầy Hân là hiệu trưởng, Trường Năng khiếu Nguyễn Du luôn là “bông hoa đẹp” của ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh và là lá cờ đầu của cả nước.
Khi rời cương vị Hiệu trưởng Trường Năng khiếu Nguyễn Du, thầy Hân được mời giữ các chức vụ trong Hội khuyến học, Hội nghiên cứu, giảng dạy văn học của TP Hồ Chí Minh. Dù về hưu nhưng thầy vẫn giữ ngọn lửa nhiệt huyết và chưa bao giờ rời bục giảng.
Năm nay đã bước sang tuổi 75, thầy Hân vẫn đi về như con thoi giữa TP Hồ Chí Minh – Nghệ An – Hà Tĩnh và các tỉnh phía Nam để giảng dạy, tổ chức nói chuyện chuyên đề giáo dục.
Riêng tại quê nhà Hà Tĩnh, thầy đã trực tiếp giảng dạy tại 13 phòng giáo dục các huyện, thị, thành và hơn 40 trường THPT trong toàn tỉnh. Những bài giảng về kỹ năng quản lý, kỹ năng sống của thầy đã truyền cảm hứng, lòng say mê sáng tạo cho biết bao giáo viên, học sinh trên con đường tìm kiếm tri thức.
Với hơn 50 cống hiến cho ngành giáo dục, thầy Lê Đức Hân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND TP.HCM, tỉnh Hà Tĩnh. Mới đây, thầy đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngoài giảng dạy, thầy Hân đã hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết “Hạnh phúc miền xa xăm” và “Buồn vui nơi trần thế” – những cuốn sách cả một đời tâm huyết của thầy.
Trọn vẹn với sự nghiệp giáo dục, thầy Hân vẫn không quên lời dạy làm người của mẹ kính yêu. Quỹ học bổng “Bà giáo Hồng” đã ra đời và theo chân thầy trên bước đường thiện nguyện, mang niềm vui, sự sẻ chia đến những học trò nghèo trên khắp cả nước.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh Trần Thanh Bình cho biết: “Quỹ học bổng “Bà giáo Hồng” đã trao tặng học bổng, máy tính, quần áo, đồ dùng học tập cho nhiều học sinh nghèo vượt khó ở Hà Tĩnh với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Đó không chỉ là món quà vật chất mà còn là tâm huyết của một người thầy luôn nặng lòng với quê hương”.
Những ân tình, những đóng góp của Nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân cho quê hương vẫn luôn được bao thế hệ người Hà Tĩnh nhắc nhớ. Bởi như thầy đã viết trong cuốn tiểu thuyết “Buồn vui nơi trần thế”: “Là đứa con của đất Hà Tĩnh, suốt đời tôi canh cánh trong lòng, chẳng bao giờ nguôi nỗi thương nhớ quê hương… Đúng như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã viết: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh…”
Thiết kế: Huy Tùng