Cựu tổng thống Donald Trump đang dẫn đầu đường đua tranh đề cử của đảng Cộng hòa với hai chiến thắng đầu tiên trong vòng sơ bộ ở bang Iowa và New Hampshire. Cựu thống đốc Nam Carolina Nikki Haley được đánh giá khó có khả năng chiến thắng, khi tầm ảnh hưởng của ông Trump trong đảng Cộng hòa còn quá lớn.
Ông Trump đang có khả năng rất cao để tái đấu với Tổng thống Joe Biden vào tháng 11. Cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos công bố ngày 25/1 chỉ ra ông Trump nhận được tỷ lệ ủng hộ 40%, cao hơn ông Biden 6% trong cuộc đối đầu giả định.
Dù đường đua tới Nhà Trắng còn khá xa, nhiều người đã nghĩ tới kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng và chèo lái nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo. Trong bối cảnh thế giới biến động và nhiều xung đột hiện nay, chính sách đối ngoại của Mỹ là điều mà nhiều người quan tâm về nhiệm kỳ tổng thống mới.
Cựu tổng thống Donald Trump tại Laconia, New Hampshire ngày 22/1. Ảnh: AP
Về xung đột Ukraine - Nga, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dồn lực ủng hộ Kiev kể từ khi xung đột bắt đầu hồi tháng 2/2022, bất chấp phản đối từ một số thành viên đảng Cộng hòa và sự bi quan ngày càng tăng về khả năng Kiev chiến thắng hoặc giành lại lãnh thổ.
Ukraine và nhiều đồng minh phương Tây lo ngại rằng nếu đắc cử, ông Trump sẽ chấm dứt hoàn toàn hỗ trợ của Mỹ, khiến Kiev phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ châu Âu, theo Stephen M. Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.
Ông Trump năm ngoái tuyên bố có thể giải quyết xung đột “trong một ngày” nếu đắc cử năm 2024. Ông nói sẽ đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi vào bàn đàm phán để đạt thỏa thuận.
Giới quan sát cho biết ông Trump đã vòng vo khi được hỏi liệu có muốn Ukraine chiến thắng hay không. Điều đó khiến nhiều người cho rằng một nhiệm kỳ mới của ông Trump sẽ mang đến những thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Walt lưu ý ngay cả khi ông Biden giành chiến thắng, chính sách của Mỹ đối với xung đột Nga - Ukraine cũng đi theo con đường tương tự. Làn sóng mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine đã lớn dần trong năm 2023, dù những người ủng hộ nhiệt thành của Kiev vẫn tiếp tục đưa ra các kế hoạch lạc quan về kết quả xung đột.
Sau khi cuộc phản công được kỳ vọng của Ukraine thất bại, hy vọng về khả năng đảo ngược cục diện và giành lại toàn bộ lãnh thổ Nga sáp nhập trở nên mong manh hơn. Chính quyền ông Biden dường như biết rõ điều đó.
"Họ sẽ không thừa nhận điều này trước bầu cử, vì nó sẽ gây hoài nghi về cách xử lý cuộc chiến của họ từ đầu đến giờ. Tuy nhiên, nếu tiếp tục nắm quyền, họ có thể sẽ gây áp lực buộc Ukraine phải thông qua các mục tiêu thực tế hơn và tiến tới thỏa thuận", giáo sư Walt nhận định.
Ông thêm rằng Tổng thống Biden sẽ cố gắng thực hiện điều đó một cách cẩn trọng để giúp Kiev có thỏa thuận tốt nhất có thể. Trong khi đó, chính quyền của ông Trump sẽ nỗ lực chấm dứt xung đột nhanh chóng để tránh những rắc rối.
Sự trở lại của ông Trump có thể khiến các đồng minh của Mỹ trong khối NATO và ở châu Âu lo ngại. Cựu tổng thống Mỹ đã từng dọa rút khỏi NATO để buộc các nước như Đức tăng đóng góp ngân sách quốc phòng. Giới quan sát cho rằng nếu tái đắc cử, ông Trump có thể sẽ tiếp tục theo đuổi yêu cầu này.
Các quan chức châu Âu nhận thấy họ cần chuẩn bị cho một tương lai mà họ không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ như trước đây. “Khi ông Trump xuất hiện, chúng tôi nhận ra rằng không phải lúc nào Mỹ cũng hành động vì lợi ích châu Âu, đặc biệt nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của Mỹ”, một nhà ngoại giao EU nói với CNN .
Đối với Trung Quốc , trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã phá vỡ các chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc trước đó và phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh với các đòn thuế quan mạnh tay.
Giới quan sát cho rằng ông Trump có thể làm như vậy lần nữa nếu trở lại Nhà Trắng. Hồi tháng 8, ông đề xuất tự động áp thuế với mọi loại hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ hàng nội địa.
“Phải quàng chiếc tròng vào cổ các công ty nước ngoài”, ông nói với Fox Business. "Khi họ vào Mỹ và bán phá giá sản phẩm, họ phải nộp thuế. Có thể là mức 10%. Số tiền đó sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ".
Một cựu quan chức dưới thời ông Trump nói rằng tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là chính sách cần thiết trong nhiệm kỳ mới, theo FT.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng lưu ý chính sách Trung Quốc dưới thời ông Biden không dễ chịu hơn. Mỹ đã áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt với Trung Quốc, nhằm cản trở nỗ lực thống trị một số lĩnh vực quan trọng về công nghệ cao của Bắc Kinh.
Cả chính quyền của ông Trump và ông Biden đều xác định Trung Quốc là một trong những thách thức hàng đầu của Mỹ. Chính sách về Trung Quốc cũng là một trong số ít lĩnh vực nhận được đồng thuận lưỡng đảng mạnh mẽ.
Do đó, giáo sư Walt nhận định chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi nhiều dù kết quả cuộc bầu cử tháng 11 như thế nào.
Người ủng hộ chờ đợi tham dự cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump ở Sioux Center, Iowa ngày 5/1. Ảnh: AFP
Trung Đông đang đứng trước nguy cơ xung đột lan rộng kể từ sau khi Hamas tấn công Israel, khiến Tel Aviv tiến hành chiến dịch đáp trả mạnh mẽ ở Gaza. Những cuộc tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ của nhóm Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Chính quyền ông Biden đã ủng hộ chiến dịch chống Hamas của Israel , dù vẫn thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho phép người Palestine có đất nước và chủ quyền riêng. Mục tiêu này vấp phản đối mạnh mẽ từ đồng minh Israel song Nhà Trắng tin đây là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình và ổn định khu vực.
Khi còn là tổng thống, ông Trump từng từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem và đóng cửa văn phòng lãnh sự quán Mỹ về các vấn đề Palestine ở Washington.
Ông Trump ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab. Kết quả là hiệp định Abraham ra đời, tái thiết quan hệ giữa Israel và Bahrain, Morocco, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Sudan. Tuy nhiên, ông Trump dường như không quan tâm đến giải pháp hai nhà nước khi kế hoạch hòa bình không đề cập tới số phận của những người Palestine sống ở Bờ Tây hoặc Dải Gaza.
Giới quan sát nhận định nhiệm kỳ hai của ông Trump có thể tiếp tục tập trung cho lập trường “Nước Mỹ trước tiên”, không để Mỹ lún sâu hơn vào những cuộc xung đột tốn kém ở Ukraine hoặc Trung Đông. Họ cho rằng cựu tổng thống nhiều khả năng ưu tiên chính sách mang lại lợi ích cho Mỹ, thay vì theo đuổi chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa can thiệp, truyền thống hơn như ông Biden.
Tuy nhiên, trong một bài xã luận vào tháng trước, cựu thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng đôi khi các hành động của ông Trump không đi đôi với những phát biểu ông đưa ra. Johnson chỉ ra ông Trump từng ra lệnh không kích Syria sau khi cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hóa học. Ông cũng đã ra lệnh hạ sát tướng vệ binh Iran Qassem Soleimani ở Baghdad, bằng chứng cho thấy Trump sẵn sàng tấn công đối thủ của phương Tây.
"Với sự hỗ trợ của Anh, ông Trump đã tấn công mạnh mẽ và phá hủy rất nhiều máy bay của Syria, khiến Tổng thống Assad không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học nữa. Dựa trên bằng chứng này, điều thế giới cần bây giờ là một lãnh đạo Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực và sự khó đoán của người đó sẽ là yếu tố răn đe chính với đối thủ của phương Tây. Nếu vậy thì người lãnh đạo đó chính là Trump", Johnson viết.
Với nhiều cử tri Cộng hòa, ông Trump là lựa chọn số một cho vị trí lãnh đạo Mỹ 4 năm tới.
"Chúng tôi đã có một nền kinh tế tuyệt vời, một nền kinh tế phát triển với số việc làm tăng. Chúng tôi có một biên giới an toàn và quân đội hùng mạnh. Chúng tôi nhận được sự tôn trọng trên toàn thế giới. Chúng tôi không bị cười nhạo như bây giờ", Zachary St. Pierre, cử tri New Hampshire, giải thích về lòng ủng hộ cuồng nhiệt dành cho Trump.