Đau đáu bài toán không Văn Hậu
Cuối cùng thì Đoàn Văn Hậu, cái tên nổi bật nhất của lứa cầu thủ sinh năm 1999 trở về sau không thể cùng U23 Việt Nam tham dự SEA Games 31. Theo kế hoạch của lộ trình điều trị hậu phẫu, Văn Hậu chỉ có thể trở lại sớm nhất vào giữa tháng 6 tới. Điều đó đồng nghĩa, không chỉ đại hội thể thao khu vực diễn ra ở sân nhà Việt Nam mà ngay cả VCK U23 châu Á 2022 tổ chức tại Uzbekistan, Văn Hậu cũng khó lòng đồng hành với “Những chiến binh trẻ sao vàng”.
Mất Văn Hậu không chỉ khiến HLV Park Hang Seo thiếu đi một đầu tàu cho thế hệ mới, ông còn mất luôn một lựa chọn chất lượng cho vị trí hậu vệ biên kiêm trung vệ lệch trái ở U23 Việt Nam. Còn nhớ giai đoạn 2019, Văn Hậu từng bước được thầy Park kéo từ biên vào chơi trung vệ lệch trái. Nhờ chiều cao gần 1m90, khả năng không chiến tốt và tranh chấp cận chiến nổi bật, Văn Hậu đã chơi từ tốt tới rất tốt trong các trận đấu tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 và SEA Games 30.
Không còn Văn Hậu, HLV Park Hang Seo phải tìm kiếm một phương án khác tương đồng hơn. Liễu Quang Vinh có được sự đa năng như Văn Hậu. Cầu thủ thuộc biên chế SHB Đà Nẵng linh hoạt trong vai trò hậu vệ trái và trung vệ lệch trái. Nhưng cái mà Quang Vinh thiếu là kinh nghiệm, khả năng phòng ngự và tấn công sắc bén như Văn Hậu. Thêm vào đó, hậu vệ người Sóc Trăng cũng đang gặp chấn thương ở vùng dây chằng và liên tục phải vắng mặt trong các buổi tập vừa qua của U23 Việt Nam. Một cái tên nữa ở vị trí này là Quang Thịnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cách đây 3 ngày, trung vệ của CAND có quay trở lại tập luyện cùng U23 Việt Nam. Nhưng ngay lập tức, anh tái phát chấn thương đầu gối và phải nghỉ trong những ngày sau đó.
Mỗi lần lên tuyển, tiền đạo Mạnh Dũng (phải) đều được HLV Park Hang Seo bố trí đá ở vị trí… trung vệ Ảnh: PHAN TÙNG
Thanh Bình và… tiền đạo Mạnh Dũng
Tính đến hiện tại, U23 Việt Nam vẫn còn 3 lựa chọn ở vị trí trung vệ lệch trái. Nhưng ngoài Thanh Bình, trung vệ đã khẳng định được khả năng ở cấp độ ĐTQG thì 2 cái tên còn lại đương nhiên chưa thể khiến người hâm mộ yên lòng. Nhâm Mạnh Dũng vốn dĩ là một tiền đạo thay vì chơi trung vệ. Tại Viettel, cầu thủ này thường xuyên thi đấu trên hàng công. Nhưng mỗi khi lên U23 Việt Nam, ông Park lại kéo Mạnh Dũng xuống đá trung vệ. Sự chuyển dịch đến chóng mặt giữa công và thủ ấy sẽ khiến Mạnh Dũng khó có thể đảm bảo tốt nhiệm vụ trung vệ lệch trái mà thầy Park kỳ vọng. Nhất là vốn dĩ, Mạnh Dũng được đào tạo chuyên nghiệp cho vai trò trung phong, chứ không phải một nhân tố ở hàng phòng ngự.
Cái tên còn lại là Tuấn Tài. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Tuấn Tài là hậu vệ trái kiêm trung vệ lệch trái nổi bật nhất trong lứa cầu thủ sinh năm 2001-2003. Dẫu vậy, sự non kém về kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu sẽ là giới hạn lớn của Tuấn Tài khi bước vào SEA Games lần này trên sân nhà.
Suy cho cùng, niềm tin lớn nhất của thầy Park vẫn sẽ là Thanh Bình. Sau cú vấp trước Trung Quốc ở lượt đi vòng loại cuối World Cup 2022, Thanh Bình đã trưởng thành hơn nhiều trong thời gian qua. Trước Nhật Bản, Thanh Bình cũng đã ghi dấu ấn với pha đánh đầu đẹp mắt. Nên nhớ, đó là bàn thắng đầu tiên mà ĐTQG Việt Nam ghi được vào lưới ĐTQG Nhật Bản trong 15 năm qua.
Tin vui cho ông Park là Thanh Bình đang có thể trạng tốt và phong độ cao. Nhưng môn bóng đá nam SEA Games với tần suất 2-3 ngày/trận sẽ khiến nhà cầm quân người Hàn Quốc không thể cứ giao hoàn toàn trách nhiệm ở vị trí trung vệ lệch trái cho mỗi Thanh Bình. Có lẽ, từ nay đến khi SEA Games 31 khởi tranh, Mạnh Dũng, Tuấn Tài cần trưởng thành và chắc chắn hơn nữa ở vị trí trung vệ lệch trái.