Sừng sững lướt giữa đại dương và được bảo vệ xung quanh bởi các tàu tuần dương cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, một siêu tàu sân bay như USS Carl Vinson chính là biểu tượng rõ rệt nhất cho uy lực của lực lượng hải quân, “mang trên mình hào quang và danh giá không tàu chiến nào sánh được”, Giáo sư James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ), nói với Zing.vn.
Trong hải quân, tàu sân bay chính là tàu chiến phục vụ như một căn cứ không quân di động trên biển. Nó được trang bị đầy đủ các phương tiện vận chuyển, triển khai và thu hồi máy bay. Tàu này thường đóng vai trò kỳ hạm trong hạm đội, cho phép triển khai sức mạnh mà không phụ thuộc vào căn cứ trên bộ. Tàu có thể di chuyển ở mọi vùng biển quốc tế. Nó không can thiệp vào chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, vì vậy bỏ qua sự cần thiết phải có giấy phép từ quốc gia khác, rút ngắn thời gian triển khai lực lượng đến khu vực chiến đấu.
Tính đến tháng 2/2018, thế giới có 41 tàu sân bay các loại đang hoạt động trong lực lượng hải quân 10 nước. Trong số này, Hải quân Mỹ có 11 siêu tàu sân bay. Tổng lượng choán nước gấp hơn hai lần so với tàu sân bay các quốc gia khác cộng lại.
USS Carl Vinson là một trong 10 siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Nó có biệt danh “Đại bàng Vàng” (Golden Eagle), lấy khẩu hiệu là “Sức mạnh từ biển cả” (Vis Per Mare). Với “nhân khẩu” gần 6.000 thuỷ thủ và chuyên viên, thủy thủ đoàn tàu Carl Vinson thậm chí đông dân hơn cả một số thành phố.
Hạm trưởng Doug Verissimo ví USS Carl Vinson như “thành phố nổi”. “Chúng tôi có quầy phục vụ cà phê Starbucks, phòng khám nha khoa, phòng tập thể dục, phòng hát karaoke mỗi tối thứ 6, một nhà nguyện để phục vụ những người theo các tôn giáo như Thiên chúa hoặc đạo Phật…”, ông Verissimo nói. Nhà bếp trên tàu có thể phục vụ 15.000 suất ăn mỗi ngày.
Một nữ thuỷ thủ phụ trách dẫn đoàn phóng viên Philippines tham quan tàu hồi tháng 2 cho biết tất cả mọi thuỷ thủ đều được phục vụ phần ăn như nhau, bất kể cấp bậc của anh là gì. Một số phòng bếp trên tàu hoạt động suốt 24 giờ để đáp ứng nhu cầu theo các ca trực khác nhau. Bởi vì việc vận hành một tàu sân bay hạt nhân chính là không ngừng nghỉ.
Để đáp ứng tính sẵn sàng chiến đấu trên một trong những tàu chiến uy lực nhất của Mỹ, nhịp sống trên USS Carl Vinson là chuỗi những hoạt động liên tục. Mỗi ngày, các máy bay chiến đấu đều cất cánh thực hiện những vụ tuần tra trên các vùng biển xung quanh. Mỗi lần bay có thể kéo dài khoảng 3 giờ. “Nếu có ngày làm việc dưới 12-14 tiếng thì đó thực sự là một ngày hiếm hoi”, một phi công nói trên trang GMA Network.
Do vậy, giá trị của tàu sân bay nằm ở khả năng triển khai sức mạnh không bị giới hạn. Nó cũng là một biểu tượng cho sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế của quốc gia sở hữu. Tuy nhiên, tàu sân bay là một tài sản vô cùng đắt đỏ trong chế tạo cũng như duy trì hoạt động. Chỉ vài nước đủ tiềm lực về tài chính và công nghệ để chế tạo và sử dụng nó.
Nhiệm vụ quan trọng của phần lớn hải trình là chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ, do vậy kế hoạch tập huấn chiếm một phần lớn thời gian. “Thỉnh thoảng chúng tôi diễn tập tác chiến trên không. Chúng tôi cũng từng phối hợp với một số nước đối tác. Các bài tập này giống như một môn thể thao và chúng tôi phải luôn tập luyện. Biên độ sai số phải ở mức rất nhỏ”, viên phi công nói.
Ngoài ra, tàu sân bay cần đội tàu hộ tống hùng hậu để đảm bảo an toàn trong hoạt động chiến đấu, tạo thêm gánh nặng về chi phí đóng mới và duy trì. Theo Joe Holleman, cựu kỹ thuật viên hàng không trên tàu sân bay Mỹ, chi phí để xây dựng một nhóm tác chiến tàu sân bay lớp Nimitz khoảng 10-15 tỷ USD, số tiền duy trì hoạt động hàng năm từ 2-4 tỷ USD.
Ông Rick Labranche từng là sĩ quan chỉ huy trên tàu Carl Vinson giai đoạn 2010-2013. Hiện ông là trưởng bộ môn Hoạch định tác chiến tại Đại học Hải chiến Mỹ. Khi kể về những năm sinh hoạt trên siêu tàu sân bay này, Labranche cho biết “tinh thần kỷ luật là điều kiện tiên quyết”.
“Chúng tôi ở trên một con tàu khổng lồ chở hơn 5.000 người. Do vậy kỷ luật là điều rất quan trọng. Chúng tôi đã nhập cuộc và phải luôn trong tinh thần sẵn sàng từng phút từng giây”, ông Labranche kể. Những lý do để bị phạt có thể là “hiệu quả làm việc kém” hoặc thậm chí quan hệ khuất tất với cấp dưới. Nhẹ thì bị cấm túc, còn nặng thì bị trả về đất liền. Tuy nhiên, khi một lính hải quân bị yêu cầu quay trở về có nghĩa sự nghiệp của anh ta đã chấm dứt.
USS Carl Vinson là chiến hạm lớn nhất mà con người từng chế tạo. Phần boong chính hoạt động như một sân bay, gồm đường băng để cất và hạ cánh. Các tàu sân bay Mỹ sử dụng phương pháp phóng máy bay kiểu CATOBAR. Máy bay cất cánh với sự hỗ trợ của máy phóng thủy lực với lớp Nimitz và điện từ với lớp Ford. Khi máy bay hạ cánh, nó sử dụng móc ở đuôi bám vào cáp hãm đà để giảm nhanh tốc độ của máy bay.
Bên dưới mặt boong là nhà chứa máy bay, khu vực này chiếm phần lớn diện tích theo chiều dọc của tàu. Tàu sân bay lớp Nimitz có thể mang theo tối đa 90 máy bay. Nhà chứa máy bay được bố trí thành 3 khoang riêng biệt có thể cô lập hỏa hoạn lan sang khu vực khác. Nó còn được trang bị 2 lò phản ứng giúp giải phóng nhiều không gian trên tàu kết hợp với các cải tiến trong thiết kế. Điều này cho phép tàu sân bay lớp Nimitz mang thêm 90% nhiên liệu hàng không và 50% vũ khí khi so sánh với tàu sân bay lớp Forrestall.
Các loại vũ khí như bom, tên lửa trang bị cho máy bay thường được lưu trữ ở kho chứa bên dưới đường nước. 4 thang máy sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển máy bay và vũ khí lên boong và ngược lại.
Tàu sân bay hoạt động như một căn cứ không quân di động, do đó máy bay là thành phần quan trọng nhất trên hàng không mẫu hạm. Số lượng máy bay mà tàu có thể mang theo tùy vào kích thước của tàu. USS Carl Vinson mang theo Không đoàn tàu sân bay số 2 (CVW-2). Không đoàn này được biên chế với 4 phi đội chiến đấu, gồm 24-36 tiêm kích F/A-18 E/F Super Hornet, 10-12 F/A-18C Hornet. Các tiêm kích này có thể tấn công mục tiêu cách tàu mẹ hơn 800 km với nhiên liệu nội bộ.
F/A-18 được trang bị các loại vũ khí dẫn đường công nghệ cao như bom thông minh JDAM, Paveway, tên lửa không đối không AIM-9, AIM-120, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, tên lửa chống bức xạ AGM-88 Harm, đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-154 JSOW và AGM-158 JASSM. Số lượng máy bay và vũ khí trên Carl Vinson có thể san phẵng cả một thành phố lớn.
Một phi đội cảnh báo sớm với 4-6 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C/D Hawkeye. Phi đội này có nhiệm vụ phát hiện sớm các mục tiêu trên không, trên biển và chỉ huy phi đội chiến đấu tiêu diệt chúng. Hawkeye mang theo radar với tầm trinh sát gần 400 km, bao phủ một khu vực rộng lớn trên biển.
Một phi đội trực thăng chiến đấu và một phi đội trực thăng hỗ trợ với 6-8 chiếc SH-60F, hoặc HH-60 Seahawk. Các phi đội trực thăng có nhiệm vụ triển khai lực lượng đặc nhiệm, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, tấn công các tàu thuyền nhỏ có thể gây nguy hiểm cho tàu sân bay. Một phi đội hậu cần với các máy bay C-2 Greyhounds, hoặc MV-22 Osprey. Phi đội này thực hiện nhiệm vụ tiếp tế nhu yếu phẩm, đạn dược, thuốc men cho tàu sân bay.
Trong các nhiệm vụ trên biển, tàu thường mang theo khoảng 70-90 máy bay. Số lượng máy bay mà USS Carl Vinson có thể mang theo tương đương với một sư đoàn không quân trên đất liền. Tuy nhiên, diện tích boong tàu khá hạn chế nên chỉ khoảng 20 máy bay có thể hoạt động ở mọi thời điểm. Số máy bay còn lại được lưu trữ bên trong nhà chứa.
Khả năng xuất kích máy bay vận chuyển và máy bay chiến đấu từ sân tàu là một trong những đặc điểm ấn tượng nhất của một hàng không mẫu hạm. Khi tàu Carl Vinson được triển khai đến Vịnh Ba Tư hồi cuối năm 2015 trong chiến dịch hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), những phi công được tuyển chọn đều là người có kinh nghiệm bay trong hơn 2.000 nhiệm vụ.
“Mỗi ngày của chúng tôi là cất cánh, tìm kiếm mục tiêu; thả bom xuống đúng vị trí kẻ thù. Điều tuyệt vời nhất trong mỗi lần bay là chúng tôi tấn công chính xác mục tiêu”, sĩ quan Karl Thomas trả lời trên đài ABC (Australia) khi đó.
Bên cạnh vũ khí chính là máy bay, tàu sân bay cũng được vũ trang một số vũ khí chủ yếu cho mục đích phòng vệ chống lại máy bay và tên lửa của đối phương. Tàu sân bay Carl Vinson được trang bị 3 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS. Hệ thống này gồm một pháo tự động 6 nòng 20 mm, tích hợp radar điều khiển hỏa lực. Phalanx có tốc độ bắn tới 5.000 viên/phút, tầm bắn hiệu quả 3,5 km.
Hai cụm phóng tên lửa hải đối không RIM-7 Sea Sparrow với 8 tên lửa/cụm. Tên lửa có tầm bắn hiệu quả khoảng 19 km. 2 cụm phóng tên lửa hải đối không tầm thấp RIM-116 với 21 tên lửa/cụm, phạm vi tác chiến khoảng 9 km. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 6 cụm phóng đạn mồi bẫy hồng ngoại MK36. Hệ thống phòng thủ chống ngư lôi AN/SLQ-25. Hệ thống gây nhiễu radar AN/SLQ-32 nhằm đánh lừa và gây nhiễu tín hiệu radar của đối phương.
Nhìn chung, một tàu sân bay có đầy đủ chức năng của một căn cứ không quân trên đất liền, trong khi nó có thể triển khai linh hoạt ở bất kỳ đâu. Hàng không mẫu hạm luôn được tháp tùng bởi đội hộ tống hùng hậu, gồm các tàu khu trục, tuần dương, tàu ngầm với sức mạnh tác chiến hàng đầu thế giới. Với các siêu tàu sân bay như USS Carl Vinson cho phép Hải quân Mỹ triển khai sức mạnh trên toàn cầu ở mọi thời điểm.
Từ vị trí ngồi trong phòng quan sát trên tàu Carl Vinson, Chuẩn đô đốc John Fuller, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay, có thể quan sát toàn bộ vùng biển xung quanh cũng như dàn tiêm kích đậu bên dưới. Xung quanh tàu là những khu trục hạm vây quanh hình thành vòng tròn bảo vệ không thể xuyên thủng. “Đây là công việc xứng đáng nhất thế giới”, ông Fuller chia sẻ.
Năm 2018 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp mà nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động ở vùng Tây Thái Bình Dương. "Khi quyết định đưa một nhóm tác chiến tàu sân bay đến nơi nào chính là thể hiện sự quan tâm của Mỹ với khu vực đó. Chúng tôi không có nhiều tàu sân bay, nên sự hiện diện này nói lên rất nhiều. Những quốc gia ở Thái Bình Dương rất trân trọng sự ổn định, đó là lý do chúng tôi ở đây”, ông Fuller nói.
Sau một năm của Tổng thống Trump ở Nhà Trắng, nhiều nhà quan sát cho rằng vấn đề tranh chấp và hành vi quân sự hóa ở Biển Đông đã không được coi trọng bằng tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Nắm bắt được sự lo ngại này, Chuẩn đô đốc Fuller nói việc điều các tàu chiến đến khu vực là cách Washington khẳng định chiến lược với vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh tình hình được dự báo có thể phát sinh căng thẳng trong năm 2018, sau một năm 2017 tương đối “lặng sóng”.
Một người phát ngôn đội tác chiến tàu USS Carl Vinson nói chuyến thăm của họ đến các nước trong khu vực vào giai đoạn này không liên quan đến những hoạt động tuần tra tự do hàng hải. Nhưng chỉ riêng sự hiện diện của một tàu sân bay chở theo hơn 70 phi cơ cũng gửi thông điệp rõ ràng đến các bên liên quan.
Chia sẻ với tuyên bố trên, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia), nói với Zing.vn rằng việc điều tàu USS Carl Vinson chính là lời trấn an các nước Đông Nam Á rằng Tổng thống Trump không "bỏ bê" khu vực này. "Mỹ là một cường quốc quân sự toàn cầu và nước này sử dụng sức mạnh hải quân để chứng tỏ sự quan tâm đối với việc duy trì an ninh với những tuyến đường thông thương trên biển (SLOC), phục vụ cho cả các tàu thương mại và quân sự. Các chuyến thăm hữu nghị của những đợt tàu là một phần của chính sách ngoại giao hải quân, qua đó bồi đắp thiện chí giữa các bên", ông Thayer nói.
Bên cạnh các chuyến thăm của USS Carl Vinson đến Việt Nam và Philippines, hải quân Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động phối hợp với các bên liên quan khác trong tranh chấp trên Biển Đông, như tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã đến Kota Kinabalu, Malaysia, vào tuần trước.
Tuy nhiên, trong chính sách "ngoại giao tàu chiến" thì sự viếng thăm của một tàu sân bay thể hiện nhiều ý nghĩa hơn bất kỳ các loại tàu chiến nào khác. "Tàu sân bay chính là biểu tượng quyền lực nhất của sức mạnh hải quân. Tàu khu trục cũng là một tàu chiến hùng mạnh, nhưng ý nghĩa tác động của nó chỉ bằng 1/10 so với một tàu sân bay. Một tàu sân bay lớn chính là ao ước của tất cả các lực lượng hải quân”, Giáo sư James Holmes nhận định với Zing.vn.
Trong năm 2018, các nhà quan sát dự báo phe quân đội tiếp tục duy trì ảnh hưởng to lớn đến tình hình và tương lai khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump so với nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Đặt trong bối cảnh đó, nhiệm vụ Biển Đông dịp này của tàu USS Carl Vinson được tiến hành một tháng sau khi Lầu Năm Góc công bố chiến lược quốc phòng, gọi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Trong một phát biểu đầu tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố những hành động quân sự hóa ở Biển Đông là lý do ông muốn chuyển hướng chiến lược quốc phòng Mỹ từ chống khủng bố sang đối phó với những đối thủ lớn. Ông Mattis với kinh nghiệm hơn 40 năm trong lực lượng thủy quân lục chiến chính là người kêu gọi mạnh mẽ nhất trong Bộ Quốc phòng về việc tái phân bổ nguồn lực từ Trung Đông sang châu Á. "Điều khiến cuộc cạnh tranh trở nên rõ rệt là việc biến những thực thể ở Biển Đông thành các chốt quân sự", ông Mattis nói.
Nói với các phóng viên khi USS Carl Vinson đến Philippines vào giữa tháng 2, Thiếu tá Tim Hawkins khẳng định Mỹ sẽ không bị đe doạ bởi bất kỳ hành vi quân sự nào ở Biển Đông, và các tàu Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép.
"Hải quân Mỹ đã hoạt động ở Tây Thái Bình Dương hơn 70 năm, không chỉ ở Biển Đông mà ở rộng khắp khu vực. Chúng tôi phối hợp với các đối tác và đồng minh, để quảng bá an ninh và ổn định khu vực, để tái khẳng định quan điểm của chúng tôi là tất cả các bên cần tuân thủ luật pháp, luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế; nhằm duy trì một vùng biển mở và tự do", Thiếu tá Hawkins nói.
Dù Washington luôn khẳng định những hoạt động hải quân không mang ý khiêu khích hay nhằm cụ thể vào một nước nào, Hải quân Mỹ đã bắt đầu chuyển hướng hỏa lực của họ tham gia vào chiến lược ngoại giao pháo hạm và răn đe.
"Chúng tôi đã chuẩn bị để tiến hành hàng loạt hoạt động, từ cung cấp hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ thiên tai trong tình huống khẩn cấp; cho đến những chiến dịch buộc chúng tôi phải xuất kích máy bay chiến đấu. Hiện tại chúng tôi chưa tiến hành việc này nhưng đã sẵn sàng cho tình huống cần thiết", Thiếu tá Hawkins cho biết.