Hai mẫu tên lửa mới của Triều Tiên tại lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng, ngày 10/10. Video: KCTV .
Triều Tiên ngày 10/10 tổ chức lễ duyệt binh tại quảng trường Kim Nhật Thành, thủ đô Bình Nhưỡng, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động. Lễ duyệt binh diễn ra trong bối cảnh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị đình trệ, đại dịch Covid-19 hoành hành buộc Bình Nhưỡng thi hành chính sách phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong lễ duyệt binh, Triều Tiên giới thiệu mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới được chở trên xe tải kiêm bệ phóng có tới 11 cặp bánh lốp. Mẫu tên lửa này được cho là có kích thước lớn hơn cả Hwasong-15, mẫu ICBM uy lực nhất Triều Tiên từng công bố trước đó, vốn được chở trên xe tải có 9 cặp bánh lốp.
Giới chuyên gia gọi mẫu tên lửa mới là Hwasong-16, song chưa rõ nó có tầm bắn xa hơn, hiện đại hơn các mẫu trước đây hay có thể mang các đầu đạn hồi quyền độc lập (MIRV) hay không.
“Vẫn cần thêm các phân tích và so sánh chi tiết, song hình ảnh cho thấy tên lửa mới có thể dài khoảng 24-25 m với đường kính lớn hơn so với Hwasong-15”, Kim Dong-yup, chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, cho biết.
“Mẫu tên lửa này có thể thuộc họ Hwasong, sử dụng động cơ chính dùng nhiên liệu lỏng Pektusan. Trong pha đầu, tên lửa không sử dụng cụm ba động cơ mà dùng một động cơ mới mạnh mẽ hơn, được Triều Tiên thử nghiệm vào tháng 12/2019 tại nhà máy tên lửa Tongchang”, Kim Dong-yup nói.
Mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới trên xe phóng 11 trục bánh xe của Triều Tiên trong lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng, ngày 10/10. Ảnh: KCNA .
“Hwasong-16” được cho là mẫu tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, biên tập viên Tyler Rogoway của Drive nhận định “Hwasong-16” có thể là “tên lửa lai” với tầng cao nhất sử dụng nhiên liệu rắn. “Triều Tiên những năm gần đây đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực tên lửa nhiên liệu rắn”, Rogoway viết.
Kim Dong-yup cho rằng dù có kích thước và trọng lượng lớn hơn, mẫu tên lửa mới này không nhất thiết có tầm bắn lớn hơn Hwasong-15, vốn đã đủ sức tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lục địa Mỹ.
Theo ông, uy lực của mẫu ICBM mới không phải nằm ở tầm bắn mà là trọng lượng, độ ổn định và độ tin cậy khi hoạt động của đầu đạn. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định năng lực công nghệ thu nhỏ và giảm trọng đầu đạn hiện tại của Triều Tiên chưa cho phép phát triển tên lửa mang nhiều đầu đạn.
Các chuyên gia cũng hoài nghi về nguồn gốc của xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) của Hwasong-16. Xe phóng của tên lửa Hwasong-15 được cho là mua của Trung Quốc và được Triều Tiên cải tạo. Chưa rõ Bình Nhưỡng cải tạo TEL của Hwasong-16 trên cơ sở phương tiện mua lại của Trung Quốc hay đã vận hành dây chuyền sản xuất nội địa nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất tên lửa trong tương lai.
Cách thức các xe phóng khổng lồ của Hwasong-16 hoạt động cũng là điều chưa biết. Giới chuyên gia cho rằng chúng chỉ chạy theo tuyến đường đã định từ hầm trú ẩn tới bãi phóng mà không thể chướng ngại vật hay tự do di chuyển như những mẫu xe phóng nhỏ hơn.
Một vũ khí đáng chú ý khác được Triều Tiên ra mắt trong lễ duyệt binh 10/10 là mẫu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-4A. Việc giới thiệu vũ khí này cho thấy Triều Tiên đang chuyển nguồn lực đáng kể sang phát triển vũ khí răn đe phóng từ tàu ngầm.
Các tàu ngầm từ thời Liên Xô trong biên chế quân đội Triều Tiên đang được cải tiến để đảm nhận vai trò lực lượng răn đe hạt nhân. Triều Tiên hồi tháng 10/2019 thử tên lửa Pukguksong-3 trong bối cảnh đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington chưa đạt tiến triển mới.
Chuyên gia Kim Dong-yup nhận định bề ngoài của Pukguksong-4A “trông giống Pukguksong-3”. Tuy nhiên, mẫu tên lửa mới có đường kính 1,8-2 m, lớn hơn Pukguksong-3 với đường kính 1,5-1,6 m, và có thể “được chế tạo cho tàu ngầm mới với kích thước lớn hơn đang được phát triển”.
Tên lửa Pukguksong-4A trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng, ngày 10/10. Ảnh: KCNA .
Triều Tiên có thể phát triển mẫu tên lửa phóng từ mặt đất dựa trên Pukguksong-4A, Kim Dong-yup cho biết. Các chuyên gia Triều Tiên từng chế tạo và thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn - trung phóng từ mặt đất trên cơ sở SLBM Pukguksong-2.
Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn khó đối phó hơn do chúng không cần nạp nhiên liệu trước khi khai hỏa. “Có thể nhận định rằng Pukguksong-4A là mẫu tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn được phát triển để thay thế tên lửa Hwasong-12 sử dụng nhiên liệu lỏng với tầm bắn tương đương (3.700-6.000 km)”, chuyên gia Kim nói.
Chủ tịch Kim Jong-un tháng 12/2019 nói “thế giới sẽ sớm chứng kiến loại vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên”. “Với việc giới thiệu tên lửa Pukguksong-4A và mẫu ICBM mới trên xe phóng 11 cặp bánh, ông ấy đã thực hiện được lời hứa của mình”, Kim Dong-yup cho biết.